Như vậy, những hệ máy được mệnh danh “thế hệ hiện tại” (current-gent) như Xbox 360, PS3 và Wii U sẽ phải ngậm ngùi nói lời chia tay khi siêu phẩm này chỉ nhắm đến những cỗ máy thuộc thế hệ kế tiếp (next-gen).
Kể từ khi PS4 và Xbox One ra mắt vào cuối năm 2013, người ta cũng phần nào dự đoán được "thư báo tử" của các dòng máy current-gen, chỉ là không ngờ nó diễn ra quá sớm. Bởi lẽ, Batman: Arkham là một dòng game lớn – và động thái này của Arkham knight sẽ sớm trở thành một tiền lệ để các nhà phát hành khác noi theo.
(Ảnh: GameInformer)
Một số tựa game nổi tiếng sẽ ra mắt trong năm nay, như Watch dogs, Titanfall và Thief, vẫn phát triển phiên bản riêng cho current-gen, nhưng điều này chẳng qua là những tựa game này đã đi được nửa đường khi next-gen ra mắt, vì vậy việc phải phát triển song song 2 phiên bản cho 2 dòng cấu hình current-gen và next-gen cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, tuy cả 2 tân binh Xbox One và PS4 đều có những doanh số cực kỳ ấn tượng ngày ra mắt, nhưng vẫn không thể phủ nhận được quá khứ huy hoàng của current-gen được.
Tuy vậy, việc Arkham knight giã từ current-gen thật ra lại là một tín hiệu tốt. Bởi lẽ, nếu một tựa game được phát triển song song trên 2 nền tảng phần cứng quá chênh lệch, rõ ràng là nó sẽ không thể tận dụng “hết ga” được sức mạnh đỉnh cao của những hệ máy next-gen. Trong khi nếu ngay từ đầu nhắm đến việc thiết kế riêng cho next-gen, hiển nhiên tất cả những nguồn tài nguyên quý giá của PS4 và Xbox One sẽ được sử dụng hết mức, xứng tầm với danh hiệu “thế hệ kế tiếp”.
(Ảnh: GameInformer)
Để lý giải rõ hơn quan điểm trên, hãy thử điểm qua các tựa game đã ra mắt 2 phiên bản song song trên current-gen và next-gen, như Assassin’s creed IV hoặc Thief. Phiên bản trên next-gen rõ ràng có đồ họa đẹp hơn, những cũng chỉ dừng lại ở độ phân giải cao hơn, một số chi tiết sắc sảo hơn và có số khung hình/giây ổn định hơn – chứ chưa thể vạch ra một lằn ranh rạch ròi giữa 2 thế hệ, mặc dù bàn về công nghệ và cấu hình thì sự chênh của PS3 và PS4, hoặc Xbox 360 và Xbox One, là “một trời một vực”.
Thật ra, ý kiến này không hẳn là ủng hộ hoàn toàn việc “khai tử” các hệ current-gen. Nếu có định hướng tốt hơn cho thị phần game thuộc phân khúc tầm trung trở xuống, và lợi dụng danh tiếng mà các hệ máy current-gen đã có được sau hơn 10 năm vận hành – thì các nhà phát hành game hoàn toàn vẫn có thể thu lợi lớn từ những tựa game mới trên mảnh đất cũ (nhưng vẫn căng tràn sức sống) này.
(Ảnh: GameInformer)
Điểm mà bài viết này muốn nhấn mạnh, đó là việc nên xóa nhòa hẳn những tựa game đa nền (cross-platform) song song trên next-gen và current-gen đi. Đông thái này chỉ có vô số lợi mà không hề có hại gì. Thứ nhất, việc chỉ phải phát triển một phiên bản cho một dòng máy sẽ tiết kiệm thời gian, nhân lực và công sức hơn hẳn phải làm song song cho 2 đời máy khác nhau. Thứ hai, việc được tập trung đầu tư sẽ khiến các game trên next-gen trở thành những mũi nhọn đột phá, thoát khỏi hẳn cái giới hạn khi phải chia sẻ tài nguyên cùng người anh cả lỗi thời của mình – trở nên xứng tầm với danh hiệu “next-gen”. Thứ ba, các đời máy cũ current-gen sẽ được hoạch định lại thành một phân khúc riêng, tạo cơ hội cho các hãng game mới nổi lên có điều kiện thử sức hơn.
Chốt hạ, việc Arkham knight quyết định quay lưng hẳn với current-gen tuy có hơi đáng tiếc với những người hâm mộ chưa có điều kiện sở hữu một siêu phẩm next-gen, nhưng đây là một bước ngoặc phải có – để ngành công nghiệp game có thể vươn tới những giới hạn xa hơn.
Bình luận (0)