(TNO) Đậu vào đại học đã là khó, trở thành thủ khoa còn khó hơn nhiều. Để tỏ sự trân trọng dành cho các thủ khoa, Thanh Niên Online phối hợp với Hãng hàng không Jetstar Pacific thực hiện chương trình Bay đến ước mơ, tặng tối đa 50 vé máy bay miễn phí một chiều cho các thủ khoa nhập học, tiếp sức cho các bạn trẻ trên con đường làm giàu tri thức, vươn tới những đỉnh cao trong cuộc sống.
Kỳ 1: Học giỏi chưa đủ để thành công
Cuộc chuyện trò với cô thủ khoa Trần Thị Thu Vân (thủ khoa khối A1, Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, cựu học sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng) dẫn dắt PV đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
|
Bất ngờ đầu tiên, đó là lời giới thiệu của tân thủ khoa. “Em không phải là học sinh vừa tốt nghiệp THPT năm nay (2013), em tốt nghiệp từ năm 2010 và đã từng thi đại học năm đó!”, Thu Vân mở đầu câu chuyện với sự tự nhiên hiếm thấy.
Nhưng không phải năm đó Vân thi rớt, mà Vân đỗ cao. Em đậu vào Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng với số điểm 27 (toán 9 điểm, lý 8,75 điểm và hóa 9 điểm) giành “ngôi” á khoa, chỉ sau thủ khoa của kỳ thi 0,5 điểm. Cũng trong năm này, Vân còn đỗ vào Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng với số điểm 21 điểm.
|
Với thành tích này, Thu Vân đã vinh dự được lựa chọn để nhận suất học bổng toàn phần học tại Anh quốc theo Đề án đào tạo nhân tài của TP.Đà Nẵng.
Và từ một học sinh chỉ học bình thường môn Anh văn, trong vòng 3-4 tháng tập trung luyện Anh văn để đạt yêu cầu, Vân đã đạt được IELTS 6.5 và lên đường sang Anh du học ngành Quy hoạch đô thị.
Thiếu kinh nghiệm, ít giao tiếp, em đã bị “stress”
“Trước khi chuẩn bị cho chuyến đi, các anh chị phụ trách đề án đã đề nghị em tham gia một lớp đào tạo về kỹ năng sống, nhưng em từ chối vì suy nghĩ chỉ cần học giỏi là có thể tồn tại ở bất cứ nơi đâu. Nhưng, em đã lầm!”, cô bạn thủ khoa trầm ngâm, nhớ lại.
|
Khoảng thời gian ở Anh, Vân không sắp xếp được thời gian cho mọi việc. “Em không làm chủ được quỹ thời gian, nên càng làm càng rối rắm, thấy mọi thứ cứ lung tung lên!”, Vân chia sẻ.
Vân chưa quen cuộc sống tự lập một mình, tự mình lo liệu tất cả mọi việc của bản thân như nấu ăn, giặt giũ, quét dọn…
“Những việc tưởng chừng quá đơn giản, em nghĩ mình sẽ làm tốt. Nhưng không phải vậy! Ở nhà, tuy nhà em không khá giả, nhưng hồi em học phổ thông, mẹ ở nhà nội trợ nên luôn lo liệu hết toàn bộ mọi việc trong nhà, em không phải động tay làm việc gì. Toàn bộ thời gian của em là chỉ học và học”, Vân kể.
Thêm nữa, đây là lần đầu tiên sống cuộc sống xa nhà, trong khi trước giờ được bảo bọc, được bố mẹ hết sức yêu thương, chiều chuộng, nên khi sang Anh, nỗi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, các em làm cho em quay quắt không chịu nổi.
“Năm đầu tiên em đã có kết quả loại A, sang năm thứ hai em cũng học tập khá tốt nhưng tâm trạng cứ u uất không thể tả! Lúc ấy cũng có nhiều anh chị cũng là người Đà Nẵng đang học ở Anh đến chia sẻ với em, nhưng em gần như không mở lòng ra được. Em không có bạn mới, không có người mà em cảm thấy thân thuộc, nên cứ chênh vênh mãi, cứ đơn độc và thui thủi!”, Vân nghẹn lại khi nhớ lại quãng thời gian đó của mình.
Và em bị “stress” nặng. Chứng trầm cảm, u uất khiến em không thể làm tốt được việc gì. Em thường xuyên gọi điện về nhà khóc. Lúc này, bố mẹ đã động viên Vân bảo lưu kết quả và trở về nhà, sau khi được sự chấp thuận của ban lãnh đạo của Đề án đào tạo nhân tài của TP.Đà Nẵng.
Tìm lại được bản thân mình bằng những việc làm bình dị
Trở về nhà, sau 1 tháng nghỉ ngơi, Vân suy nghĩ và nghiệm ra rằng mình học giỏi, nhưng thiếu kỹ năng sống nên đã vấp ngã. Và em nhận ra những việc mình cần làm lúc ấy.
|
“Em ở nhà, chơi với các em, rồi giúp bố mẹ nấu ăn, rửa chén, quét dọn nhà cửa, giặt giũ... Em làm mọi chuyện để giúp bố mẹ. Mẹ bày em nấu những món ăn từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi món ăn được nấu lên em thấy rất sung sướng, hạnh phúc!”, Vân hào hứng kể.
Không chỉ vậy, Vân học cách mở lòng ra. Vân tập cách làm quen, kết thân với mọi người trong khu nhà mình ở, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Vân kết giao với bạn bè nhiều hơn, dành thời gian để chia sẻ với bạn bè những suy nghĩ, những tâm sự của mình.
Mỗi buổi chiều, Vân tập hợp những đứa trẻ trong xóm học tiểu học lại, dạy kèm miễn phí cho các em môn toán và Anh văn. Bọn trẻ vô cùng thích thú khi được học với chị Vân. “Chị Vân dạy dễ hiểu lắm! Nhất là môn Anh văn, tụi con giờ học môn này hơi bị được đó nghe!”, bé Liễu, một em nhỏ được Vân dạy hồn nhiên nói.
Không chỉ dạy trẻ em trong xóm, Vân cũng quyết định nhận luyện thi đại học cho 3 em học sinh THPT. Kết quả sau hơn nửa năm giúp các em, 3 em của Vân luyện, 2 em đậu vào đại học, 1 em đạt 18 điểm, có thể tham gia xét tuyển nguyện vọng bổ sung vào một trường ĐH công lập.
“Khi ôn luyện cho các em, em thấy kiến thức của mình cũng vững vàng. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng động viên em tìm một ngành học phù hợp để học tại TP để không phí thời gian, nên em quyết định nộp đơn thi vào ngành sư phạm toán của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Thật may mắn, em là thí sinh có số điểm cao nhất khối A1 của Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng”, Vân cười hồn nhiên nói về việc tham gia kỳ thi đại học năm nay.
24,5 là số điểm mà Vân đạt được sau khi thi vào Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. “Em thấy nghề giáo viên khá phù hợp với bản thân mình, sau nhiều tháng dạy dỗ cho các em. Nhưng em đã suy nghĩ thật kỹ rồi, em không thể bỏ lỡ cơ hội du học ở Anh được. Em nghĩ không dễ để có được suất học bổng đó.
|
Em cũng có nghĩ việc em dự thi vào ĐH Sư phạm là em sẽ làm mất đi cơ hội của các bạn khác. Nhưng em nghĩ thông thường các trường sẽ lấy nhiều hơn chỉ tiêu một chút, nên em sẽ không làm mất suất của bất cứ một bạn nào.
Thêm nữa, thực ra không phải vì em bị phụ thuộc vào đề án của TP.Đà Nẵng, mà bản thân em rất có mong muốn mình có thể học cao hơn, và trở về cống hiến trí tuệ để góp sức xây dựng thành phố - nơi em sinh ra và lớn lên!”, Vân bày tỏ khát vọng của mình.
“Tôi khuyên cháu thôi ở lại nhà, học tập rồi có cuộc sống yên ổn. Tôi không muốn cháu xa nhà. Xa mà xa quá, thấy nhớ cháu chịu không nổi. Lại lo cháu không thể xoay xở. Nhưng lần này, xem ra cháu đã quyết tâm, và trưởng thành hơn rất nhiều!”, mẹ của Vân tâm sự.
Khi được hỏi, lần trở lại này liệu Vân đã chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt với mọi thử thách hay chưa, thì nhận được nụ cười vô cùng tự tin của cô bạn cựu á khoa và tân thủ khoa. “Em đã học hỏi được rất nhiều điều, đã tìm được bản thân mình từ những điều rất bình dị. Em tin lần ra đi này mình đã trang bị rất kỹ, và nếu có khó khăn gì, em cũng sẵn sàng đối mặt và vượt qua!”, Vân nói một cách quyết tâm.
Nhìn vào ánh mắt, khuôn mặt sáng bừng tràn đầy năng lượng của Thu Vân, tin rằng em sẽ làm tốt những gì mình mong muốn.
Bài, ảnh: Diệu Hiền
>> Chàng sinh viên năm 2 đỗ thủ khoa đại học
>> Một lớp học, 6 thủ khoa
>> Thủ khoa 'còm nhom' làm nức lòng huyện nghèo
>> Tiền đạo cắm' trở thành thủ khoa
>> Lớp có 6 thủ khoa
>> Thủ khoa xinh đẹp mê hoặc dân mạng
>> Cô nàng thủ khoa “kép”
Bình luận (0)