Bây giờ mới lập ‘Phố nhạy cảm’ là quá muộn!

25/08/2015 06:26 GMT+7

Đề xuất lập “Phố nhạy cảm” để tăng cường quản lý và giảm thiểu tệ nạn mại dâm đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Xung quanh vấn đề này, Thanh Niên có cuộc phỏng vấn thạc sĩ Khuất Thị Hải Oanh ( ảnh) , Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực bình đẳng giới.

Đề xuất lập “Phố nhạy cảm” để tăng cường quản lý và giảm thiểu tệ nạn mại dâm đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Xung quanh vấn đề này, Thanh Niên có cuộc phỏng vấn thạc sĩ Khuất Thị Hải Oanh (ảnh), Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu trong lĩnh vực bình đẳng giới.

* Theo bà, đề xuất thí điểm lập “Phố nhạy cảm” thời điểm này có phù hợp?
- Theo tôi, thời điểm này mới đưa ra là quá muộn. Trước một xã hội mở, một thế giới phẳng không thể nói rằng VN không tiến bộ như các nước. Hơn nữa, thời buổi kinh tế thị trường mọi người di chuyển rất nhiều; tuổi lấy vợ của nam giới ngày càng muộn; sức khỏe của mọi người ngày càng tốt lên, nhu cầu về tình dục rất lớn. Mọi người cũng phải nhìn nhận rõ, không thể bằng ý chí chủ quan có thể dập tắt mại dâm.
Mình đã đặt ra mục tiêu triệt phá hàng bao năm nay, nhưng càng triệt càng tăng lên. Tôi thấy rất mừng khi chúng ta đã đặt ra vấn đề này, đó là hành động có trách nhiệm nhìn thẳng vào thực tế làm thế nào để quản lý tốt hơn, không thể để mại dâm tiếp tục tràn lan. Quản lý bằng triệt phá không hiệu quả, mình phải nghĩ ra một cách khác vừa hiệu quả vừa nhân văn lại phù hợp với tình hình thực tế.
Nhìn ra các nước, cách quản lý trước tiên họ áp dụng là quy hoạch về mặt địa lý để cung cấp dịch vụ cho người bán dâm, hạn chế chuyện buôn bán người, bạo lực, bóc lột, tăng cường các biện pháp giảm hại, phòng chống lây nhiễm... Đó là biện pháp quản lý đầu tay. Tất nhiên một số nước phát triển, họ nâng tầm quản lý cao hơn, đó là yêu cầu đăng ký, thu thuế, hạn chế độ tuổi tham gia...
* VN là một nước Á Đông, nhiều người cho rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục?
- Tôi nghĩ đã đến lúc mình phải bỏ đi sự giáo điều, bỏ đi sự giả vờ. Mình phải trung thực hơn với bản thân mình, trung thực hơn với thực tế xã hội và trung thực hơn với người dân để có thể giải quyết vấn đề này một cách thực tế.
Người VN lúc nào cũng muốn sánh vai với các cường quốc 5 châu. Nhưng động đến vấn đề “nhạy cảm” lại bảo nước mình chưa phát triển, không bằng các nước. Vậy thế nào là thuần phong mỹ tục? Để những người phụ nữ, hoặc nam giới phải đi bán dâm, bị bóc lột, bị bạo lực có phải là thuần phong mỹ tục không? Thuần phong mỹ tục của người Việt là phải “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “người trong một nước phải thương nhau cùng”. Bây giờ mình lại coi những người bán dâm là cặn bã của xã hội thì đó không phải là thuần phong mỹ tục.
Không phải ngẫu nhiên mà mại dâm tồn tại trong lịch sử hàng nghìn năm. Những người đi tìm kiếm “dịch vụ mại dâm”, họ phải có lý do nào đấy. Có người vì vui vẻ, nhưng cũng có người vì nhu cầu thiết yếu, người ta không có vợ, không có bạn tình, thiếu thốn về mặt tình dục... vì những lý do nào đấy mình cũng phải thương người ta, để người ta ít nhất là có dịch vụ an toàn.
Bây giờ mới lập ‘Phố nhạy cảm’ là quá muộn!
* Là người tiếp xúc thường xuyên và có các hoạt động hỗ trợ người bán dâm, theo bà, liệu họ có đồng tình đi từ “bóng tối” ra “ánh sáng”?
- Những người bán dâm họ đi làm để kiếm sống, mong muốn đầu tiên của họ là được yên ổn. Cái mà ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc sống của họ chính là sự bất ổn, hôm nay lo chạy công an, ngày mai phải chạy đầu gấu. Cuộc sống của họ bất ổn dẫn đến nhiều hệ lụy. Họ không biết được hôm nay mình ở đâu, ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra. Vì không có sự ổn định dẫn đến lối sống của họ là lối sống tạm, ảnh hưởng đến con cái, gia đình, ảnh hưởng đến lối sống của họ.
Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người bán dâm kể cả với các chủ chứa, họ rất mong muốn có sự ổn định. Bây giờ mại dâm không được phép họ vẫn làm vì họ không có cách nào khác. Nhiều chủ chứa có nói họ như “cá nằm trên thớt” không biết sẽ bị bắt lúc nào cho nên ngày nào họ làm họ cố gắng làm sao kiếm được thật nhiều tiền, thu được nhiều tiền của khách hàng, thu được nhiều tiền của những người bán dâm.
Đối với những người bán dâm cũng như thế, không ai nghĩ phải tiết kiệm tiền, không ai có kế hoạch lâu dài. Nếu tạo ra tâm thế ổn định sẽ tốt hơn với tất cả mọi người.
* Một số người lo ngại việc thực thi pháp luật ở VN chưa nghiêm, cho lập “Phố nhạy cảm” dễ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp và khó lường?
- Nếu mình quy hoạch các dịch vụ nhạy cảm vào một khu vực không có nghĩa là khu vực chỉ chuyên mua, bán dâm. Khác với “Phố đèn đỏ” người ta quy định khu vực này được phép kinh doanh mại dâm, còn ở VN, mình không cho phép kinh doanh mại dâm mà chỉ kinh doanh dịch vụ có điều kiện. Có những người không phải chỉ kiếm sống bằng nghề bán dâm, có thể họ làm nghề cắt tóc, gội đầu, massage, tẩm quất…
Làm ở khu vực này phải tuân theo những quy định rõ ràng minh bạch. Ở đây được cấp bao cao su, anh chị em được khám bệnh lây truyền qua đường tình dục. Công an sẽ tập trung vào các vấn đề phòng cháy chữa cháy, phòng chống buôn bán người, bóc lột tình dục, bạo lực… mà không tập trung vào việc đi lùng bắt mại dâm.
Thực ra, không thiếu cách kiểm soát, quan trọng là mình có quyết tâm thực thi và chính sách có phù hợp hay không. Mình cứ nói chính sách triệt phá mại dâm thì không bao giờ thực thi. Cơ quan nhà nước cứ suốt ngày chạy theo, hôm nay “bùng” chỗ này, công an chạy đến dập, ngày mai lại “bùng” chỗ khác. Cơ quan quản lý luôn ở trong thế bị động, “thả gà ra đuổi”.
Ở Singapore, người ta hợp pháp hóa mại dâm bằng cách cấp giấy phép cho các cơ sở. Muốn tìm kiếm mại dâm, khách biết đến đâu. Mình có thể học tập mô hình từ họ.
Phải có sự đồng thuận
Bà Oanh phân tích: “Muốn làm được điều này phải có sự đồng thuận từ cơ quan nhà nước. Các bên liên quan phải có sự thống nhất với nhau. Ngoài giải thích rõ cho người dân hiểu, cần phải làm việc với chủ các cơ sở dịch vụ và cộng đồng người bán dâm. Hiện nay có khá nhiều nhóm tự lực của chị em và anh em bán dâm. Các nhóm này sẵn sàng tham gia trong việc phối hợp với các cơ quan chức năng. Họ cũng muốn đóng góp để tình hình ổn định, vừa tốt cho chị em vừa tốt cho khách hàng, cho tất cả mọi người.
Ở các nước hợp pháp hóa mại dâm, ví dụ ở Hà Lan, người ta thấy rằng người Hà Lan tham gia bán dâm giảm. Nhu cầu xã hội một lúc nào đó sẽ dừng. Tất nhiên để làm việc này không phải dễ dàng, sẽ phải mất thời gian để đạt được sự ổn định. Nếu mình không bắt đầu, không đi thì chẳng bao giờ đến được đích. Tôi tin một khi cơ quan chức năng kiểm soát và quản lý các dịch vụ, mại dâm sẽ giảm”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.