Lừa bán hàng giá rẻ qua mạng không còn là chuyện mới. Gần đây, nhiều người mua máy ảnh "xịn" giá rẻ đã bị lừa.
Lừa trắng trợn!
Do nhu cầu công việc, L.Đ.V (23 tuổi, ở TP.Đà Nẵng), sinh viên báo chí mới ra trường lên mạng tham khảo các dòng máy ảnh. Sau một hồi tìm kiếm, anh để ý đến loại Canon EOS 60D có nhiều ưu điểm nổi trội, lại có giá vừa phải. Đáng chú ý, hàng chính hãng khoảng 1.100 USD, nhưng nhiều trang mạng rao bán máy ảnh Canon EOS 60D liền bộ (thân máy và ống kính) cùng một số phụ kiện, với giá chỉ... 11 triệu đồng (!?). Để gây chú ý, những người rao bán không quên “móc” thêm vài câu về lai lịch như “máy xách tay từ Nhật về”, “máy mới 98 - 99% chưa sửa chữa”, “ông anh đi nước ngoài về tặng nhưng không có nhu cầu sử dụng"… Đặc biệt, trên trang “chohaiphong.com” giá bán liền bộ chiếc Canon EOS 60D “còn mới đến 98%” này chỉ có 10 triệu đồng. Người rao bán là một phụ nữ xưng tên là “Trân”, ở tại kiệt số 5, số nhà 55, đường L.H.T (Q.Sơn Trà, TP.Đà Nẵng). L.Đ.V cho biết sau khi đọc thông tin trên, cậu gọi vào số máy 0903.54375... mà “Trân” cung cấp trên mạng. “Trân” cho biết mình làm nghề chụp ảnh, nay không muốn dùng nữa, nên bán lại.
Tuy nhiên sau khi nghe L.Đ.V hẹn gặp, “Trân” cứ lần lữa với nhiều lý do. Nhiều lần liên lạc, nhưng “Trân” thoái thác, không nghe máy. Nghi ngờ, V. đi thẳng tới số nhà 55, kiệt số 5 đường L.H.T. Đó là ngôi nhà khang trang, kín cổng cao tường. Vừa nghe hỏi chuyện bán máy ảnh, chủ ngôi nhà là một người phụ nữ tuổi chừng ngoài 40 - khoát tay mời khách ra khỏi nhà: “Cái gì? Bán máy ảnh nào? Không, không phải ở đây. Không có!”.
|
Chuyển khoản trước, xem hàng sau
Có một chiêu thức mà những tay bán máy ảnh lừa như “Trân” thường áp dụng. Sau khi biết chỗ ở người mua, họ cố gắng tạo một khoảng cách địa lý càng xa, càng trắc trở càng tốt, cốt làm sao người mua... phải chuyển khoản đặt cọc. Trong trường hợp người mua nói ở quá gần thì người bán sẽ chọn cách… “lặn” như trường hợp của “Trân”.
Với giá bán hấp dẫn bất thường, những tay bán máy ảnh lừa thường mồi chài người mua bằng những câu đại loại như “mình đang rất kẹt tiền, nợ nần nên cần bán gấp”, “hiện có rất nhiều người hỏi mua nên mình cần tạm ứng trước khoảng 1/3 giá bán để giữ lại hàng”… Cách nay không lâu, trong vai người mua máy ảnh, chúng tôi đã liên lạc với nhiều đối tượng rao bán máy ảnh xịn giá rẻ qua mạng, đặc biệt với người tên là L.M.T. Tên của T. xuất hiện trên hàng trăm trang mạng cùng với chiếc máy ảnh Canon EOS 60D bán liền bộ kèm nhiều phụ kiện hấp dẫn với giá 14 triệu đồng. Để tạo lòng tin, T. cho luôn số điện thoại (0973xxxx37), lẫn tài khoản của mình (71A529xxx49). Qua điện thoại, T. nói đang ở Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi). T. quảng cáo: “Máy là của ông anh, nay ông anh đi nước ngoài mà mình không biết dùng nên bán lại”. Chúng tôi hẹn điểm giao dịch từ trung tâm TP.Quảng Ngãi, đến tận nhà ở Sa Huỳnh và cả ở Sài Gòn nhưng T. vẫn tìm cách... trốn. Đáng chú ý, trong quá trình giao dịch, T. luôn yêu cầu người mua chuyển khoản. Khi được yêu cầu trả bằng tiền mặt, thì T. từ chối thẳng thừng "như thế không ổn vì mang tiền đi đường sẽ… bị cướp !?".
|
N.Đ.T, phóng viên trẻ của một tờ báo - tâm sự thuở anh còn là sinh viên, rất nhiều bạn trong trường, trong lớp sau khi xin bố mẹ tiền đã chuyển khoản “đặt cọc” cho người bán máy ảnh, nhưng “chờ bạc tóc” chẳng thấy hàng đâu. Gọi điện thoại cho người bán thì không nghe máy hoặc “ó, i, è”. Theo N.Đ.T, rất có thể các đối tượng bán máy ảnh lừa hiện nay là một nhóm người, cùng “đánh” vào một dòng sản phẩm được ưa chuộng.
Số tiền mỗi lần người mua bị lừa không quá lớn (mất tiền cọc 1/3, trong số tiền 11 đến 14 triệu đồng) nên nạn nhân ngại cầu cứu đến cơ quan điều tra. Đây là lý do khiến nhiều người sập bẫy mua hàng giá rẻ trên mạng mà các đối tượng lừa đảo chưa bị trừng trị.
Gia Tân
Bình luận (0)