Chim sẻ dính bẫy bị nhốt lại chờ bán |
Chúng tôi theo chân anh Lê Văn Ca (33 tuổi, ở ấp 6, xã Vĩnh Trung, H.Vị Thủy, Hậu Giang) đi bẫy chim sẻ bằng keo. Anh Ca cho biết loại keo này ra nắng không chảy, không khô và có thể dính chặt hàng giờ liền. Keo bẫy chim sẻ hiện có giá khá cao, loại 200 gr trên 600.000 đồng. Đồ nghề bẫy chim khá đơn giản, gồm 1 cây cần tự chế dài khoảng 6 m có thể rút ngắn lại hay kéo dài ra, 2 cây nhôm làm thanh ngang (mỗi thanh dài từ 1 - 1,5 m) gắn vào cần, lồng chim và máy thâu băng.
Đến địa điểm thích hợp, anh Ca bắt đầu rưới nước cho thấm đều 2 cây nhôm, dùng keo bôi xung quanh rồi gắn vào cần, sau đó để cần dựa vào cột điện. Anh bật máy thâu băng phát ra âm thanh nghe như tiếng chim sẻ gọi đàn để dụ chim. Chẳng bao lâu, những chú chim sẻ bay lại đậu đầy trên dây điện. Khi thấy lượng chim vừa đủ, anh chuyển sang đoạn băng có tiếng chim non đói gọi mồi. Tiếng kêu thảm thiết đó đã kích thích những chú chim sẻ đáp xuống 2 cây nhôm. Không tìm thấy chim non, chúng cất cánh bay lên nhưng 2 chân dính keo nên đa số bị lộn ngược trở lại. Mỗi lần như vậy có khoảng 10 - 15 con bị dính bẫy.
Khoảng 30 phút sau, khi 2 cây nhôm đã dính đầy chim sẻ, anh Ca hạ cần xuống, gỡ chim ra nhốt vào lồng. Sau đó, anh bóc keo dính khỏi thanh nhôm, thu dọn và tiếp tục đi tìm địa điểm mới. Sau một buổi đi bẫy, anh bắt được khoảng 70 con chim sẻ.
Anh Ca cho biết chim sẻ rất nhạy, chỉ cần bẫy 1 - 2 lần cùng một chỗ là chim quen tiếng và không dính nữa. Muốn bẫy được nhiều chim phải thay đổi vị trí thường xuyên. Chim sẻ được nhiều người thu mua tận nơi với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/con, đem bán lại cho người có nhu cầu chữa bệnh.
Chim sẻ là loài thiên địch, ăn côn trùng rất mạnh, giúp ngăn chặn kịp thời nạn cào cào, châu chấu. Việc bẫy bằng keo tràn lan như hiện nay khiến loài chim này bị tận diệt.
Bài, ảnh: Thanh Hương
Bình luận (0)