A Lưu lo lắng sử thi Ba Na sau này không có người hơ mon - Ảnh: Xuân Thọ
|
Lấy vợ nhờ... hát sử thi
Kon Klor, chiếc cầu treo nổi tiếng ở TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) như cổng chào vào xã Đăk Rơ Wa, trở nên quyến rũ hơn sau cơn mưa chiều đến vội. Điều này hấp dẫn tôi đến làng Kon Klor 2, nơi có nghệ nhân A Lưu, một “báu vật” của người Ba Na trên mảnh đất bắc Tây nguyên. Người Ba Na ở đây xem ông là báu vật vì ông là người duy nhất thuộc đến 100 bộ sử thi của buôn làng và được Hội Văn nghệ dân gian VN trao chứng nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” vào ngày 28.12.2005.
Chiều dần về trên làng Kon Klor 2, tiếng đại ngàn dìu dặt, đôi lúc thốc lên man dại. A Lưu dẫn tôi vào hành trình rong ruổi cả đời hát kể sử thi. Trước khi mất, bà mẹ Y Ngao của ông là một phụ nữ rất nổi tiếng về hát kể sử thi. Chính bà đã tắm cho những đứa con của mình trong dòng suối sử thi từ rất sớm. Ngày ấy, mỗi khi hát sử thi cho dân làng nghe, không bao giờ nghệ nhân Y Ngao quên gọi 8 đứa con của mình đến. Nói là để giúp mẹ nhóm lửa, nhưng ý chính của bà là truyền cảm hứng sử thi cho con. “Tuy vậy, chả biết vì duyên cớ gì mà trong 8 anh em, chỉ có mình là người có thể hơ mon (hát kể sử thi) được. Năm 11 tuổi, mình đã có thể giúp mẹ hơ mon cho dân làng nghe”, A Lưu nhớ lại.
Cứ thế, những đêm hội làng, những đóm lửa bập bùng, những câu chuyện hào hùng đã hun đúc thêm tình yêu sử thi trong chàng trai A Lưu. Tiếp nối người mẹ, A Lưu lãng du khắp buôn trên làng dưới để được hát kể sử thi cho mọi người nghe, và nếu may mắn hơn, chàng sẽ học được thêm những bài mới từ các già làng. Chàng lại hát hay nữa, nên khiến không biết bao cô gái “điêu đứng”.
Rồi trong một lần hơ mon nhân lễ lúa mới của làng, A Lưu đã “hớp hồn” cô gái Y Pưi khiến cho cô này phải lấy ông làm chồng. Bà Y Pưi nhớ lại: “Hồi đó mình mê hơ mon lắm, nhưng mê A Lưu nhiều hơn vì ổng hơ mon hay quá. Về làm vợ ổng rồi, ngày nào cũng được nghe ổng hơ mon sướng cái tai”. Mỗi khi làng có lễ, có tin vui, Y Pưi đều thấy hạnh phúc và hãnh diện khi nghe chồng mình hơ mon bởi “không phải ai cũng hơ mon được, mà có hơ mon được thì cũng chưa chắc hay bằng chồng mình”.
Rong ruổi cùng Đăm Jông - Đăm Jớ
Năm nay 70 tuổi nhưng hành trình hát kể sử thi của A Lưu đã in dấu qua 60 mùa rẫy, bắt đầu tập từ năm 10 tuổi với bộ sử thi liên hoàn Đăm Jông - Đăm Jớ. Đây cũng là bộ sử thi đầu tiên mà A Lưu thay mẹ hát cho dân làng nghe vào năm 11 tuổi, và bộ sử thi này cũng giúp ông được nhiều giấy khen, nhất là danh hiệu nghệ nhân dân gian. A Lưu thừa nhận, Ba Na không thiếu những sử thi hay, nhưng ông và dân làng vẫn thích nhất bộ Đăm Jông - Đăm Jớ.
A Lưu cho biết đây là bộ sử thi nói về chàng Đăm Jông đã chiến đấu anh dũng giết sư tử để bảo vệ dân làng Sét (tức làng Kon Klor 2 bây giờ). Đăm Jông, cùng với người em trai của mình phải chịu cảnh mồ côi từ nhỏ, dân làng cảm thương. Vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, Jông đã trở thành một chàng trai vừa đẹp vừa có tài, trở thành điểm tựa của dân làng Sét trong những lần cứu đói hay diệt trừ hiểm họa. “Cứ thế ngày này nối tháng nọ, hình ảnh chàng Đăm Jông đã ăn sâu vào máu thịt mình. Nếu ngày xưa, mình sẵn sàng 3 ngày 3 đêm hát sử thi không mệt mỏi, còn bây giờ dù già rồi nhưng tui sẵn sàng hát kể sử thi nếu có dịp thể hiện”, A Lưu thổ lộ và rồi trĩu nặng: “Nhưng có lẽ sử thi nó sắp đi cùng mình về với Yàng rồi. Lớp trẻ bây giờ tuy vẫn còn thích nghe sử thi nhưng lại lười học, nhiều năm qua mình vẫn tìm người để dạy đấy...”.
Bà Y Khiêm, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, cho hay: “Nghệ nhân A Lưu từ nhiều năm qua đã có nhiều đóng góp cho sử thi của người Ba Na ở địa phương. Chính ông đã giúp cho sử thi Ba Na “sống” đến ngày hôm nay, điều này đã được ngành văn hóa tỉnh ghi nhận. Thời gian gần đây, vì sợ sử thi Ba Na không còn người hơ mon nên ông đã dạy cho một số người vào thời gian rảnh”.
Cha truyền con nối
Ông Trần Lâm, Phó phòng Nghiệp vụ văn hóa, Sở VH-TT-DL tỉnh Kon Tum, cho hay ông A Lưu đã truyền nghề của mình cho con gái Y Blưn. Nhờ vậy, dù là giáo viên nhưng những khi làng, xã và TP.Kon Tum làm lễ hội văn hóa liên quan đến ẩm thực truyền thống của đồng bào, hay múa xoang, hát sử thi... đều nhờ Y Blưn cố vấn, đạo diễn. Con gái của Y Blưn là Y Lươn hiện cũng đang nối nghiệp ông và mẹ, có nhiều đóng góp, gìn giữ cho văn hóa bản địa đồng bào thiểu số ở Kon Tum.
|
Bình luận (0)