Từ chai nhựa…
Theo ông Nguyễn Văn Sơn - Viện Công nghệ vũ trụ, phong trào chơi tên lửa nước (TLN) hiện phát triển mạnh ở TP.HCM và Hà Nội. Để chơi được TLN, học sinh cần nắm được kiến thức vật lý về phản lực trong chương trình vật lý lớp 10. Anh Nguyễn Hữu Vinh - Chủ nhiệm câu lạc bộ sáng tạo Eureka, Nhà thiếu nhi Q.5 (TP.HCM), cho biết: “Để tạo nên một chiếc TLN khá đơn giản và ít tốn kém. Vật dụng làm TLN rất dễ tìm như: chai nhựa, ống nước, ống bơm, keo…”.
|
Nhiều học sinh cho biết, các bạn chơi TLN vì nó có nhiều điều thú vị. Cao Dương, lớp 12 trường THPT Nguyễn Khuyến (Q.10), nói: “Em chơi TLN từ năm lớp 8, đến giờ thì… nghiện luôn. Thật lý thú khi em có thể ứng dụng kiến thức vật lý vào thực tế và nâng cao cách suy luận”.
Lúc trước, để tạo ra một TLN, Dương thường chắp vá và làm không như ý. Chiếc TLN không đi theo quỹ đạo, thiếu lực… Nay nhờ nghiên cứu học hỏi, nắm bắt được kỹ thuật nên Dương sáng tạo nhiều loại khác nhau. Nếu lúc đầu, Dương chỉ làm được TLN từ một loại chai nhựa thì nay đã thiết kế được TLN ghép từ nhiều chai lại với nhau. “Khi ghép nhiều chai, cự ly bắn xa hơn. Hơn thế, mình còn có thể ghép nhiều tầng. Sau đó, thiết kế TLN tách tầng (tên lửa đang bay gần hết lực, thì phần đầu tên lửa tự tách ra và bay tiếp)”, Dương nói.
Chơi TLN giúp học sinh có được nhiều khám phá, thông tin về khoa học kỹ thuật. Mặt khác, đây là một chương trình ngoại khóa nhiều ý nghĩa, giúp học sinh phát triển kỹ năng làm việc nhóm, thảo luận nhóm… |
||
Ông TRẦN TẤN TÀI (Phó phòng Giáo dục Q.5) |
||
Đến bầu trời quốc tế
Theo anh Nguyễn Hữu Vinh, hiện nay chỉ riêng Nhà thiếu nhi Q.5 TP.HCM, có 6 CLB đội nhóm, trong đó có CLB sáng tạo kỹ thuật Eureka đã thành lập cách đây 3 năm. Thành viên đa phần là học sinh các trường THCS trên địa bàn quận, thậm chí có cả học sinh tiểu học.
Theo các học sinh, chơi TLN quan trọng nhất là kỹ thuật làm đuôi và đầu. Đầu TLN sao cho nặng hơn các phần khác để khi bay không bị đảo. Đuôi phải đều, bởi nếu không, khi TLN bay đi sẽ thiếu hoặc không chính xác. Bệ phóng gồm có một thanh trượt để tên lửa và ống bơm. Thông thường, để làm một chiếc TLN mất từ 2 giờ đến 5 - 6 ngày, tùy thuộc vào chai đơn hay ghép, tách tầng… Vì khi ghép tầng hay tách tầng thì cần phải nối các chai nhựa lại với nhau. Khi đó phải thông hơi và kết dính các chai lại bằng một loại keo dẻo. Để keo dính chắc, cần xoay đều cho keo khô trong khoảng 2 giờ. Sau đó, còn tùy thuộc vào sở thích mà người chơi có thể trang trí màu sắc, hoa văn phù hợp.
Nhiều bạn cho biết, khi tham gia chơi TLN các bạn có nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Tú Anh kể: “Lần đầu tiên em bắn, TLN bay rất cao những lại rơi… ngay xuống đầu mình”. Còn với Gia Nghi, lớp 9A1 trường Trung học thực hành Sài Gòn thì: “Lần đầu tiên em bắn TLN tại trường THCS Lý Phong. TLN không trúng vào mục tiêu mà bay ra khỏi khuôn viên trường”. Kim Điền, thành viên câu lạc bộ sáng tạo Eureka, vui vẻ cho hay: “TLN của em đang bay rất chuẩn, mọi người cứ nghĩ sẽ trúng tâm nhưng bỗng dưng gặp gió mạnh nên ngừng bay giữa chừng”…
Tháng 9 vừa qua, Viện Công nghệ vũ trụ kết hợp với Viện Địa lý tài nguyên thuộc Viện Khoa học công nghệ Việt Nam, Phòng Giáo dục Q.5 tổ chức cuộc thi bắn TLN tại TP.HCM. Cuộc thi chọn ra 2 thành viên giỏi Anh văn và kỹ năng bắn TLN để tham gia giải TLN APRSAP tại Singapore vào tháng 12 tới. Trong 7 năm qua, Việt Nam đã một lần đoạt giải nhì và một lần đoạt giải khuyến khích khi tham gia giải này. Ở góc độ quản lý giáo dục, ông Trần Tấn Tài - Phó phòng Giáo dục Q.5, nhận định: “Chơi TLN giúp học sinh có được nhiều khám phá, thông tin về khoa học kỹ thuật. Mặt khác, đây là một chương trình ngoại khóa nhiều ý nghĩa, giúp học sinh phát triển kỹ năng làm việc nhóm, thảo luận nhóm…”.
Minh Luân
Bình luận (0)