Hơn 3,78 triệu cử tri Hồng Kông sẽ đến 571 địa điểm của đặc khu này để lựa chọn người đại diện trong Hội đồng lập pháp. Có 234 ứng cử viên thuộc 84 tổ chức chính trị, đảng phái tham gia tranh 40 trong tổng số 70 ghế của cơ quan lập pháp Hồng Kông này, theo South China Morning Post.
Các ứng cử viên, đặc biệt là giới trẻ tiếp tục theo đuổi quan điểm đòi độc lập cho Hồng Kông hoặc ít ra tạo cơ hội cho người của đặc khu tự quyết định tương lai của mình thay vì trao vào tay đại lục. Trong khi phe thân Trung Quốc muốn duy trì sự phụ thuộc vào đại lục và muốn kiểm soát cuộc bầu cử.
Trước đó, 6 ứng cử viên đã bị loại khỏi cuộc đua giành ghế trong Hội đồng lập pháp vì theo chính quyền Hồng Kông họ vi phạm Luật Cơ bản (tương tự hiến pháp) khi cổ suý cho phong trào đòi độc lập trong chiến dịch tranh cử của họ. Việc loại bỏ các ứng viên đối lập dấy lên làn sóng phản đối nhiều ngày trước bầu cử, cho rằng có sự “kiểm duyệt chính trị” từ Trung Quốc.
Trong khi đó, có nhiều quan ngại Bắc Kinh đang tăng cường kiểm soát và gây ảnh hưởng lên đặc khu hành chính Hồng Kông trong các lĩnh vực từ chính trị đến truyền thông và giáo dục, AFP nhận định. Bắc Kinh theo dõi sát sao cuộc bầu cử hôm nay vì đây là phép thử cho cuộc bầu chọn nhà lãnh đạo đặc khu vào năm tới.
Nhà lãnh đạo Lương Chấn Anh cùng với vợ đến phòng bỏ phiếu trên đường Robinson khi các phòng phiếu vừa mở cửa lúc 7 giờ 30. Ông kêu gọi người dân đi bầu, nói rằng ông tin các cử tri sáng suốt lựa chọn ứng viên đủ năng lực để tham gia vào Hội đồng lập pháp.
Cựu đặc khu trưởng Hồng Kông Đổng Kiến Hoa trước khi bỏ phiếu ở vùng Cotton Tree Drive lên tiếng chỉ trích những nhà làm luật.
tin liên quan
Hồng Kông doạ có hành động thích đáng với nhóm ủng hộ độc lậpChính quyền Hồng Kông doạ sẽ có hành động thích đáng đối với những nhóm chính trị và ứng cử viên tham gia bầu cử hội đồng lập pháp cuối tuần này nếu vẫn tiếp tục ủng hộ đòi độc lập cho đặc khu hành chính này.
“Tôi phải bầu chọn trong tâm thế rất nặng nề. Thành phố này đối mặt với nhiều thách thức như chuyện nhà cửa, đất đai, đói nghèo và chuyện của giới trẻ. Chúng ta cần một cơ quan lập pháp đoàn kết và có tinh thần trách nhiệm, chứ không phải là ‘lũ giặc’ như vừa qua gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của chính quyền và cuộc sống của người dân”, ông Đổng Kiến Hoa nói.
“Điều này đang cướp đi quyền bầu cử của chúng ta và cả trong cuộc bầu cử người đứng đầu đặc khu vào năm 2017. Tôi rất đau buồn vì điều này”, ông nói tiếp, theo South China Morning Post.
Trong khi đó, Raymond Tam Chi-yuen, Thư ký phụ trách các vấn đề hiến pháp và đại lục của Hồng Kông, nói rằng cuộc bầu cử được tổ chức một cách rõ ràng, công khai, công bằng và trung thực.
"Bầu cử của Hồng Kông từ nhiều năm nay được xem rõ ràng, trật tự và diễn ra tốt đẹp nhất trên thế giới. Chính quyền cần tiến hành theo đúng pháp luật nếu có vi phạm", Thư ký Tâm nói.
Ở Hồng Kông, vấn đề nghèo đói, không có chỗ ở và tiền lương thấp trở thành mối quan tâm hàng đầu hiện nay, nhiều người thất vọng nói bây giờ là lúc gác chuyện chính trị sang một bên, thay vào đó tập trung vào mục tiêu cộng đồng mưu sinh.
Cuộc bầu cử ở Hồng Kông chỉ có tính dân chủ một phần và gần như xu hướng đòi dân chủ, chống Trung Quốc khó có thể đạt được đa số phiếu trong cuộc chạy đua giành ghế trong Hồi đồng lập pháp hôm nay, AFP nhận định. Xu hướng dân chủ, độc lập sẽ không giành đủ số ghế cần thiết trong cơ quan lập pháp để ngăn chặn những đạo luật quan trọng mà theo họ ảnh hưởng tương lai của Hồng Kông.
Bình luận (0)