Bất thường trong việc tuyển lao động của Công ty Letco

04/01/2006 22:56 GMT+7

Nếu không được phát hiện kịp thời, rất có thể hàng trăm người lao động sẽ bị mất công, mất của vì thông tin tuyển lao động đi Pháp của Công ty Letco (xã Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội).

Không thông báo rùm beng mà dựa vào hệ thống trung gian rải khắp các địa phương, quảng cáo dưới dạng truyền khẩu, chỉ trong vòng một thời gian ngắn, Công ty Hợp tác lao động xuất khẩu (Letco) đã thu hút được gần 200 người ở các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Tĩnh... nộp đơn đến công ty xin đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Pháp. Cách đây khoảng 2 tháng, toàn bộ số lao động này được đưa về chi nhánh Công ty Letco ở Nam Định để đào tạo trước khi đi. Mỗi người phải nộp 1,6 triệu đồng để học ngoại ngữ.

Mọi bước đi đều được Letco tính toán rất kỹ, theo hướng dễ dàng rũ bỏ trách nhiệm khi... xảy ra sự cố. Anh N.V.H quê ở Bắc Ninh cho biết: "Khi được người giới thiệu đến Letco, chúng em phải làm cam kết là tự nguyện xin học tiếng Pháp, tự nguyện xin đi lao động xuất khẩu ở Pháp, sau này nếu có trục trặc gì sẽ tự chịu trách nhiệm, không thắc mắc". Trước đây, tất cả đều tin tưởng Letco vì biết đây là doanh nghiệp thuộc Trường cao đẳng công nghiệp Hà Nội. Còn bây giờ, trong tâm trạng hết sức lo lắng, N.T.T cho biết: "Khi mới nhập học, Letco nói là sẽ bay trước Tết, sau đó lại nói Noel sẽ bay nhưng đến bây giờ vẫn chưa thấy thông báo gì". Nhiều gia đình học viên đã tỏ ra rất hoang mang khi tiếp xúc với chúng tôi. 

Trong vai  người lao động (NLĐ), chúng tôi đã liên lạc với Công ty Letco ở Hà Nội. Sau một hồi xét hỏi kỹ lưỡng về nhân thân chúng tôi, một cán bộ có trách nhiệm của công ty không xác nhận việc công ty tuyển người đi Pháp mà chỉ nói rất cảnh giác: "Anh để số điện thoại, tôi kiểm tra lại sẽ thông báo cho anh sau". Chúng tôi gọi điện cho Giám đốc chi nhánh Công ty Letco tại Nam Định. Khi biết chúng tôi là nhà báo, ông này nói: "Chúng tôi và đối tác bên Pháp đã ký biên bản ghi nhớ, ngày 10.1.2006 họ sẽ sang đây coi người. Đối tác Pháp yêu cầu lao động xuất khẩu sang đó phải nói được tiếng Pháp nên chúng tôi đào tạo trước. Lao động hoàn toàn tự nguyện làm điều này".

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Cục trưởng Cục QLLĐ ngoài nước: "Từ trước đến nay Cục chỉ cấp phép cho Tổng công ty Du lịch Hà Nội XKLĐ đi Pháp". Còn ông Phúc, Giám đốc Công ty Cung ứng nguồn nhân lực (Tổng công ty Du lịch Hà Nội), đơn vị được phép XKLĐ đi Pháp cho biết: "Chúng tôi trực tiếp XKLĐ sang Pháp, không qua công ty trung gian hay hệ thống tuyển dụng vệ tinh nào. Lao động đi Pháp làm nghề giết mổ gia súc nhưng hiện nay hợp đồng đã hết".

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, 1,6 triệu đồng chỉ là số tiền mà chi nhánh Công ty Letco ở Nam Định thu của các lao động, ngoài ra NLĐ còn phải chịu những khoản thu khác lớn hơn rất nhiều. Tuy chưa  thể khẳng định Letco móc nối với cánh cò mồi, ăn chia tiền của NLĐ nhưng cách tuyển người mà họ đang thực hiện đã đem lại hậu quả không hay. Hầu hết người có nhu cầu đi XKLĐ đều xuất thân từ các miền quê, không việc làm ổn định, thiếu thông tin. Lợi dụng điều này, "cò" tha hồ đặt điều kiện. Một người đang theo học tiếng Pháp do Letco Nam Định tổ chức đã tiết lộ: "Tôi đã theo đuổi nguyện vọng XKLĐ từ hơn một năm nay rồi. Trong lúc chưa đi được Hàn Quốc thì một người môi giới tự giới thiệu là có "cửa" đi Pháp. Ngoài 1,6 triệu đồng nộp cho Letco, ông này còn nói là phải nộp tiền đặt cọc trước 20 triệu đồng hoặc 1.200 USD". Số tiền này Letco không thu trực tiếp mà người có nhu cầu đi xuất khẩu phải mang đến một ngân hàng trên phố Quốc Tử Giám (Hà Nội) để nộp theo chỉ dẫn của người môi giới. Điều bất thường là nộp tiền xong, người nộp lại không được giữ giấy tờ và sổ tiết kiệm. Người nhà của một lao động khác ở phố Cửa Đông (Hà Nội) cũng khẳng định với chúng tôi: "Gia đình tôi cũng phải nộp 20 triệu rồi, người ta nói là tiền đặt cọc. Số tiền này được nộp vào một ngân hàng nhưng chúng tôi không được cầm sổ tiết kiệm".

Ông Nguyễn Vinh Quang, Giám đốc Trung tâm thông tin và tư vấn, Cục Quản lý lao động (QLLĐ) nước ngoài (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) cho biết: "Cục luôn luôn khuyến khích các doanh nghiệp tìm được thị trường mới để XKLĐ. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của NLĐ, Cục QLLĐ nước ngoài quy định rất chặt chẽ. Doanh nghiệp phải ký hợp đồng XKLĐ trước với đối tác sau đó gửi hợp đồng đã ký và văn bản xin phép Cục. Chúng tôi phải thẩm định các thông tin này, nếu đảm bảo quyền lợi cho NLĐ mới cấp phép. Có giấy phép rồi doanh nghiệp mới được thông báo tuyển lao động để đào tạo". Như vậy, ngay từ đầu Letco đã cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước.

Theo thông tin chúng tôi thu thập được, hiện tại không có bất kỳ doanh nghiệp nào trình văn bản hay hồ sơ xin phép Cục QLLĐ nước ngoài được XKLĐ đi Pháp. Trả lời câu hỏi: "Như vậy có phải Letco lừa đảo NLĐ ?", ông Nguyễn Vinh Quang nói: "Tôi khẳng định việc tuyển lao động trong trường hợp này là không bình thường".

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.