Bầu cử sơ bộ ứng cử viên Tổng thống Mỹ ở bang Iowa: Obama và Huckabee dẫn đầu

05/01/2008 00:35 GMT+7

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đã bước sang giai đoạn quyết liệt với vòng bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Iowa.

Hai ông Michael Huckabee (trái) và Barack Obama, những người dẫn đầu trong "đêm khai mạc" - Ảnh: AFP

Kết quả bất ngờ

Cả nước Mỹ đều hướng về tiểu bang Iowa trong đêm 3.1 để theo dõi cuộc bầu cử sơ bộ trong nội bộ đảng nhằm chọn người ra tranh chức Tổng thống Mỹ với kết quả được xem là khá bất ngờ. Về phía đảng Dân chủ, ứng viên da màu là thượng nghị sĩ (TNS) Barack Obama dẫn đầu với 38% phiếu. Phía Cộng hòa là cựu Thống đốc bang Arkansas, ông Michael Huckabee, với 34% phiếu. Iowa là một tiểu bang tương đối nhỏ mà đảng Dân chủ chỉ có 45 đại biểu, đảng Cộng hòa có 40 đại biểu sẽ tham dự ngày đại hội đảng toàn quốc vào tháng 8 tới, nhưng do là cuộc bầu cử sơ bộ "mở màn" nên nó có vai trò như là bước "thử thách đầu tiên" cực kỳ quan trọng. Thường thì những nhân vật chiến thắng ở Iowa dễ chiếm thế thượng phong ở các bang tiếp theo, rồi được đảng tiến cử luôn, như ông Al Gore (năm 2000), ông John Kerry (năm 2004). Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngược lại, như ông Bill Clinton chỉ về hạng 3 ở Iowa (năm 1992) nhưng sau đó lại chiến thắng ở những nơi khác, rồi đại diện cho đảng Dân chủ đắc cử tổng thống 2 nhiệm kỳ.

Theo quy định, cử tri Iowa đã đến 1.781 địa điểm hội họp, đứng thành từng nhóm ủng hộ cho các ứng viên. Do thời tiết khắc nghiệt của mùa đông (nhiệt độ ngày 3.1 từ - 9 độ C đến 0 độ C), nhất là những cơn bão tuyết vừa tràn qua vùng đông bắc Mỹ nên các ứng viên phải cất công kêu gọi "gà nhà" đi hậu thuẫn cho mình, nhất là khi những dự báo cho thấy, chỉ khoảng hơn 200.000 cử tri - trong số gần 2 triệu cử tri đăng ký - tham gia kỳ này. Vào giờ chót, một số ứng viên đã xuất "độc chiêu" như bà Hillary Clinton tổ chức nhiều điểm giữ trẻ trong ngày 3.1 để cho các bà mẹ rảnh tay đến nơi nhóm họp (bà Hillary có thế mạnh được cử tri nữ ủng hộ), còn tình nguyện viên của TNS Obama thì mang ủng lội tuyết đi gõ cửa từng nhà để mời gọi cử tri. Trong khi chính quyền địa phương thì lại khuyến cáo dân chúng không nên đi khỏi nhà nếu không cần thiết. Do vậy, kết quả vòng sơ tuyển ở Iowa lần này có thể không chính xác lắm.

"Kỳ tích" Obama

Một điểm khá đặc biệt là với ứng viên Obama, tuy dự tranh tại Iowa, nơi người da trắng chiếm tuyệt đại đa số (dân số bang Iowa là 2.982.085 người, trong đó người da trắng chiếm đến 94,9%, người da đen chỉ 2,3%, còn lại là các sắc dân khác), nhưng số người hậu thuẫn ông lại vượt trội, đúng như các thăm dò dư luận công bố trước ngày bầu cử.

Thăm dò dư luận thực hiện trong thời gian qua cho thấy cử tri Mỹ khả dĩ có thể chấp nhận một vị nguyên thủ quốc gia là nữ giới hoặc người da đen. Tuy nhiên, đây cũng có thể là "lợi điểm" của đảng Cộng hòa, như một số ứng viên của họ từng cầu mong như thế. Theo đó, nếu như đảng Dân chủ "dám" tiến cử bà Hillary hoặc ông Obama, thì ứng viên đảng Cộng hòa dễ dàng chiến thắng trong cuộc bầu cử chính thức vào tháng 11.2008 hơn là phải tranh tài với một nam ứng viên da trắng như cựu TNS John Edwards chẳng hạn.

Sau kỳ sơ tuyển ở Iowa là đến lượt tiểu bang New Hampshire ngày 8.1. Kết quả đến lúc đó sẽ khiến các ứng viên quyết định là nên đi tiếp hay rút khỏi cuộc đua, để vận động dồn phiếu cho ứng viên nào mà mình hậu thuẫn. Cũng có thể một số ứng viên "chịu thua" ở những vòng đầu, như cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani chẳng hạn, vì ông  này dồn nỗ lực cho cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Florida ngày 29.1. Tuy nhiên, một vài bình luận gia nhận xét có thể ông sẽ bị "loại" khỏi vòng chiến luôn vì cử tri sẽ không bầu cho một ứng viên có sức khỏe kém, mà kết quả ở Iowa gần như đã chứng thực điều đó khi ông chỉ nhận có 4% phiếu bầu.

Trong chuyến đi vận động tranh cử cách nay 2 tuần, ông Giuliani đã phải lệnh cho máy bay quay lại và vào thẳng bệnh viện. Thế nhưng, ông đâu "dám" nằm viện lâu, chỉ trưa hôm sau là xuất viện với tin tức đưa ra là ông chỉ bị các triệu chứng giống như bị cúm (flu-like symptoms) mà thôi. "Tốt khoe xấu che", Báo The New York Times đã đưa dòng tin "clean bill of health" (không có vấn đề về sức khỏe) kèm hình ông tươi cười vẫy tay chào trước ống kính phóng viên chờ tin bên ngoài bệnh viện. Hồi năm 2001, ông Giuliani đã phải rút khỏi cuộc đua tranh chức TNS bang New York với bà Hillary Clinton do bị các triệu chứng ung thư tiền liệt tuyến. Và trong nhiều tháng qua, ông Giuliani từng dẫn đầu các ứng viên đảng Cộng hòa trong các thăm dò dư luận.

Chờ đợi "ngày thứ ba lớn"

Gần đến giai đoạn nước rút thì kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy vị trí các ứng viên thay đổi một cách ngoạn mục. Theo đó, bên Dân chủ, bà Hillary không còn ở vị trí độc tôn như trước nữa, mà TNS Obama cũng như cựu TNS Edwards đang bám theo sát nút, thậm chí với một vài thăm dò dư luận, ông Obama còn qua mặt bà Hillary. Phía đảng Cộng hòa là sự nổi trội lên của 2 ứng viên đều là cựu Thống đốc, ông Mitt Romney và Huckabee, đẩy lùi ứng viên Giuliani ra đằng sau.

Các sự kiện quốc tế lớn cũng ảnh hưởng đến cử tri Mỹ. Cuộc thăm dò dư luận được tiến hành sau vụ ám sát bà Benazir Bhutto ở Pakistan khiến cử tri Mỹ tin tưởng vào vai trò "Tổng tư lệnh quân đội Mỹ" cho phía Cộng hòa là TNS John McCain, do ông này nắm vững các vấn đề an ninh quốc gia, và ông Giuliani khi xử lý công vụ trong vai trò Thị trưởng New York sau vụ khủng bố 11.9.2001. Phía Dân chủ thì bà Hillary được đánh giá là "đầy kinh nghiệm".

Người ta trông chờ vào ngày 5.2 tới - ngày "thứ ba lớn" - khi bầu cử sơ bộ được tiến hành ở 24 tiểu bang, trong đó có các bang trọng yếu như California, New York, New Jersey.

Để có thể theo sát tiến trình bầu cử Mỹ và đưa tin chính xác, người viết bài đã đăng ký làm thư ký phòng phiếu ở Nam California trong ngày bầu cử 5.2.2008.

Lê Đình Bì (viết từ Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.