Từ hơn hai chục năm nay cụ đã sưu tầm và phục dựng những loại nhạc cụ tưởng chừng bị mất hút. Đồng bào Hrê gọi cụ Đinh Văn Ước, 85 tuổi, là “người giữ lửa cho làng”.
Cụ Đinh Văn Ước và cây đàn vơ roac - Ảnh: Trần Đăng
|
Trong kho tàng văn hóa của người Hrê, một tộc người thiểu số ở H.Ba Tơ (Quảng Ngãi), nơi tiếp giáp với tỉnh Kon Tum, nhạc cụ được xem như đồ gia bảo. Chiến tranh cộng với nhiều lý do khác khiến nhiều loại nhạc cụ bị mất dần. Cứ mỗi loại nhạc cụ bị thất lạc khỏi đời sống của đồng bào Hrê chẳng khác gì bếp lửa đã bớt đi một hòn than vậy. Thật may mắn, tại thị trấn Ba Tơ có cụ Ước người Hrê đã cố công giữ lại những “hòn than” có nguy cơ tàn lụi ấy.
Nhiều lắm, không nhớ hết
Cách đây vài chục năm, lúc còn khỏe mạnh, cụ Ước hay lang thang về buôn làng của người Hrê, tìm đến những bậc cao niên để dò la tin tức về các loại đàn còn sót lại, sục vào tận bếp của bà con để chỉ nhìn... một cây đàn gãy.
Biết chúng tôi tới gặp để tìm hiểu về công việc “lẩn thẩn” này, cụ Ước sôi nổi: “Rất tiếc là tuổi tác đã không cho phép để cái chân của già nó nghe và làm theo cái đầu nữa. Giờ vào các làng xa thì may ra mới sưu tầm được nhiều loại nhạc cụ của đồng bào mình. Nơi nào mà đi lại thuận lợi thì nơi đó gần như không còn gì để sưu tầm nữa”. Chúng tôi hỏi: “Cụ đã sưu tầm được bao nhiêu loại nhạc cụ của người Hrê rồi?”. Cụ bảo: “Nhiều lắm, không nhớ hết đâu, nhưng giờ chỉ còn mấy cái này thôi”.
Nói đoạn, cụ vào nhà và mang ra 4 - 5 loại đàn, lấy một trong số đó và gảy. Gảy xong một bản nhạc của người Hrê, cụ giải thích về những thanh âm ẩn chứa bên trong loại nhạc cụ độc đáo này: “Đây là đàn vơ roac. Chỉ hai dây thôi mà nó nói được nhiều thứ lắm đấy! Ngày trước, trên các chòi rẫy lúa của đồng bào, người ta thường chơi loại nhạc cụ này. Nó buồn nhưng không rối cái ruột. Ở ngoài rẫy một mình thì buồn nên mượn tiếng đàn để giải khuây. Cũng có khi đó là sự bộc bạch nỗi lòng của một chàng trai đang yêu, cần có sự chia sẻ của cô gái nào đó chẳng hạn. Đám thanh niên bây giờ nó nói là "tán gái" đó”, cụ Ước hóm hỉnh. Chúng tôi trêu: “Thế cụ đã san sẻ nỗi lòng mình qua tiếng đàn vơ roac với cụ bà như thế nào?”. Cụ cười móm mém: “Tôi chưa có dịp bày tỏ với cô gái Hrê nào thì chiến tranh nổ ra. Theo cách mạng từ hồi còn thiếu niên rồi ra luôn miền Bắc, 21 năm tôi mới quay về. Bà nhà là người ngoài bắc chứ không phải dân Hrê”.
“Tái bản” nhiều loại nhạc cụ
Cụ Ước nhớ lại: “Cha tôi là một nghệ nhân. Ông chơi thành thạo nhiều loại nhạc cụ như đàn vơ roac, đàn rơ đoong, đàn gơ rơu và sáo ta lía. Từ nhỏ tôi đã bắt chước ông cụ và cũng đã sử dụng thành thạo một vài loại đàn. Nhưng chiến tranh nổ ra, tôi đi theo cách mạng từ năm 15 tuổi. Dù vậy tiếng đàn tiếng sáo của người Hrê vẫn ám ảnh tôi suốt mấy chục năm xa quê”.
Sau ngày miền Nam giải phóng, cụ Ước trở lại quê nhà. Cha cụ không còn nữa và các loại nhạc cụ của người Hrê cũng mất dần. Tiếng đàn, tiếng sáo của người Hrê từng nghe được thuở thiếu thời, nay lại thức dậy trong cụ. “Tôi đi dọc các bản làng của đồng bào Hrê mỗi mùa lễ hội nhưng hiếm khi nghe một âm thanh da diết nào từ cây đàn gơ rơu hay đàn vơ roac. Đám thanh niên Hrê bây giờ nó mở toàn băng cassette để nghe nhạc. Hầu như đám trẻ không biết chơi các loại nhạc cụ của ông bà để lại. Buồn quá”.
Day dứt mãi với sự mai một đó, song đến khi về hưu (1989), cụ mới có điều kiện bắt tay vào thực hiện điều canh cánh bên lòng kia. Việc trước tiên là cụ sưu tầm các loại đàn và sáo của đồng bào Hrê, sau đó “tái bản” chúng. Để phục dựng lại một loại nhạc cụ nào đó, ngoài việc cất công đi tìm nguyên liệu, cụ Ước còn phải cố moi trong ký ức để làm sao “tái bản” cho đúng với nguyên bản. “Nếu cái khó khi cha tôi làm đàn là sợi dây vì thời đó đi tìm được sợi dây kẽm rất khó, thì bây giờ là tìm trái bầu khô. Dân Hrê không còn trồng bầu như thời xưa nữa. Tôi phải đi “đặt hàng” mới có trái bầu vừa ý. Chất lượng của quả bầu khô quyết định rất lớn đến âm thanh của tiếng đàn”. Chúng tôi hỏi cụ: “Thu nhập từ các loại nhạc cụ này có khá không ạ?”. Ông cụ cười hiền lành: “Mua bán chi đâu, tôi chỉ gửi ngoài Nhà bảo tàng Ba Tơ để du khách xem cho vui thôi. Qua đó, tôi cũng muốn gửi đến các cháu người Hrê một lời nhắn rằng hãy cố mà giữ những tinh hoa của cha ông mình để lại. Không giữ được điều đó là mất tất cả, dù cuộc sống bây giờ đang cần những thứ dễ sống hơn là cần tiếng đàn”.
Cứ sau mỗi lần thuyết minh một loại nhạc cụ, cụ Ước lại biểu diễn cho chúng tôi xem. Nghe tiếng đàn, tiếng sáo của cụ, ít ai nghĩ rằng cụ đã từng đi qua hai cuộc chiến tranh mịt mù khói súng mà vẫn còn giữ được những nét tinh tế của một nghệ nhân bậc thầy. Mỗi khi tiếng đàn cất lên là một lần cụ thổi vào đó chút ấm nóng của lòng nhiệt tình với gia tài âm nhạc của người Hrê. Cụ đã giữ một ngọn lửa cho cả một cộng đồng.
Bình luận (0)