Kết quả bầu cử sơ bộ ngày 5.2 đến chậm do các tiểu bang phía tây, bên bờ Thái Bình Dương kết thúc muộn và các cuộc kiểm phiếu tiến hành chậm đối với “paper ballot” – tức những cử tri chọn cách thức bầu theo phiếu bầu (dùng viết đánh dấu vào ứng viên mình ủng hộ và chọn câu trả lời thuận hay không với những dự luật đem ra trưng cầu dân ý) chứ không phải bầu theo máy. Kết quả gần “chung cuộc” mà báo chí Mỹ số ra ngày 6.2 hầu như đã đồng loạt đưa các tít lớn khá giống nhau ngay ở trang nhất. Nói như các báo, tất cả những ứng viên hàng đầu “đều chiến thắng” nhưng vẫn chưa ai đủ khả năng loại hẳn đối thủ ra ngoài cuộc chiến, tuy rằng bên phía Cộng hòa, chiến thắng có vẻ nghiêng về thượng nghị sĩ (TNS) McCain khi ông đã bứt khá xa người về nhì.
Về phía đảng Dân chủ, bà Hillary tạm dẫn đầu với 818 phiếu đại biểu, ông Obama bám theo với 730 phiếu, trong khi số phiếu đại biểu cần thiết để được đại diện đảng ra tranh cử là 2.025 phiếu.
Theo CNN, kết quả tạm thời tính đến cuối ngày 6.2 về phía đảng Cộng hòa: TNS McCain được 680 phiếu đại biểu, về nhì là cựu Thống đốc Romney 270 phiếu, kế đến là ứng viên Huckabee 176 phiếu đại biểu. Để được đảng Cộng hòa tiến cử ra tranh ghế tổng thống Mỹ, ứng viên phải có 1.191 phiếu đại biểu. |
Về khuynh hướng bầu chọn, có thể nói là người gốc Việt ở Mỹ nói chung, ở California nói riêng, thường ít chú trọng đến đảng phái Dân chủ hay Cộng hòa của ứng cử viên (những đảng khác hầu như cử tri gốc Việt không biết tới). Họ chỉ tỏ vẻ là thích người này, nhân vật nọ. Chẳng hạn, một người phát biểu: “Tôi bỏ phiếu cho bà Hillary” (chứ không phải là bỏ phiếu cho phe Dân chủ, và thậm chí nhiều người còn không biết là bà Hillary thuộc đảng Dân chủ). Hay có người nói: “Gia đình tôi "thọ ơn" ông John McCain. Thế nên chúng tôi bầu cho ông ấy”. Vài ngày trước “thứ ba lớn” và ngay trong ngày 5.2, các đài phát thanh tiếng Việt phát rất nhiều lần lời kêu gọi của một nhóm dân cử gốc Việt là thành viên đảng Cộng hòa ở Quận Cam hậu thuẫn cho ông McCain. Người gốc Việt cũng có thiện cảm với bà Hillary và một số người đã đăng quảng cáo, viết bài ủng hộ bà Hillary trên báo. Chúng tôi có thực hiện cuộc “thăm dò bỏ túi” sau bầu cử ngày 5.2 thì thấy hầu hết người gốc Việt chỉ có 2 lựa chọn: John McCain hoặc Hillary Clinton. Và những kết quả tạm thời báo giới loan tin vào ngày hôm sau làm họ hài lòng.
Cuộc đua tiếp tục ngoạn mục, cực kỳ hấp dẫn
Ngày “thứ ba lớn” 5.2 qua mặt tất cả các ngày “thứ ba lớn” trước đây trong lịch sử bầu cử sơ bộ tổng thống Mỹ, do ý nghĩa lẫn tầm quan trọng của cuộc bầu cử, nhất là sự hiện diện của một ứng viên nữ, TNS Hillary bang New York và một ứng viên da đen,TNS Obama bang Illinois. Trong ngày này, 24 tiểu bang (và một lãnh thổ hải ngoại là American Samoa) tiến hành bầu sơ bộ. Ở đây, chúng tôi dùng chung một từ là “bầu” sơ bộ cho dễ hiểu chứ ở Mỹ, báo chí phân biệt primary (bầu cử sơ bộ qua hình thức bỏ phiếu) với caucus (bầu theo thể thức nhóm họp nội bộ).
Về phía đảng Cộng hòa, nhân vật về hạng ba là cựu Thống đốc Huckabee với 194 phiếu đại biểu, được ghi nhận là vẫn chiến đấu can cường theo kiểu “còn nước còn tát” chứ không chịu bỏ cuộc. Sự vượt trội của ông McCain có nguyên nhân là do ở nhiều tiểu bang, đảng Cộng hòa quy định thể thức “winner-take-all” (thắng trọn), tức là ứng viên nào về nhất thì nhận được tất cả số phiếu đại biểu của tiểu bang đó, nên dễ tạo cách biệt rất xa. Và do ông McCain chiến thắng ở các bang quan trọng như California, New York, Illinois, New Jersey, bang “nhà” Arizona… nên số phiếu đại biểu của ông rất cao. TNS McCain còn thắng “hên” ở tiểu bang Missouri khi ông chỉ hơn ứng viên Huckabee có 1% phiếu bầu (TNS McCain 33% còn ông Huckabee 32%) thế nhưng theo quy định, ông McCain nhận được toàn bộ 58 ghế đại biểu của bang này, còn ông Huckabee lẫn người về hạng 3 là Romney (29%) không được một phiếu bầu nào.
Bên đảng Dân chủ lại quy định việc phân chia đại biểu cho ứng viên căn cứ vào tỷ lệ phiếu bầu của cử tri nên sự chênh lệch không lớn và mới có tình trạng “bất phân thắng bại” giữa bà Hillary và TNS Obama. Như vậy, trong ngày bầu sơ bộ 5.2 về phía đảng Dân chủ, dù ông Obama chiến thắng ở 13 tiểu bang so với bà Hillary dẫn đầu chỉ 8 tiểu bang, nhưng Hillary thắng ở các “đại” tiểu bang nên chiếm được nhiều phiếu hơn. Một điểm nữa cũng cần ghi nhận là tại các tiểu bang “nhà”, ứng viên được hậu thuẫn rất mạnh. Tại tiểu bang Illinois mà ông Obama là TNS đại diện ở Quốc hội Mỹ, ông được tới 65% phiếu bầu so với 33% của bà Hillary. Ngược lại, ở tiểu bang New York nơi bà Hillary là TNS thì bà được 57% so với ông Obama 40%. Một chiến thắng vang đội của bà Hillary là ở bang Massachusetts, vì tại nơi đây, các nhân vật cốt cán Dân chủ như TNS Kerry (ứng viên tổng thống năm 2004) và nhất là TNS Kennedy đều lên tiếng ủng hộ Obama, nhưng cử tri vẫn dồn phiếu cho bà. TNS Hillary nhận được đến 56% phiếu bầu so với 41% của ông Obama.
Do “trận chiến” chưa thật ngã ngũ, ngay sau những kết quả đầu tiên, bộ tham mưu của bà Hillary và Obama đều lên kế hoạch cho các cuộc bầu cử sơ bộ sắp tới, nhất là ở tiểu bang đông dân cư Texas. Chúng tôi tiếp tục theo dõi và sẽ đưa tin các cuộc bầu cử sơ bộ trong tuần này.
Lê Đình Bì (viết từ Mỹ)
Bình luận (0)