Bất thường từ vụ án ăn cắp xăng dầu

Thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần trong một thời gian dài, gây thiệt hại lớn, khiến dư luận bức xúc, nhưng tòa sơ thẩm chỉ tuyên phạt các bị cáo từ vài tháng tù (án treo) đến cao nhất là 2 năm tù giam.

Thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần trong một thời gian dài, gây thiệt hại lớn, khiến dư luận bức xúc, nhưng tòa sơ thẩm chỉ tuyên phạt các bị cáo từ vài tháng tù (án treo) đến cao nhất là 2 năm tù giam.

Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: K.Hoan
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: K.Hoan
Như Thanh Niên đã thông tin, sau 5 ngày nghị án, ngày 22.1, TAND tỉnh Nghệ An mới tuyên án 7 bị cáo trong vụ sản xuất và lắp đặt thiết bị hiện đại (IC) vào trụ bơm để ăn gian xăng dầu của khách hàng.
Các bị cáo Trần Lê Đức, Bùi Thế Ái, Nguyễn Sơn Hải, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Đình Tuấn bị truy tố về tội truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác theo khoản 1, điều 226a, bộ luật Hình sự, chịu mức án từ 12 tháng tù (án treo) đến 2 năm tù giam, bị phạt tiền từ 20 - 40 triệu đồng; Bành Quốc Huy bị tuyên phạt 9 tháng tù, Hồ Xuân Hà 7 tháng tù cho hưởng án treo về tội lừa dối khách hàng theo khoản 1 điều 162 bộ luật Hình sự.
Quy trình ăn cắp tinh vi
Trong khi đó, theo cáo trạng, từ năm 2009, Trần Lê Đức (37 tuổi, ngụ Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH hệ thống điện tử số VN) sử dụng IC điều khiển đo lường trong các cột bơm xăng dầu của Công ty kỹ thuật số SEEN rồi cài đặt làm thay đổi độ chính xác của IC từ 1 - 10% theo hướng có lợi cho chủ cửa hàng xăng dầu.
Đến năm 2012, theo lời khai của Đức và sổ sách cơ quan điều tra thu được, Đức đã bán và cài đặt tổng cộng 114 IC cho 5 thợ sửa chữa ở Nghệ An với giá mỗi IC từ 1 - 1,5 triệu đồng, Đức hưởng lợi 17 triệu đồng. 4 trong số 5 người này (1 người không bị truy tố vì khai mua cho em trai nhưng em trai đã chết) đã lắp đặt 16 IC mua của Đức tại 16 cột bơm của 11 cửa hàng xăng dầu ở Nghệ An để chủ cửa hàng ăn bớt lượng xăng dầu của khách hàng từ 1 - 4%.
Trong số người mua IC do Đức bán, Bùi Thế Ái đã mua và lắp 7 IC cho 4 cửa hàng xăng dầu ở Nghệ An, “móc túi” khách hàng đổ xăng tổng cộng hơn 254,8 triệu đồng.
Nguyễn Sơn Hải mua 12 IC và lắp cho 7 cột bơm xăng, dầu “móc túi” khách hàng hơn 100 triệu đồng. Nguyễn Anh Tuấn mua 20 IC của Đức rồi bán lại cho Ái, Đình Tuấn, Hải và trực tiếp lắp 1 con IC vào cột bơm xăng, “móc túi” khách hàng hơn 36,5 triệu đồng. Phạm Đình Tuấn mua 2 IC sau đó bán lại cho Hải 1 IC và lắp 1 IC cho một cột bơm xăng, thu lợi 1,6 triệu đồng.
Đối với hai người quản lý 2 cửa hàng xăng dầu bị truy tố về tội lừa dối khách hàng, cáo trạng xác định Huy (quản lý cửa hàng xăng dầu Nam Nghĩa, H.Nam Đàn) đã ăn gian của khách hàng 173 triệu đồng. Hồ Xuân Hà (quản lý cây xăng Hồng Hà, xã Bảo Thành, H.Yên Thành) chiếm đoạt của khách hàng hơn 56 triệu đồng.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm
Trao đổi với Thanh Niên, các chuyên gia pháp luật nhìn nhận mức án tòa tuyên chưa tương xứng với hành vi của các bị cáo; các cơ quan tố tụng chưa tìm ra được “chân tướng sự thật khách quan” của vụ án.
TS Phan Anh Tuấn (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét vụ án có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, cụ thể hai bị cáo Bành Quốc Huy và Hồ Xuân Hà, ngoài tội lừa dối khách hàng còn buộc phải truy tố, xét xử về hành vi truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác với vai trò chủ mưu.
TS Tuấn nói: “Hai bị cáo Huy, Hà phải đồng ý, cho phép thì bị cáo Đức cùng đồng phạm mới thực hiện việc sản xuất, bán, cài đặt thiết bị vào các cây xăng. Hai bị cáo này có hành vi xâm phạm lên hai khách thể khác nhau, vừa là khách hàng vừa là cây xăng nên phải xử lý ở hai tội danh, có mức án nghiêm khắc nhất, không phải mức án nhẹ nhàng vài tháng tù giam và treo như tòa tuyên án”.
Ở một góc độ khác, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng xét bản chất vụ án và nội dung cáo trạng quy kết thì 3 cơ quan tố tụng chưa làm hết trách nhiệm.
“Tòa xét xử theo nội dung đề nghị của viện kiểm sát nhưng tòa vẫn có quyền trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, quá trình xét hỏi tại phiên tòa thì HĐXX có quyền hoãn phiên tòa, trả hồ sơ điều tra bổ sung. Không có chuyện 5 bị cáo trong nhóm tội truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác mà mỗi bị cáo chỉ thu lợi bất chính dưới 20 triệu đồng, cơ sở kết luận là ở đâu hay chỉ dựa vào lời khai một chiều? Đối với viện kiểm sát và cơ quan điều tra cũng phải nhìn nhận được vấn đề, rằng các bị cáo phạm tội trong thời gian dài, nhiều người cùng tham gia chỉ để thu lợi chừng ấy số tiền. Trách nhiệm của 3 cơ quan tố tụng này là tìm ra sự thật khách quan của vụ án nhưng thực tế thì không ai tin mục đích của hành vi trên chỉ thu lợi bấy nhiêu. Về mặt lý thuyết có sự mâu thuẫn, trên cơ sở mâu thuẫn đó các cơ quan tố tụng phải tìm ra, phải chứng minh một cách thuyết phục”, luật sư Hà Hải phân tích.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM) khẳng định các bị cáo phải bị xét xử theo khoản 2 ở các tội danh chứ không phải khoản 1. Ông nói: “Phải xác định các bị cáo phạm tội có tổ chức, tức trên 1 người, có đồng phạm, có bàn bạc, câu kết, phân công nhiệm vụ rõ ràng theo điểm a khoản 2 tội “truy cập bất hợp pháp vào thiết bị số của người khác” (khung hình phạt từ 3 - 7 năm tù); phạm tội nhiều lần, bởi rõ ràng khi gắn IC vào thì các bị cáo thực hiện hành vi ăn cắp xăng dầu của nhiều khách hàng (khung hình phạt từ 2 - 7 năm tù) chứ không phải một lần”.
Chưa thể hiện rõ tính nghiêm minh
Cũng theo luật sư Hậu, cuối năm 2015, sau khi cơ quan chức năng phát hiện 2 trường hợp gian lận xăng dầu tại Hà Nội, lúc đó Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị phải xử lý công khai, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Nhưng, qua vụ án nói trên, cho thấy chưa thể hiện rõ tính nghiêm minh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.