Bất thường dịch bệnh trái mùa

24/06/2019 04:49 GMT+7

Sởi , ho gà được coi là dịch bệnh điển hình vào mùa đông xuân, nhưng ngay trong các tuần nắng nóng gay gắt, số người nhập viện do các bệnh này, đặc biệt là các ca mắc sởi, tăng cao ở người lớn.

Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, Hà Nội, cho biết các tuần gần đây thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân (BN) người lớn mắc sởi nhập viện. Đến cuối tuần qua, tại đây vẫn còn gần 10 trường hợp điều trị nội trú. Hầu hết các BN không biết mình mắc sởi nên chủ quan, chỉ nhập viện khi đã xuất hiện biến chứng. BN N.A (29 tuổi, Bắc Giang) cho biết trước khi vào viện đã bị sốt cao gần 1 tuần, sau đó xuất hiện nốt ban, nhưng chủ quan nghĩ mình sốt vi rút thông thường và dùng thuốc hạ sốt.
“Em đến viện khám vì người rất mệt, sốt cao không dứt, ho và đau rát họng nhiều. Các bác sĩ chẩn đoán em bị sởi, đã có biến chứng viêm đường hô hấp”, BN này cho hay.
Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 5 TP.HCM ghi nhận hơn 5.160 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca nào
 
Theo thống kê của Trung tâm bệnh nhiệt đới, có lúc tại đây tiếp nhận tới 10 ca sởi một ngày. Đáng lo ngại, trong số nhập viện có nhiều phụ nữ đang mang thai. Riêng trong tháng 5 vừa qua đã tiếp nhận 70 ca mắc sởi, phổ biến là độ tuổi 25 - 35 và hầu hết các BN đều chưa tiêm phòng vắc xin sởi hoặc không nhớ rõ tình trạng tiêm chủng.

Chủ quan khiến bệnh nặng

TS-BS Đoàn Thu Trà, Phó giám đốc trung tâm này, cho biết người lớn thường chủ quan, không nghĩ mình có thể mắc sởi nên để đến khi rất nặng, biến chứng như viêm đường hô hấp, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, thậm chí có ca bị sởi biến chứng viêm não, viêm màng não rất nặng... mới đi khám. Sởi bùng phát ở người lớn có thể trở thành nguồn lây dễ dàng cho tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em, ảnh hưởng đến miễn dịch cộng đồng.
“Phòng bệnh là vô cùng quan trọng và biện pháp hữu hiệu nhất là tiêm vắc xin. Bất kỳ người lớn nào chưa từng mắc sởi hay chưa tiêm phòng, cần bổ sung mũi tiêm này càng sớm càng tốt”, bác sĩ Đoàn Thu Trà khuyến cáo.
Tại BV Nhi T.Ư, GS Minh Điển, Phó giám đốc BV này, cho biết vừa qua cũng ghi nhận các ca mắc sởi với nhiều trường hợp biến chứng như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm mô tế bào… Có thời điểm cùng lúc 40 BN sởi điều trị.
Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP ghi nhận 1.447 ca mắc sởi. Riêng trong 2 tuần cuối tháng 5 đầu tháng 6, là thời điểm có nhiều ngày nắng nóng, vẫn ghi nhận 103 ca mắc sởi. Đa số các ca mắc đã được điều trị khỏi.
Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội cũng ghi nhận các ca mắc ho gà trong các tuần qua, với 73 trường hợp được báo cáo từ đầu năm đến nay, trong đó có các ca mắc trong tháng 5, 6 (thời điểm nắng nóng).

TP.HCM vào chu kỳ dịch sởi 5 năm?

Tại TP.HCM, thông tin từ BV Nhi đồng 2 cho biết cuối tuần qua tại BV có 33 ca mắc sởi, trong đó 27 ca nội trú và 6 ca ngoại trú. Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1, tại khoa này lúc nào cũng có trẻ mắc sởi nhập viện, trong ngày 23.6 có gần 14 ca nội trú. Đặc biệt, số trẻ nhỏ dưới 9 tháng chiếm đến 50% (trẻ chưa đủ tuổi tiêm chủng), chủ yếu do miễn dịch mẹ kém.
Theo nhiều bác sĩ, thực tế trên khá bất thường bởi mùa này về lý thuyết là hết bệnh sởi do thời tiết nóng, nhưng số ca bệnh vẫn còn đông.
Theo Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm 2019 đến cuối tháng 5 TP.HCM ghi nhận hơn 5.160 ca mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm ngoái không có ca nào.
Đáng lưu ý, bệnh sởi ở TP không ghi nhận mùa hằng năm mà cứ 5 năm lại có một vụ dịch (vụ dịch trước vào năm 2014). Mùa dịch năm nay đã bắt đầu từ giữa năm 2018 và kéo dài đến hiện tại. Mặc dủ tỷ lệ tiêm ngừa sởi - rubella cho trẻ em tại TP đạt 97,2%, nhưng số ca bệnh vẫn còn cao.
Nguyên nhân được lý giải là đặc điểm dân cư biến động rất lớn, do vậy cần biện pháp phòng chống dịch bệnh một cách phù hợp, đặc biệt là truyền thông vận động phụ huynh ở các khu nhà trọ, người lao động nhập cư đưa con em đi tiêm ngừa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.