Bẫy lao động bên kia biên giới - Kỳ 3: Những hệ lụy khó lường

26/05/2013 03:30 GMT+7

Lao động Việt Nam bị dụ dỗ vượt biên sang Trung Quốc làm thuê khiến công tác quản lý an ninh trật tự, đời sống địa bàn vùng biên Hà Giang đang phát sinh những vấn đề tiêu cực và những hệ lụy khó lường.

Đời sống xáo trộn

Ngậm ngùi kể chuyện người dân trong thôn lần lượt theo nhau sang Trung Quốc làm thuê, trưởng thôn Đoàn Kết (xã Bạch Đích, H.Yên Minh), ông Phàn Tờ Mìn buồn bã thở dài: “Đằng sau những chuyến di cư nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ rạn nứt, tan vỡ. Chuyện này chưa từng xảy ra trước đây, bản làng tuy nghèo nhưng hạnh phúc, lúc nào cũng rộn tiếng cười. Phụ nữ đi lao động Trung Quốc có xu hướng kết hôn, làm vợ đàn ông Trung Quốc ngày càng nhiều, nguyên do cũng chỉ vì không vượt qua cám dỗ vật chất, tiền bạc từ những ông chủ Trung Quốc lắm chiêu trò, nhiều thủ đoạn.

 Cần thêm nhiều việc làm tại chỗ để giữ chân người dân ở lại quê hương
Cần thêm nhiều việc làm tại chỗ để giữ chân người dân ở lại quê hương - Ảnh: Hằng Hậu

Phụ nữ lấy chồng Trung Quốc, do kết hôn trái luật, sang bên kia họ không được nhập hộ khẩu nên khi ốm đau không được hưởng quyền lợi chế độ như người Trung Quốc. “Phụ nữ Việt chỉ là người đẻ thuê thôi. Lúc còn trẻ thì người ta yêu thương đến khi về già nếu có bị đánh đuổi, ngược đãi cũng không có cách nào bảo vệ”, ông Mìn thở dài.

 

Nếu tuyên truyền suông tôi e tình trạng chảy máu lao động sẽ lên mức báo động đỏ. Chỉ có cách đầu tư các dự án, phát triển kinh tế tại địa phương để tạo ra việc làm mới mong giữ họ ở lại

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Bạch Đích

Nằm trong số địa phương là điểm nóng lao động vượt biên làm thuê, Phó chủ tịch xã Thài Phỉn Tủng (H.Đồng Văn) Hà Hữu Tiệp, cho biết toàn xã hiện có 340 lao động bên Trung Quốc, đàn ông chiếm hơn 50%. Mùa tổ chức lễ hội truyền thống khó tìm đủ người am hiểu phong tục đứng ra cử lễ. “Khổ nhất là khi có đám ma, thanh niên đi làm thuê hết, người già phải xắn tay khiêng quan tài đưa đi an táng. Những công trình phúc lợi xã hội cần nhiều nhân lực phải chờ đến mùa tra hạt hoặc thu ngô mới bung ra khởi công, vì đây là thời điểm người lao động về địa phương nhiều nên mới có nhân công”, ông Tủng nói.

Ông Phạm Văn Bính, Phó bí thư Đảng ủy thị trấn Phó Bảng (H.Đồng Văn), lo lắng khi dân địa phương đổ đi lao động ở Trung Quốc ngày một tăng. Ông Bính kể, hồi năm 2012, trước kỳ bầu cử, chính quyền cử cán bộ xuống địa bàn bám dân vận động, nhờ họ nhắn tin gọi giúp cử tri đi làm thuê bên kia biên giới thu xếp thời gian về bỏ phiếu. Hiện tại, cuộc vận động xây dựng nông thôn mới ở thị trấn cũng đối mặt với không ít khó khăn. Trong cuộc vận động này, người dân làm nòng cốt sắp xếp lại đời sống nhưng lao động đi hết rồi địa phương không biết lấy đâu ra nhân lực triển khai xây dựng nông thôn mới.

Ông Tuấn Anh, chủ doanh nghiệp đang có dự án xây dựng cơ bản tại xã Khau Vai, H.Mèo Vạc, cho hay lao động kéo nhau sang Trung Quốc làm thuê, nên doanh nghiệp rất khó tuyển nhân công địa phương. Sợ ảnh hưởng đến tiến độ, doanh nghiệp phải đưa lao động từ dưới xuôi lên làm việc.

Loay hoay giữ chân lao động

 Hai năm trở lại đây, UBND xã Bạch Đích (H.Yên Minh) được hỗ trợ các chính sách vay vốn cho nông dân đầu tư mô hình trang trại chăn nuôi tập trung. Người đến tuổi lao động được ưu tiên tuyển dụng xuất khẩu lao động, học nghề và giới thiệu việc làm tại các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhưng người dân vẫn không mặn mà với các mô hình này mà nghe theo những lời dụ dỗ, sang Trung Quốc lao động để được đổi đời.

Xã Bạch Đích có 19 thôn thì Chợ Tó, Đông Khao đang là điểm nóng, có số lượng lao động đi làm thuê bên Trung Quốc nhiều nhất. Cán bộ xã luân phiên xuống cắm chốt, ăn ở tại thôn bản rồi đến từng nhà vận động. “Nếu tuyên truyền suông, tôi e tình trạng chảy máu sức lao động sẽ lên mức báo động đỏ. Chỉ có cách đầu tư các dự án, phát triển kinh tế tại địa phương để tạo ra việc làm mới mong giữ họ ở lại”, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Bạch Đích nói.

Bí thư Huyện đoàn Đồng Văn - Hoàng Minh Đức, cho biết thanh niên chiếm đa số trong 3.000 lao động của huyện làm thuê bên Trung Quốc. Dù kiên trì vận động, thuyết phục nhưng không ngăn nổi dòng lao động đổ sang Trung Quốc. Anh Đức thông tin thêm, Đồng Văn đang được hưởng nhiều ưu tiên trong tuyển dụng, giới thiệu việc làm, vay vốn với lãi suất thấp để đi lao động xuất khẩu. Năm ngoái, cả huyện có 80 chỉ tiêu xuất khẩu lao động nhưng không tuyển được người nào. Nhiều cơ sở dạy nghề vùng Quảng Ninh thường xuyên mở lớp chiêu sinh, học xong là có chính sách đưa lao động xuống làm việc nhưng rất ít người đăng ký. Điều này có nguyên nhân từ việc thanh niên bị dụ dỗ sang Trung Quốc làm thuê.

Thừa nhận công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế, ông Nguyễn Thanh Long, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Giang, nói công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm đối với lĩnh vực phi nông nghiệp đang rất khó. Doanh nghiệp tỉnh nhà phát triển nhanh về số lượng nhưng quy mô nhỏ, chủ yếu là lĩnh vực xây dựng cơ bản, tính ổn định việc làm không cao nên việc bố trí việc làm sau đào tạo nghề còn hạn chế. Công tác xuất khẩu lao động đã có từ nhiều năm nay nhưng đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đúng về chương trình này”.

Cần một thỏa thuận hợp tác lao động

Đi tìm giải pháp cho vấn đề lao động vượt biên làm thuê, UBND tỉnh Hà Giang từng có hội nghị quản lý lao động của các huyện giáp biên gồm: Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Xín Mần. Sau hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sèn Chỉn Ly có văn bản yêu cầu triển khai ngay các giải pháp cấp bách. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên vốn từ chương trình 30a đầu tư hoàn chỉnh cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho các trung tâm dạy nghề huyện. Người lao động được tạo mọi điều kiện tiếp cận vay vốn, nhất là vốn vay tín dụng ưu đãi, vốn Quỹ quốc gia về việc làm gắn với hướng dẫn cách làm ăn. UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu khẩn trương hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất gắn với phát triển nông thôn mới; quy hoạch chi tiết công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn gắn với phát triển dịch vụ du lịch, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động. “Tỉnh tiếp tục gọi các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhận hỗ trợ, giúp đỡ các cơ sở hạ tầng thiết yếu, liên kết phát triển sản xuất, chuyển giao kỹ thuật; đào tạo nghề miễn phí và nhận lao động vào làm việc tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững, nhằm thu hút dân địa phương”, ông Ly nói.

Ngoài ra, để bảo vệ lao động làm thuê bên Trung Quốc, tỉnh Hà Giang đã kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH cần có thỏa thuận ký kết hợp tác giữa hai nhà nước tạo điều kiện cho lao động sang Trung Quốc làm việc hợp pháp; sớm có văn bản hướng dẫn và cho chủ trương về quản lý lao động tự do sang Trung Quốc làm thuê. Trong khi chờ phản hồi, tháng 4 vừa qua, Hà Giang chủ động đàm phán với phía Trung Quốc tìm các giải pháp bảo vệ lao động. Trước mắt, tỉnh Hà Giang đã giao Sở LĐ-TB-XH, Sở Ngoại vụ phối hợp cụ thể với Cục Dân chính - Châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc bàn biện pháp quản lý lao động theo thỏa thuận hợp tác giữa hai bên.

Thu Hằng - Phan Hậu

>> Lao động cư trú bất hợp pháp tại Ả Rập Xê Út được ân xá
>> Bẫy lao động bên kia biên giới - Kỳ 2: Lừa đảo và bóc lột
>> Bẫy lao động bên kia biên giới
>> Chưa cấp phép tuyển lao động sang Angola
>> Ả Rập Xê Út mở chương trình ân xá cho lao động cư trú bất hợp pháp
>> Công bố xếp hạng doanh nghiệp xuất khẩu lao động
>> Băng lừa đảo xuất khẩu lao động lãnh án nặng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.