Nhà thờ linh thiêng
Hầu như sáng nào ông Nguyễn Đức Cư cũng mở cánh cửa chính của nhà thờ họ, kính cẩn đọc đôi câu đối trên tấm bình phong: “Thân trụ địa duy vạn cổ/Giang phong sơn nguyệt thiên thu” (tạm dịch là: Trụ do thiên định có ở trời đất này từ xa xưa/Cùng với gió trăng sông núi tồn tại mãi mãi). Đối với ông Cư cũng như nhiều người con dòng họ Nguyễn Đức, đôi câu đối này thể hiện niềm tin của tổ tiên rằng ngôi nhà thờ cũng như linh hồn họ tộc sẽ sống mãi muôn đời. Vì vậy, ông rất hãnh diện khi góp sức gìn giữ công trình thiêng liêng này suốt 20 năm qua. Thực tế, nhiều lần vợ con nhỏ to vận động ông vào Sài Gòn để đoàn tụ gia đình. Nhưng hễ đi dăm ba ngày, ông Cư lại nóng ruột, nóng gan và khăng khăng trở về. Ông cho biết: “Con cháu dòng họ Nguyễn Đức dù bôn ba tứ xứ vẫn luôn giữ hình ảnh nhà thờ họ trong tim. Riêng tôi, ngôi nhà thờ 3 gian, 2 chái này là một phần tâm hồn”.
Lật lại quá khứ, nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 13 (1832). Cụm kiến trúc có bình phong, tường bao quanh, chính điện gồm lầu Ngọ Môn, thành và trụ biểu... Gia phả dòng họ Nguyễn Đức ghi rõ: “Năm Minh Mạng, thập niên, nhị nguyệt, tam thập nhật - tức là vào ngày 13 tháng 2 năm Kỷ Sửu 1829, hội đồng bổn tộc đã lập biên bản thiết niệm thành tâm, đóng góp ngân quỹ để xây dựng nơi thờ phụng tổ tông”.
Linh ứng với câu đối trên tấm bình phong, nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức luôn đứng vững dù trải nhiều sóng gió và trở thành nơi chở che dân nghèo. Các bậc cao niên trong họ đến giờ vẫn nhắc lại câu chuyện về trận lũ lịch sử tháng 10.1970. Trước khi cơn hồng thủy xảy ra, một số vị cao niên trong họ đã được ông cha báo mộng về tai ương và hướng dẫn cách đối phó. Thế nên, khi nước dâng thành bể, bà con đã kịp dùng tre làm sàn sát nóc nhà, ngồi tránh lũ. Các bức tường của nhà thờ cũng bị phá sập để ghe thuyền đưa người vào bên trong. Nhờ vậy, hàng trăm người dân làng An Thơ thời bấy giờ đã được cứu sống. Tựa như bông hoa sen nổi bồng bềnh trong con nước, nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức đã chở che nhiều thế hệ người dân làng An Thơ trong những trận lũ lớn năm 1924, 1955, 1970 và 1971.
|
Trải qua hai cuộc kháng chiến mà không bị bom đạn tàn phá là yếu tố góp phần dệt nên câu chuyện về sự linh thiêng của nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức. Ông Nguyễn Đức Đa, một vị cao niên trong họ kể lại: “Nhà thờ dòng họ mình từng bị Pháp, Mỹ chiếm đóng. Dù nhà cửa người dân bị đốt sạch nhưng nhà thờ chẳng bị hư hại gì. Năm 1968, Mỹ 2 lần thả bom xuống khu vực này, vậy mà nhà thờ vẫn đứng vững như tượng đồng. Thế nên, con cháu trong họ rất tin tưởng vào sự độ trì của ông cha, từ đó được tiếp thêm động lực…”. Một câu chuyện khác xoay quanh nhà thờ dòng họ Nguyễn Đức xảy ra trong thời chống Mỹ. Bấy giờ, lính chiếm nhà thờ và bê toàn bộ vật dụng ra ngoài để làm nơi ngủ nghỉ. Thế nhưng, ngay sáng hôm sau, toàn bộ đội quân đều sợ hãi, khiêng toàn bộ đồ vật trở về vị trí cũ và mau chóng rút khỏi nhà thờ.
Lời răn cho hậu thế
|
“Họa theo” thì chưa biết thể nào nhưng hầu hết cháu con dòng Nguyễn Đức ở làng An Thơ này đều thuộc như cháo chảy các bài thơ cổ. Cũng dễ hiểu, khi nghe nhiều lần cũng thành quen, thành nếp trong tiềm thức. Rằng đó là: “Tiên năng liễu tận thế gian sự/Nhiên hậu phương ngôn xuất thế gian” (tạm dịch: Trước tiên hãy hiểu biết mọi việc trong thế gian/Rồi sau mới nói đến việc ra khỏi thế gian); “Nhân sinh bất thức kỳ trung vị/Cẩm tú y quan thổ dữ khôi” (tạm dịch: Sống trên đời chẳng biết ở trong đó có mùi vị gì/Thì áo gấm mũ thuê cũng chỉ là đất với tro mà thôi); “Phú quý bất dâm bần tiện lạc/Nam nhi đáo thử thị hào hùng” (tạm dịch: Giàu sang chẳng phóng túng bừa bãi/Trang nam nhi đến mức như thế thì thật hào hùng)...
Nhưng qua trăm năm, đến “bia đá còn mòn”, nên dù đã đã cố công lưu giữ nhưng những bài thơ này cũng khó qua được sự nghiệt ngã của thời gian. Bản thân ngôi nhà thờ họ này cũng thế. Nên nguyện vọng của con cháu dòng họ Nguyễn Đức là được các cơ quan ban ngành chức năng lưu tâm trong việc giúp bảo tồn, phục dựng những thứ mà họ xem như báu vật.
Bình luận (0)