Áp dụng Luật đấu giá tài sản là đúng pháp luật
Với yêu cầu của Công ty Thiên Phú về việc Tuyên Hợp đồng mua bán tài sản đấu giá số 01-10/2017/HĐMBTSĐG ngày 01/07/2017 (HĐ 01-10) vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, phía Công ty Thiên Phú áp dụng Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4.3.2010 về đấu giá tài sản, trong khi đó, phía
Công ty CP Nam Sài Gòn cho rằng cần áp dụng Luật đấu giá tài sản. Do đó, HĐXX thấy các bên còn đang mâu thuẫn trong việc áp dụng luật trong vấn đề này và đề nghị các bên tranh luận, thống nhất áp dụng văn pháp luật nào để xét xử.
Đại diện công ty CP Nam Sài Gòn nêu: “Trên cổng thông tin điện tử của Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật đã thông báo: Nghị định số: 17/2010/NĐ-CP đã hiết hiệu lực toàn bộ kể từ ngày 01/07/2017, đây cũng là ngày Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực thi hành và cũng là ngày HĐ 01-10 được ký kết. Do đó, HĐ 01-10 áp dụng Luật đấu giá tài sản để giải quyết là đúng quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (bảo vệ cho công ty CP Nam Sài Gòn) nhấn mạnh: “Khoản 2 Điều 72 Luật đấu giá tài sản quy định: “Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá bị Tòa án tuyên bố vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự trong trường hợp người trúng đấu giá có hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 của Luật này; Tức có hành vi: Thông đồng, móc nối với đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá khác, cá nhân, tổ chức khác để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá tài sản".
“Tuy nhiên, trong vụ án này, nguyên đơn không có căn cứ, chứng cứ nào chứng minh có các hành vi trên. Duy nhất họ chứng minh bên mua tài sản đấu giá vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Nếu căn cứ vi phạm này để tuyên HĐ 01-10 vô hiệu và hủy kết quả đấu giá lại càng không có căn cứ pháp luật. Bởi lẽ, hồ sơ vụ án thể hiện, trong HĐ 01-10, Agribank và người trúng đấu giá (Công ty Kim Oanh) có thỏa thuận, nếu do trở ngại khách quan liên quan đến đo đạc, thủ tục pháp lý...thì có thể chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Mặt khác hai bên đã thỏa thuận về nghĩa vụ thanh toán trong HĐ 01-10, đó là sự tự nguyện của hai bên theo quy định của Bộ luật dân sự. Do đó, đây không phải là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật, dẫn tới hủy kết quả đấu giá và tuyên vô hiệu HĐ 01-10”, luật sư Quynh nói.
Công ty Thiên Phú lúng túng trong vấn đề tính lãi vay
Phần tranh luận còn tiếp tục với việc tính lãi vay của Agribank đối với các hợp đồng vay của Thiên Phú cũng như việc bán đấu giá quyền sử dụng đất là dự án Hòa Lân hay đấu giá cả quyền sử dụng đất được nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất?
Sau khi các đương sự tranh luận xong, đại diện Viện kiểm sát yêu cầu cần làm rõ lãi suất của các hợp đồng tín dụng giữa Agribank và Thiên Phú nên chủ tọa phiên tòa quay lại phần hỏi đáp.
HĐXX hỏi Công ty Thiên Phú mốc thời gian tính lãi đối với các hợp đồng vay với Agribank và nếu Thiên Phú cho rằng, Agribank tính lãi sai, gây thiệt hại cho Thiên Phú thì cách tính nào là đúng và Thiên Phú đã tính được lãi đến thời điểm hiện nay chưa thì đại diện Công ty Thiên Phú lúng túng, không trả lời được và hứa sẽ gửi bảng tính lãi đến ngày diễn ra phiên tòa cho HĐXX sau.
Cuối buổi chiều ngày 14.8, mặc dù các bên đương sự và đại diện Viện kiểm sát không còn tranh luận gì thêm. Theo trình tự xét xử của phiên tòa sơ thẩm, sau khi kết thúc phần tranh luận sẽ đến phần nghị án. Hầu hết các đương sự đều trông chờ Thẩm phán Lê Thị Phơ – Chủ tọa phiên tòa thông báo kết thúc phần tranh luận để chuyển sang phần nghị án. Tuy nhiên, Thẩm phán Lê Thị Phơ thông báo, phiên tòa sẽ tiếp tục làm việc vào ngày 20.8, dự kiến trong vòng 1 ngày. Điều này khiến hội trường xôn xao.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh hỏi: “Theo quy định pháp luật thì sau phần tranh luận sẽ là phần nghị án. Không rõ HĐXX cho rằng sẽ còn làm việc 1 ngày nữa là làm việc gì, nội dung cụ thể ra sao, đề nghị HĐXX nêu cụ thể để chúng tôi còn biết và chuẩn bị?”
Thẩm phán Phơ nói: “Do hôm nay hết giờ làm việc nên tòa tạm dừng, ngày 28.8 tòa tiếp tục làm việc”.
Bình luận (0)