Bất thường giá vàng

Thanh Xuân
Thanh Xuân
29/12/2023 04:16 GMT+7

Tăng 2 triệu, rồi giảm sốc 3 triệu đồng/lượng; vàng miếng SJC đắt hơn thế giới gần 20 triệu đồng/lượng; giá mua - giá bán cách nhau lên tới 3 - 4 triệu đồng/lượng khiến người mua lỗ ngay lập tức bất chấp giá vàng tăng...; thị trường vàng trong nước ngày càng bất thường. Ngày 28.12, Thủ tướng có Công điện yêu cầu xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, thao túng thị trường vàng.

Vàng đột ngột "bay hơi" 4 triệu đồng/lượng

Sau thời gian dài im ắng dù thế giới biến động mạnh, giá vàng miếng SJC khoảng hơn 1 tháng trở lại đây bất ngờ tăng nhanh và mạnh, đẩy cách biệt giữa giá vàng trong nước và thế giới ngày càng xa. Đỉnh điểm ngày 26.12, bất chấp thị trường thế giới đi ngang và tăng nhẹ quanh mốc 2.050 USD/ounce, giá vàng miếng trong nước "nổi sóng" tăng 2 triệu đồng trong ngày và xác lập kỷ lục trên 80 triệu đồng/lượng, đắt hơn giá vàng quốc tế 20 triệu đồng, gây sốc cho thị trường.Giá vàng nổi sóng trong tháng 12.2023Giá vàng nổi sóng trong tháng 12.2023.

Bất thường giá vàng- Ảnh 1.

Giá vàng nổi sóng trong tháng 12.2023

Ảnh: Đào Ngọc ThạchĐồ họa: Phúc Hải

Thế nhưng hôm qua 28.12, vàng đã có một phiên lao dốc khiến nhiều người ôm vàng trước đó "chết đứng". Mở cửa đầu giờ sáng, vàng miếng SJC tăng trở lại mức giá kỷ lục 80 triệu đồng mỗi lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC tăng 500.000 đồng/lượng, mua vào lên 78,5 triệu đồng, bán ra 80 - 80,02 triệu đồng. Tập đoàn Doji mua vào 77,8 triệu đồng, bán ra 80 triệu đồng/lượng… 

Thế nhưng, người mua vàng chưa kịp mừng thì đến cuối giờ sáng, đầu giờ chiều, kim loại quý liên tục đi xuống, mỗi bước nhảy giảm giá từ 500.000 đồng - 1 triệu đồng/lượng. Và chỉ trong khoảng thời gian ngắn, tổng mức "bay hơi" của vàng miếng SJC đã lên 4 triệu đồng/lượng trong ngày. Giá mua vào tại Công ty SJC rớt xuống còn 73 triệu đồng, bán ra 76 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji còn 72 triệu đồng, bán ra 76 triệu đồng/lượng; Công ty Phú Quý SJC mua vào rớt mạnh còn 72,5 triệu đồng, bán ra 76 triệu đồng/lượng… 

XEM NHANH 20H ngày 30.12: Giá vàng giảm sâu nhất lịch sử

Cuối ngày hôm qua, các đơn vị kinh doanh vàng lại đột ngột tăng 1,5 triệu đồng/lượng, Công ty SJC mua vào với giá 74,5 triệu đồng, bán ra 77,5 triệu đồng/lượng; Tập đoàn Doji mua vàng với giá 72 triệu đồng, bán ra 77,5 triệu đồng/lượng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 73,35 triệu đồng, bán ra 77,3 triệu đồng/lượng… Điểm bất thường là giá mua và bán vàng miếng SJC chênh lệch đẩy lên 3 - 5,5 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước đến nay.

Vàng trong nước đột ngột quay đầu giảm giá mạnh trong ngày 28.12 giúp kéo ngắn lại mức đắt đỏ so với giá vàng thế giới còn 14,4 triệu đồng/lượng đối với vàng miếng thay vì lên đến gần 20 triệu đồng/lượng trước đó và 2,5 triệu đồng/lượng đối với vàng nhẫn. Thế nhưng so với mức giá đầu tháng 12, giá bán vàng tăng 2,4 triệu đồng/lượng, nhưng chiều mua vào chỉ tăng 600.000 đồng/lượng.

Cú rớt giá chí mạng của vàng đã khiến người mua lỗ nặng từ 3 - 5,5 triệu đồng/lượng chỉ trong một thời gian ngắn. Thậm chí, những người mua ở mức giá cao 80 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC thì nay đã lỗ tới 7 triệu đồng/lượng trong vài ngày.

Ghi nhận tình hình thị trường ngày 28.12, tại Công ty SJC (đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM), lượt khách hàng vào mua bán vàng nhộn nhịp. Sau nhiều năm, tình trạng khách hàng phải bốc số chờ đến lượt giao dịch, nhân viên công ty phải kê thêm ghế nhựa cho khách ngồi lại bắt đầu xuất hiện. Ở khu vực bán lẻ, khách vào mua vàng nhẫn và vàng miếng khá đông nhưng đa số chỉ 2 - 3 lượng. Trong khi đó, ở quầy bán vàng, khối lượng ít nhất cũng 3 lượng, có người bán lên đến 30 lượng. Lực bán áp đảo so với mua vào.

Ở các điểm giao dịch lớn trên địa bàn TP.HCM như các tiệm vàng quanh khu vực chợ An Đông (Q.5), chợ Hòa Bình (Q.5), chợ Bến Thành (Q.1), chợ Tân Định (Q.1)… lại khá vắng khách. Tại khu vực phố Nhiêu Tâm (Q.5) được mệnh danh là nơi tập trung bán sỉ của giới kinh doanh vàng, tình hình cũng không mấy khả quan. Ngoài một số cửa hàng bán dụng cụ kim hoàn còn có vài khách vào ra, những cửa hàng còn lại bán sản phẩm nữ trang vàng bạc đá quý gần như không có khách. Một số nhân viên cho biết dù cuối năm nhưng không khí giao dịch ảm đạm, không có khách mua từ mấy tuần nay. 

Mặc dù vậy, giá vàng nhẫn hôm qua vẫn lên mức kỷ lục. Công ty SJC mua vào vàng nhẫn với giá 62,85 triệu đồng, bán ra 64 triệu đồng/lượng, có thời điểm trong ngày giá vàng nhẫn lên 63 triệu đồng/lượng, bán ra 64,15 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji mua vàng nhẫn với giá 62,55 triệu đồng, bán ra 63,75 triệu đồng/lượng… Giá trên 64 triệu đồng mỗi lượng vàng nhẫn được xem là cao nhất từ trước đến nay. So với đầu năm, giá vàng nhẫn tăng tổng cộng 10 triệu đồng/lượng.

Giải thích vì sao giá mua vào vàng 4 số 9 ở mức 58 triệu đồng/lượng mà bán ra lên đến 64,5 triệu đồng/lượng, nhân viên một tiệm vàng nói, thị trường ế nên chỉ mua vào giá thấp để giảm thiểu rủi ro.

Biến động vàng ngày 29.12: Vàng tiếp tục rớt giá chí mạng

Vàng miếng SJC bị thao túng giá ?

Lý giải về mức tăng phi mã của vàng miếng SJC những ngày qua, đa số chuyên gia cho rằng do cung tăng vì kỳ vọng vào đà tăng ngắn và trung hạn của kim loại quý trên thị trường quốc tế, sau tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ của Mỹ. Cụ thể, dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm lãi suất ngay từ tháng 3.2024 và có 3 lần giảm lãi suất ít nhất trong năm này sẽ làm giảm sức mạnh của USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ; điều này hỗ trợ cho kim loại quý. Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu nữ trang tăng lên theo tính mùa vụ trước tết cũng như nhu cầu vàng từ các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng là những yếu tố hỗ trợ cho giá vàng.

Tuy nhiên, nghi án thao túng giá cũng được nhiều người đặt ra.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhận xét: Giá vàng trong nước không liên thông với quốc tế, một mình một chợ từ nhiều năm nay nên dẫn đến những biến động hết sức bất ngờ và khó dự báo. Ông Huân cho rằng có hiện tượng thao túng giá vàng. Cụ thể, vàng trong nước có lúc đồng pha với giá thế giới ở chiều tăng lên, nhưng khi giá quốc tế giảm thì trong nước lại giảm chậm hoặc không giảm. Đáng nói, việc này chỉ có xảy ra đối với vàng miếng SJC chứ các loại vàng như nhẫn, nữ trang thì vẫn bình thường. 

"Vàng miếng SJC độc quyền từ cả chục năm nay. Cũng hơn 10 năm nay, thị trường không có thêm lượng vàng miếng SJC nào, do đó những đơn vị đang nắm số lượng vàng trên thị trường có thể chi phối được giá. Còn vàng nhẫn thì nguồn cung dồi dào do nhiều nhà cung cấp hơn nên giá cũng sẽ biến động theo giá thế giới hơn và cạnh tranh hơn. Chúng ta đều thấy, việc khan hiếm vàng trên thị trường chỉ xảy ra đối với vàng miếng SJC, chứ những loại còn lại thì không", ông Huân dẫn chứng.

Vàng miếng SJC độc quyền từ cả chục năm nay. Cũng hơn 10 năm nay, thị trường không có thêm lượng vàng miếng SJC nào, do đó những đơn vị đang nắm số lượng vàng trên thị trường có thể chi phối được giá.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM)

Phân tích thêm về mức giá chênh lệch giữa mua và bán vàng lên mức kỷ lục 3 - 4 triệu đồng/lượng, ông Huân phân tích: Không như chứng khoán, nhà đầu tư có thể mua bán trực tiếp, thị trường vàng có các đơn vị kinh doanh, tiệm vàng ở khâu trung gian mua bán. Chính vì vậy các đơn vị kinh doanh vàng để khoảng cách giá mua - giá bán lên cao nhằm tránh rủi ro khi thị trường biến động cũng như kiếm lợi.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cũng cho rằng giá vàng thời gian qua có biểu hiện rõ của sự thao túng giá. Điều này càng dễ nhìn thấy trong vòng 7 - 10 ngày gần đây. Bởi cùng chất lượng vàng 4 số 9 như nhau nhưng giá vàng nhẫn chỉ cao hơn giá thế giới vài triệu đồng, trong khi vàng miếng SJC lên 18 - 19 triệu đồng. Mặc dù các đơn vị kinh doanh vàng giải thích do cầu thị trường cao hơn cung khiến giá bị đẩy lên cao, nhưng không thể cao đến mức vô lý như vậy được. 

"Nếu nói như vậy thì tại sao khi thị trường vàng xuất hiện một tin nào đó, như hôm 28.12 là thông tin về Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có biện pháp về thị trường vàng, ngay lập tức vàng giảm mạnh 3 - 4 triệu đồng/lượng? Đó không phải là biểu hiện của thao túng giá thì là gì. Giá vàng trong nước cao hơn thế giới vài triệu đồng/lượng thì hợp lý, chứ hiện nay là quá cao", ông Thịnh nói thẳng.

Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, thao túng thị trường vàng

Trước những biến động khó lường của thị trường vàng trong nước và thế giới, ngày 28.12, Công điện 1426 do Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành, yêu cầu NHNN khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng. NHNN khẩn trương có giải pháp hiệu quả để quản lý, điều hành giá vàng miếng trong nước theo nguyên tắc thị trường, không để tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao như thời gian qua ảnh hưởng tiêu cực đến điều hành kinh tế vĩ mô, báo cáo kết quả thực hiện trong tháng 1.2024. 

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường. Kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng. Trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng: "Công điện của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN kiểm tra, giám sát các hoạt động của các đơn vị kinh doanh vàng là điều cần thiết để tránh thao túng giá vàng nếu có. Ngoài ra, NHNN cũng cần triển khai biện pháp để rút ngắn mức chênh lệch đắt đỏ của giá vàng trong nước xuống. Đó có thể là việc cho dập vàng miếng SJC đưa ra thị trường, điều mà 10 năm nay đã không xảy ra trên thị trường làm cho nguồn cung vàng miếng hạn chế".

Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, cho rằng công điện của Thủ tướng ban hành kịp thời trước những diễn biến khó lường của vàng trong nước khi xuất hiện mức giá trên 80 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng nếu không có giải pháp nào thì khả năng giá sẽ còn biến động lên cao nữa. NHNN cần có giải pháp can thiệp để giá vàng trong nước rút ngắn mức chênh lệch cao hơn thế giới. 

Ông Khánh đề xuất: Giải pháp đó có thể là cho nhập khẩu vàng nguyên liệu hoặc bán vàng dự trữ. "Công điện cũng đề cập đến việc sửa Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng vào tháng 1.2024. Hy vọng những giải pháp ban hành trong tháng 1.2024 sẽ kéo giá vàng trong nước chỉ cao hơn thế giới 3 - 5 triệu đồng/lượng. Thị trường vàng hiện nay đang quan sát những động thái tiếp theo từ nhà điều hành", ông Huỳnh Trung Khánh nói.

Theo NHNN, nguyên nhân khiến giá vàng miếng SJC trong nước tăng mạnh trong những ngày qua chủ yếu do yếu tố tâm lý trước đà tăng liên tục của giá vàng quốc tế. Do vậy, trong những ngày giá vàng quốc tế biến động tăng mạnh, giá vàng miếng SJC trong nước thường tăng với tốc độ nhanh hơn. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường vàng, chuẩn bị sẵn sàng để triển khai phương án can thiệp bình ổn thị trường vàng. 

Trong tháng 1.2024, NHNN sẽ trình báo cáo tổng kết Nghị định 24, trong đó có đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định quản lý thị trường vàng để phù hợp với bối cảnh mới của thị trường. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của thị trường vàng quốc tế và trong nước, NHNN khuyến cáo người dân nên thận trọng trong giao dịch vàng.

Đánh giá tổng thể, toàn diện về thị trường vàng

Công điện 1426 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN đánh giá tổng thể, toàn diện về tình hình thị trường vàng trong nước và công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, bao gồm cả các nội dung về sản xuất, kinh doanh vàng miếng, vàng thương hiệu SJC, vàng trang sức... và xác định cụ thể những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập, tồn tại và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để có cơ sở đề xuất các giải pháp quản lý trong thời gian tới, bảo đảm chặt chẽ, khả thi, hiệu quả, đúng quy định, đúng thẩm quyền, ổn định thị trường vàng, ngoại hối, tiền tệ, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Dự báo giá vàng năm 2024 của một số tổ chức trên thế giới

Theo Ngân hàng Wells Fargo, vàng sẽ được giao dịch trong khoảng từ 2.100 - 2.200 USD/ounce.

Ngân hàng Bank of America kỳ vọng giá vàng sẽ tăng lên 2.400 USD/ounce vào năm 2024.

Ngân hàng Saxo của Nhật dự báo vàng sẽ chạm 2.300 USD/ounce.

Tập đoàn ING (ngân hàng Hà Lan) dự đoán giá vàng quốc tế sẽ đạt trung bình 2.031 USD/ounce vào năm 2024, với mức trung bình trong quý 4 là 2.100 USD/ounce.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.