Bất thường chương trình khám sức khỏe học đường ở Q.6 (TP.HCM): Điều dưỡng thay bác sĩ khám cho học sinh

Lê Vân
Lê Vân
27/11/2023 08:13 GMT+7

Nhiều y sĩ y học cổ truyền, y học dự phòng, cử nhân y tế công cộng, điều dưỡng, nữ hộ sinh của Trung tâm y tế Q.6 TP.HCM được bố trí khám sức khỏe cho học sinh thay cho bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa có chứng chỉ hành nghề.

Đáng nói, có thành viên đoàn khám sức khỏe còn chưa có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn thực hiện khám chuyên khoa cho các em học sinh. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ học sinh không được phát hiện bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe… Từ phản ánh của bạn đọc, PV Báo Thanh Niên vào cuộc điều tra làm rõ.

Điều dưỡng thay bác sĩ khám cho học sinh - Ảnh 1.

Bác sĩ B.N.Q.K (ngồi bàn đầu, bên trái) không có tên trong quyết định thành lập đoàn khám do Trung tâm y tế Q.6 cung cấp cho PV

Lê Vân

Người khám một đằng, CON DẤU TÊN MỘT NẺO...

Chiều 13.11, ghi nhận đoàn khám sức khỏe của Trung tâm y tế (TTYT) Q.6 khám cho học sinh Trường tiểu học Bình Tiên (đường Phan Văn Khỏe, P.5, Q.6), PV phát hiện nhiều bất thường. Nhiều điều dưỡng, bác sĩ có con dấu khắc tên đóng vào sổ khám sức khỏe của học sinh nhưng lại không thuộc danh sách y, bác sĩ của TTYT Q.6 trong Quyết định thành lập đoàn khám sức khỏe. Tại đây, chúng tôi còn phát hiện trong phòng khám có 4 nhân viên y tế không đeo bảng tên đang khám các chuyên khoa như mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt và nhi khoa. Trong đó, PV nhận diện người đầu tiên là y sĩ T.P.Th, nhân viên khoa Y tế công cộng - An toàn thực phẩm thuộc TTYT Q.6.

Điều dưỡng thay bác sĩ khám cho học sinh - Ảnh 2.

Bác sĩ y học cổ truyền T.T.M.L dù đang nghỉ hậu sản vẫn đóng con dấu tên mình trong phần kết luận trưởng đoàn khám năm học 2023 - 2024

Lê Vân

Chưa hết, trong sổ khám của một học sinh có đóng dấu ghi tên bác sĩ N.T.K, nhưng bác sĩ này không xuất hiện tại buổi khám. Về việc này, bác sĩ N.T.K thừa nhận với PV rằng hôm 13.11 mình không khám ở Trường tiểu học Bình Tiên.

Bên cạnh đó, bác sĩ B.N.Q.K không có tên trong quyết định thành lập đoàn khám nhưng lại có mặt khám nhi khoa ở Trường tiểu học Bình Tiên. Theo tìm hiểu, bác sĩ B.N.Q.K hiện là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền, bắt đầu làm việc tại trạm y tế (TYT) P.5 (thuộc TTYT Q.6) từ tháng 7.2022. Ở một bàn khám khác, bác sĩ H.T.N.H, là bác sĩ y học dự phòng của TYT P.8 (Q.6), hiện chưa có chứng chỉ hành nghề chuyên khoa mắt, lại khám mắt cho các học sinh. Bác sĩ này cũng thường xuyên mang con dấu khắc tên mình đóng xác nhận kết quả khám chuyên khoa khác cho học sinh. Trong khi đó, theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư số 35/2019/TT-BYT, bác sĩ y học dự phòng không được khám chuyên khoa mà chỉ được khám bệnh thông thường, sơ cấp cứu ban đầu tại TYT.

Điều dưỡng thay bác sĩ khám cho học sinh - Ảnh 3.

Điều dưỡng V.V.Q khám chuyên khoa tai mũi họng và đóng dấu mang tên một nữ bác sĩ y học cổ truyền

Lê Vân

Nhưng trường hợp gây sốc nhất cho chúng tôi là khi chứng kiến cảnh điều dưỡng nam tên V.V.Q, làm việc tại TYT P.9 (Q.6), khám tai mũi họng cho học sinh Trường tiểu học Bình Tiên và ký tên, đóng dấu bằng con dấu của nữ bác sĩ tên T.M.T.T, Trưởng TYT P.2 (Q.6). Từ tài liệu do một đoàn khám sức khỏe của TTYT Q.6 cung cấp, chúng tôi phát hiện V.V.Q không có tên trong danh sách đoàn khám sức khỏe cho học sinh Trường tiểu học Bình Tiên ngày 13.11.

Đáng nói, ngay cả bác sĩ T.M.T.T cũng chỉ có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền chứ không phải chuyên khoa tai mũi họng. Trong sổ khám sức khỏe học sinh ở một trường tiểu học khác của Q.6, ngày 3.11, có tới 2 bác sĩ y học cổ truyền khác có con dấu tên N.T.P.T và L.V.K cùng khám các chuyên khoa mắt và tai mũi họng cho học sinh.

Theo Điều 9, Thông tư 14/2013/TT-BYT, điều kiện của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện khám sức khỏe, nhân sự tham gia đoàn khám sức khỏe học sinh phải đúng chuyên khoa, có trong danh sách y bác sĩ trong Quyết định lập đoàn khám sức khỏe. Người thực hiện khám lâm sàng, người kết luận phải là bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ y khoa trở lên. Người thực hiện khám lâm sàng, cận lâm sàng phải có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh theo quy định của luật Khám bệnh chữa bệnh phù hợp với chuyên khoa mà người đó được giao trách nhiệm khám. Trường hợp người thực hiện kỹ thuật cận lâm sàng mà pháp luật không quy định phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh chữa bệnh thì phải có bằng cấp chuyên môn phù hợp với công việc được phân công.

NGHỈ HẬU SẢN NHƯNG TÊN BÁC SĨ VẪN ĐÓNG DẤU TRONG SỔ KHÁM

Tại một trường tiểu học khác ở Q.6, PV ghi nhận qua sổ khám sức khỏe của học sinh có mộc đóng dấu tên bác sĩ T.T.M.L thuộc khoa Y tế công cộng của TTYT Q.6 ở phần khám sức khỏe và là trưởng đoàn khám năm học 2023 - 2024. Trong khi đó, thực tế là bác sĩ T.T.M.L đang nghỉ hậu sản. Thêm vào đó, bác sĩ này chỉ có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, trong khi theo quy định, trưởng đoàn khám sức khỏe phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đa khoa hoặc chuyên khoa 1.

Điều dưỡng thay bác sĩ khám cho học sinh - Ảnh 5.

Y sĩ y học cổ truyền T.P.Th khám chuyên khoa và đóng dấu tên bác sĩ trong phần khám răng hàm mặt

Lê Vân

Chúng tôi cũng phát hiện bác sĩ T.T.H.T, Trưởng TYT P.14 (Q.6), là bác sĩ y học dự phòng, có ký tên, đóng dấu khám chuyên khoa cho học sinh của một trường tiểu học khác ở Q.6. Trong khi đó, bác sĩ T.T.H.T không có tên trong danh sách đoàn khám sức khỏe trường học năm nay của TTYT Q.6. Chưa hết, cùng thời điểm ngày 9.11, trong khi bác sĩ T.T.H.T đang trực ở TYT P.14 và tiếp PV thì vẫn có dấu đóng mang tên mình vào kết quả khám mắt cho học sinh tại một trường học trên địa bàn quận. Khi tiếp PV, bác sĩ T.T.H.T nói: "Tôi có khám trường học, hôm qua khám cả ngày, lẽ ra hôm nay (tức ngày 9.11 - PV) cũng khám, nhưng bận việc ở TYT nên để y sĩ đi thay"... (còn tiếp)

Ba năm khám sức khỏe không phát hiện bệnh gai đen

Theo chị N.C (mẹ của một học sinh vừa được khám sức khỏe định kỳ ở Q.6), sổ khám ghi bé thừa cân, béo phì nhưng không ghi chú về bệnh gai đen nên chị không biết con mình bị bệnh gì. "Tôi chỉ biết từ lớp 1 đến nay, vết đen ở cổ con cứ lan rộng và đen hơn. Gia đình nghĩ đất bám vào cổ, nhưng tắm, kỳ vẫn không ra; kể cả ngấn chân, tay cũng đen. Gia đình cũng không thấy trường thông báo gì về bệnh tình của bé… Tuy nhiên, mới đây gia đình đưa bé đi khám tại phòng khám chuyên khoa thì bác sĩ chẩn đoán bị bệnh gai đen, phì đại amidan".

Được biết, một học sinh khác cùng trường với con của chị N.C cũng xuất hiện vết đen tương tự trên cơ thể nhiều năm qua vì béo phì nhưng đến năm học này khám sức khỏe mới phát hiện bị bệnh gai đen...

TS-BS Lê Nguyễn Thanh Nhàn, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Nhi Đồng 1 TP.HCM, chia sẻ một số dấu hiệu cần lưu ý: "Bệnh gai đen là tình trạng tăng sắc tố của da thường gặp ở vùng cổ, nách, bẹn và nếp gấp da ở các vị trí khác. Bệnh này rất dễ nhận dạng qua quan sát các vùng da có tăng sắc tố (màu đen) và hơi nham nhám khi sờ ở các vị trí trên, thường gặp nhất ở vùng cổ, gáy. Khi thấy dấu hiệu này, phụ huynh nên đưa con đến bệnh viện khám để kiểm tra. Trẻ béo phì có biểu hiện này có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 do cơ thể xuất hiện tình trạng kháng insuline. Insuline là chất giúp đưa đường (glucose) từ máu vào trong tế bào. Ngoài ra, trong một ít trường hợp, bệnh gai đen là biểu hiện ngoài da của hội chứng buồng trứng đa nang, tác dụng phụ của thuốc và ung thư. Ở trẻ em, đại đa số trường hợp bệnh gai đen có liên quan đến béo phì".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.