Bầu Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM:: Quy trình nào hợp pháp?

Quý Hiên
Quý Hiên
24/04/2021 07:45 GMT+7

Xung quanh việc bầu hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho thấy đây là vấn đề chung khi việc thực hiện luật GD ĐH sửa đổi của các trường ĐH gặp nhiều khó khăn do các quy định chưa kín kẽ.

Theo luật sư (LS) Nguyễn Thị Kim Phụng, Công ty luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, việc bổ nhiệm viên chức lãnh đạo phải dựa vào quy định của luật Viên chức và Nghị định 115/2020/NĐ-CP (NĐ 115); đối với viên chức lãnh đạo trường ĐH, phải dựa vào luật GD ĐH và Nghị định 99/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, việc này còn phải tuân thủ quy định của Đảng, nhưng nhìn chung, các quy định của NĐ 115 đã phù hợp với các quy định của Đảng nên việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường ĐH chủ yếu phải căn cứ vào luật GD ĐH (ban hành năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2018) và NĐ 115.

Xin chủ trương ở cơ quan nào ?

Theo NĐ 115, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng trường ĐH công lập phải thực hiện qua 5 bước, chưa kể bước xin chủ trương của cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm. Việc thực hiện quy trình bổ nhiệm 5 bước tiếp theo mà NĐ 115 quy định là yêu cầu bắt buộc đối với các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có các trường ĐH công lập), về cả nội dung, thành phần tham gia lẫn trình tự của từng bước.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chưa ban hành quyết định công nhận

Theo một nguồn tin riêng của Thanh Niên, hồ sơ bổ nhiệm hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã được gửi cho Bộ GD-ĐT, chờ Bộ trưởng ban hành quyết định công nhận hiệu trưởng. Tuy nhiên, hồ sơ này đang được đơn vị tham mưu của Bộ GD-ĐT xin ý kiến các vụ chuyên môn (Vụ Pháp chế, Vụ GD ĐH), trước khi Bộ trưởng có quyết định công nhận hay không.
Cụ thể, NĐ 115 quy định đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu bổ nhiệm viên chức quản lý phải trình cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm bằng văn bản về chủ trương đối với nhân sự được dự kiến bổ nhiệm. Thực tế hiện nay, bước xin chủ trương này đang được thực hiện khác nhau, tùy từng cơ quan quản lý trực tiếp, do có việc hiểu khác nhau đối với cụm từ “cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm”, trên cơ sở cơ quan chủ quản cho các trường ĐH trực thuộc tự chủ đến đâu.
Với các trường thuộc Bộ GD-ĐT, “cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm” này được xác định là hội đồng trường (HĐT), căn cứ quy định của luật GD ĐH là HĐT quyết định nhân sự hiệu trưởng. Nhưng một số bộ khác cho rằng “cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm” là đơn vị ra quyết định công nhận hiệu trưởng, chính là cơ quan chủ quản; nghĩa là trước khi thực hiện các bước trong quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng, trường ĐH phải xin chủ trương của bộ chủ quản.
“Do đó, cả 2 cách làm này (xin chủ trương của HĐT hoặc xin chủ trương của bộ chủ quản) đều được pháp luật chấp nhận, miễn là điều đó đã được các bên thống nhất cách làm và thực hiện”, LS Kim Phụng bình luận.

Thế nào là quy trình hợp pháp ?

“Có vấn đề” thành phần tham gia từng quy trình ?

Căn cứ vào giải thích của lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, có ý kiến cho rằng quy trình bầu hiệu trưởng của trường này có thể đủ các bước như quy định của NĐ 115, nhưng thành phần tham gia từng quy trình lại “có vấn đề”.
Cụ thể, theo NĐ 115, thành phần tham gia bước 1 và bước 3 (với quy trình bổ nhiệm nguồn nhân sự tại chỗ) gồm: người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập, người đứng đầu bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ.
Nhưng theo thực hiện của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thành phần của bước 1 và bước 3 gồm: Ban Thường vụ Đảng ủy, chủ tịch HĐT, hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, trưởng phòng tổ chức - hành chính. Như vậy, thành phần “thừa” ở các bước trên là Ban Thường vụ Đảng ủy, chủ tịch HĐT. Thành phần lấy tín nhiệm sai thì kết quả tín nhiệm không hợp pháp. Do đó, trường muốn có hiệu trưởng được bầu hợp pháp thì phải thực hiện lại bằng một quy trình hợp pháp.
Trong việc bổ nhiệm hiệu trưởng, bên cạnh NĐ 115, các trường ĐH còn phải tuân thủ quy định của luật GD ĐH: “HĐT quyết định và trình cơ quan quản lý có thẩm quyền ra quyết định công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng” (điểm đ, khoản 2, điều 16); thủ tục HĐT quyết định nhân sự hiệu trưởng được đặt trong quy trình bổ nhiệm nhân sự nói chung (điểm d, khoản 6, điều 16), tức là phải phù hợp với quy định của Đảng, pháp luật có liên quan (như NĐ 115…). Vậy HĐT tham gia 1 bước hay nhiều hơn 1 bước trong quy trình này, thứ tự của bước/hoặc các bước mà HĐT tham gia nằm ở vị trí, thứ tự nào trong quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng… được luật GD ĐH giao cho các trường. Cụ thể, quy chế tổ chức và hoạt động của trường phải quy định về thủ tục HĐT quyết định nhân sự hiệu trưởng được đặt trong quy trình bổ nhiệm nhân sự nói chung. Hay nói cách khác là quy trình bổ nhiệm nhân sự phải phù hợp với quy định của Đảng, các quy định liên quan của hệ thống luật GD ĐH (trực tiếp là điều 16), các quy định có liên quan của hệ thống luật Viên chức (trực tiếp là NĐ 115).
Như vậy, quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng của một trường gồm bao nhiêu bước được mỗi trường lựa chọn, quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của từng trường, miễn sao đạt 2 yêu cầu: đảm bảo đủ các nội dung về 5 bước (thực hiện theo quy định của NĐ 115) và đảm bảo quyền của HĐT được quyết định nhân sự hiệu trưởng (theo quy định của luật GD ĐH). “Nếu quy chế tổ chức và hoạt động được quy định đúng như trên và trường tổ chức thực hiện đúng quy chế là quy trình hợp pháp”, LS Kim Phụng nói.

Nhân sự được bổ nhiệm không đạt 50% ở bước trước ?

Về tình huống có nhân sự được bổ nhiệm hiệu trưởng tuy không đạt 50% ở bước trước nhưng vẫn được lựa chọn ở bước sau, LS Kim Phụng cho biết có thể xảy ra vì NĐ 115 cho phép: “Mỗi thành viên lãnh đạo giới thiệu 1 người cho một chức vụ trong số nhân sự được giới thiệu ở bước 2 hoặc giới thiệu người khác có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định; người nào đạt số phiếu cao nhất, đạt tỷ lệ trên 50% tính trên tổng số thành viên tập thể lãnh đạo giới thiệu thì được lựa chọn”.
Như vậy, có thể có trường hợp đơn vị thực hiện đúng NĐ 115 nhưng người đạt phiếu cao ở bước trước không được lựa chọn ở bước sau. Nếu điều đó xảy ra thì phải thực hiện quy định: “Trường hợp nếu kết quả giới thiệu của tập thể lãnh đạo khác với kết quả phát hiện, giới thiệu nhân sự ở bước 2 thì báo cáo, giải trình rõ với cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, cho ý kiến chỉ đạo trước khi tiến hành các bước tiếp theo”. Thực hiện quy định này trong quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng là trường phải báo cáo, giải trình với HĐT hoặc cơ quan quản lý trực tiếp (chủ thể cho chủ trương bổ nhiệm hiệu trưởng đã nói ở trên).
“Tất nhiên, những tập thể giới thiệu mà kết quả không được lãnh đạo lựa chọn có thể có cảm giác về việc ý kiến của mình không được tôn trọng, tính dân chủ trong quy trình không được như họ mong muốn… là vấn đề có thể chia sẻ. Nhưng để khẳng định sự việc đúng hay sai phải căn cứ vào các quy định của pháp luật và thực tế thực hiện có đúng các quy định đó hay không”, LS Kim Phụng bày tỏ.
Theo LS Kim Phụng, trong những trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét cụ thể hàng loạt nhiều vấn đề.
Về việc Ban Chấp hành Đảng ủy và Bí thư Đảng ủy tham gia quy trình chọn lựa hiệu trưởng mới của một trường là của Ban Chấp hành nhiệm kỳ cũ, LS Kim Phụng nhận xét: “Chỉ có nguyên tắc chung về Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ và NĐ 115 quy định cụ thể về việc thường vụ cấp ủy được tham gia hội nghị lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt để giới thiệu nhân sự và trước khi tập thể lãnh đạo biểu quyết nhân sự thì phải lấy ý kiến bằng văn bản của Ban Thường vụ Đảng ủy hoặc Đảng ủy đơn vị (những nơi không có ban thường vụ) về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm. Nhiệm kỳ của Đảng ủy không trùng với nhiệm kỳ của HĐT, hiệu trưởng, nên chỉ xác định thẩm quyền nêu trên là của tổ chức Đảng đương nhiệm, không có khái niệm Đảng ủy nhiệm kỳ mới hay cũ (so với nhiệm kỳ của HĐT)”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.