Sử sách viết rằng, phu nhân của Thái sư Trần Thủ Độ một hôm đi ngang cung cấm thì bị người lính chạy cờ ngăn lại. Bà về nhà méc chồng: "... Mụ này là vợ ông mà bị bọn quan khinh nhờn như vậy!" .
Trần Thủ Độ sai bắt người lính chạy cờ về trị tội, nhưng sau khi nghe đương sự trình bày nguyên do thì ông cười: "Ngươi ở dưới cấp thấp mà biết giữ phép nước, ta còn trách gì nữa", sau đó ban thưởng cho người lính.
Đã là phép vua, luật nước thì bất kể người vi phạm có địa vị, gia thế ra làm sao đều bị trừng trị. Đó là cái gương của tiền nhân đất Việt.
Ở chế độ hiện tại, “quân pháp bất vị thân” cũng là một giá trị được đề cao, được chú trọng giáo dục. Những ai từng ngồi trên ghế nhà trường thời đất nước thống nhất hẳn còn nhớ câu chuyện trong sách giáo khoa về Lenin và anh lính gác Lobanov ở điện Smolnyi. Anh lính quèn Lobanov đã điềm tĩnh xét giấy tờ nhà lãnh đạo với lý lẽ: “Không có giấy ra vào thì tôi không thể cho qua”, bất chấp bị áp lực từ cấp trên.
Thế nhưng, trong thực tế, mỗi ngày chúng ta vẫn gặp rất nhiều gương xấu xuất phát từ tệ con ông cháu cha. Một anh chàng bề ngoài rất lịch sự, đi xe hơi đắt tiền, khi bị cảnh sát thổi phạt thì khệnh khạng bước xuống quát: “Tao là cháu ông X đây!”, lúc khác lại đe dọa xấc xược: “Cứ lập biên bản đi rồi mày sẽ bị đuổi việc!”. Thậm chí có kẻ cậy quyền cậy thế còn tấn công cả người thực thi pháp luật. Tệ nạn này đang có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân của tệ coi thường pháp luật thì muôn vàn, nhưng chủ yếu xuất phát từ thực trạng “thượng bất chính”. Một khi “thượng bất chính” thì “hạ tắc loạn”. Rất nhiều người có chức quyền, địa vị cao trong hệ thống chính trị nước ta đã coi việc sử dụng quyền uy để phục vụ lợi ích bản thân, người thân và bạn bè như là một đặc quyền. Một cuộc điện thoại cho trưởng phòng cảnh sát giao thông để nhờ bỏ qua cho người nhà phạm lỗi; một cuộc gọi điện tới người quen làm thanh tra xây dựng để được bỏ qua lỗi thi công nhà cửa;… Những chuyện như thế xảy ra nhan nhản, nhiều tới mức trở thành bình thường, càng làm cho tình trạng bất tuân pháp luật ngày một trầm trọng.
Một điều rõ ràng là, người cháu của ông X sẽ không dám vỗ ngực thách thức công an nếu như ông quan chức X đó không từng gọi điện xin xỏ hoặc ra lệnh bỏ qua lỗi cho cháu mình; nếu như vị quan chức đó học được, một chút thôi, bài học từ tiền nhân; hay có thái độ tuân thủ pháp luật như quan chức các nước. Chẳng hạn ở Mỹ, ngay cả con gái của Tổng thống George Bush vào năm 2001 cũng bị tòa tuyên phạt lao động công ích, buộc học về tác hại của rượu và nộp 100 USD án phí sau khi có hành vi uống rượu bia trước tuổi. Ông Bush đã không hề can thiệp.
Trong buổi tọa đàm về tham nhũng mới đây, một chuyên gia Thụy Điển nói với chúng tôi: “Khi mà cả xã hội coi những chuyện tiêu cực như vậy là bình thường, thì tình hình đã ở mức báo động cao nhất và cần phải có sự thay đổi”. Quả thực, một khi hành động coi thường kỷ cương, luật pháp xuất phát từ tệ con ông cháu cha trở nên phổ biến, thậm chí đôi khi được coi là bình thường như ở nước ta, thì cần phải hành động quyết liệt để xóa tiêu cực, và căn cơ hơn, cần phải tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân để triệt tiêu các cơ chế tạo ra tiêu cực.
Thời gian gần đây, công an tại Hà Nội đã hành động quyết liệt theo nguyên tắc “quân pháp bất vị thân”, những kẻ vi phạm bất kể địa vị nào đều bị trừng trị theo luật. Việc làm của công an thủ đô đang được đồng nghiệp các nơi, như TP.HCM chẳng hạn, hưởng ứng. Đó là những chuyển động tích cực trong nỗ lực gia tăng kỷ cương luật pháp, để chứng minh điều hiển nhiên là chúng ta chỉ có một chuẩn pháp luật áp dụng cho mọi công dân, chứ không phải là hai - một dành cho dân thường và một cho người có quyền.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)