100 tuổi mới đáo hạn hợp đồng
Dư luận đang xôn xao quanh việc diễn viên Ngọc Lan đã phát trực tiếp (livestream) trên trang cá nhân cho rằng mình bị lừa mua bảo hiểm nhân thọ (BHNT) khiến cộng đồng "dậy sóng". Theo đó, nữ diễn viên đã mua 2 gói BH của Công ty TNHH BHNT Aviva VN cho bản thân và con trai với tổng cộng số tiền cần đóng là 700 triệu đồng/năm nhưng đến nay phát hiện nhiều thông tin không đúng với những gì được tư vấn.
Cụ thể, nhân viên tư vấn (NVTV) nói cô tham gia hợp đồng (HĐ) 10 năm, hết thời hạn sẽ lấy lại đủ 7 tỉ đồng cộng thêm tiền lời sẽ được xấp xỉ 10 tỉ đồng. Ngọc Lan đã tham gia BH được 3 năm qua với tổng số tiền 2,1 tỉ đồng. Tuy nhiên, mới đây cô hoàn toàn bất ngờ khi biết tin Công ty Aviva VN đã không còn nữa sau khi được bán cho một đơn vị thuộc Tập đoàn tài chính Manulife rồi đổi tên thành Công ty TNHH BHNT MVI (MVI Life). Hoảng hốt, cô đến công ty làm việc thì mới biết trong HĐ BH của 2 mẹ con được chia ra rất nhiều phần, gồm sản phẩm chính và sản phẩm phụ. Sản phẩm phụ là các sản phẩm về BH sức khỏe nên sau 10 năm số tiền cô nhận lại được sẽ không phải lên gần 10 tỉ đồng như được tư vấn ban đầu.
Đặc biệt, Ngọc Lan còn phát hiện thời hạn HĐ BH ghi con số 74 năm, không phải 10 năm như tư vấn ban đầu. Khi cô thắc mắc, phía nhân viên BH không giải thích được. "HĐ họ cài cắm chia ra sản phẩm chính và sản phẩm phụ. Phần sản phẩm phụ là BH sức khỏe thì không được lấy lại số tiền này. Aviva đã bán cho MVI thuộc Tập đoàn BH Manulife và tôi không hề nhận được một thông báo nào. Tôi cũng không biết 10 năm nữa tôi có lấy được tiền không hay là đến 74 năm? Khi mua BH lúc 34 tuổi, mình có điên không mà mua BH phải đóng 74 năm? Con số 74 năm của tôi và 42 năm của con trai khi tôi hỏi thì phía công ty BH ậm ờ không biết trả lời nên tôi cũng chưa hiểu rõ vì không rành thuật ngữ bên BH", Ngọc Lan chia sẻ.
Luật sư khuyến cáo: Cần làm gì trước khi đặt bút ký hợp đồng bảo hiểm?
Nhân trường hợp của diễn viên Ngọc Lan, chị A.H (ngụ Q.8, TP.HCM) cũng lên trang cá nhân chia sẻ về HĐ BH của chồng với Công ty M. Chị A.H cho biết do cả nể NVTV BH là người quen nên chồng chị mua một HĐ BH và anh cũng khẳng định rõ chỉ tham gia tối đa 15 năm với số tiền mỗi năm phải đóng là 50 triệu đồng. Thậm chí, người tư vấn BH ở tận Nghệ An nên thay mặt khách hàng ký sẵn luôn HĐ và sau khi chuyển tiền, chồng chị mới nhận được HĐ chính thức. Lúc đó, chị tá hỏa khi thấy ngày cấp HĐ là năm 2018 và ngày đáo hạn đến tận năm 2071, tương ứng thời hạn HĐ là 53 năm.
Điều này tương đương đến lúc chồng chị tròn 100 tuổi mới đáo hạn HĐ? Chị A.H bức xúc: "Lúc mua chồng em đã 46 tuổi, nên em thật sự không hiểu HĐ để đáo hạn đến lúc 100 tuổi là sao? Trong khi phần tiền được hoàn lại nếu đóng sau 10 năm với tổng số tiền 500 triệu đồng thì chỉ được hoàn lại hơn 261 triệu; sau 15 năm với tổng số tiền 750 triệu đồng thì cũng chỉ nhận được 434 triệu. Còn khi duy trì đến khi chồng em 76 tuổi thì giá trị tiền là 0 đồng? Thật sự là không hiểu được khúc này".
Trước đó, chị T.T.Nhi đã phản ánh đến Báo Thanh Niên về HĐ BH của mình khi mua có thời hạn 10 năm với số tiền phải đóng tổng cộng lên gần 606 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó chị phát hiện là theo HĐ, hết thời gian 10 năm nếu tất toán, số tiền nhận được lại cũng chỉ là 520 triệu đồng, tương đương khoảng 85% số tiền đã đóng. Nếu muốn nhận lại toàn bộ số tiền đã đóng cộng với bảo tức (tiền lãi) được tích lũy thì chị T.T.Nhi phải đợi thêm 5 năm sau đó, lên tổng cộng 15 năm. Bản thân chị T.T.Nhi nhấn mạnh mình chưa hề nghe nhắc đến giá trị hoàn lại như vậy và luôn nghĩ rằng HĐ ký thời hạn 10 năm thì đúng 10 năm sau đó chị sẽ nhận lại được toàn bộ số tiền đã đóng cộng với tiền lãi. Chỉ sau khi làm việc lại với công ty BH thì mới được tư vấn việc phải chờ đến 15 năm là do khách hàng "chỉ đóng phí 10 năm nhưng thời gian được BH lên 15 năm!?".
Xem nhanh 20h ngày 10.4: Cha con ông chủ Tân Hiệp Phát bị bắt | Vén màn hợp đồng bảo hiểm
Tư vấn mập mờ, bỏ lơ các điều khoản mất tiền
Diễn viên Ngọc Lan chia sẻ người tư vấn đánh trúng vào tâm lý mẹ đơn thân của cô thường lo lắng, lỡ có điều gì không may xảy ra thì con còn nhỏ ai nuôi? Người tư vấn BH nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng sau 10 năm, cô sẽ nhận lại được gần 10 tỉ đồng và nếu nữ diễn viên không may xảy ra rủi ro thì con trai được nhận tiền bồi thường lên đến 15 tỉ đồng. Chính vì nghe đến con số được bồi thường 15 tỉ đồng nên cô đã mua luôn cùng lúc 2 gói BH. Đáng nói, người tư vấn cho nữ diễn viên Ngọc Lan không hề đề cập các sản phẩm phụ là BH sức khỏe hay giá trị hoàn lại theo từng năm của HĐ. "Cái tôi bức xúc ở đây là tư vấn viên dụ dỗ mình để ký HĐ và mình không đọc HĐ nên con số sau 10 năm rút ra không đúng con số thỏa thuận. Phía công ty cũng không chăm sóc khách hàng và bảo đây là quy định công ty", cô chia sẻ.
Tương tự, chị A.H cũng cho rằng chồng mình cũng bị tư vấn BH "dụ" vì không hề được nghe rõ về thông tin sản phẩm phụ đi kèm, về số tiền thật sự được hoàn lại theo thời gian đóng BH. Người tư vấn trước sau hầu như chỉ lặp đi lặp lại rằng đóng tổng cộng 500 triệu sau 10 năm nhưng trong lúc đó nếu lỡ có gì rủi ro cho người chồng thì vợ con sẽ nhận được bồi thường đến 2 tỉ đồng.
"Nếu chồng em nghe được số tiền hoàn lại sau 10 năm hay 15 năm quá thấp như vậy thì chắc chắn anh ấy sẽ không đồng ý mua BH đâu. Bởi tụi em vẫn tính toán được mua BHNT sau thời gian nếu nhận lại đủ tiền gốc và lãi thì cũng thấp hơn nếu gửi tiền vào ngân hàng (NH). Còn ở đây sau 10 năm mà số tiền nhận được chỉ có một nửa thì ai dám mua BH? Người tư vấn cũng không cho xem trước HĐ mà chỉ đưa khi ký chính thức luôn. Bởi vậy nên giờ em có ác cảm với người tư vấn BH là có lý do", chị A.H nói.
Còn theo chị T.T.Nhi, sau khi đã mua BH thì phát hiện NVTV đã lờ đi giá trị hoàn lại mà chỉ nhấn mạnh vào việc sau 24 tháng đầu tiên có thể tất toán trước hạn. Một HĐ BHNT dày gần 100 trang, dày đặc nhiều thuật ngữ chuyên ngành mà chị và rất nhiều người dù đã đặt bút ký nhưng có khi không đọc hết và cũng không hiểu được. Đặc biệt, bảng minh họa quyền lợi của sản phẩm lại nằm ở những trang cuối cùng của HĐ nên ít ai chú ý nếu không có người nhắc nhở.
Một nhân viên đã từng làm tư vấn BH chia sẻ: khi tham gia các khóa học của công ty BHNT, thường người đào tạo sẽ chỉ "chiêu" rằng nhân viên không nên nói với khách hàng khi thanh lý HĐ trước hạn sẽ mất bao nhiêu tiền mà chỉ nhấn mạnh vào những lợi ích có được. Chính vì vậy nếu tư vấn là người quen, họ hàng thì thường người mua BH cũng không hề biết họ phải đóng tiền bao nhiêu năm mới bắt đầu có thể nhận lại được phần nào số tiền đó…
Giáo sư, tiến sĩ đọc chưa chắc hiểu được HĐ BH ?
TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, thừa nhận bản thân ông đã mua, đọc HĐ BHNT và thấy quá phức tạp. Các điều khoản ràng buộc lẫn nhau. Đến khi đụng chuyện, mở HĐ ra thì "té ngửa" vì HĐ quá dài, đọc quá rối. Vì vậy, khách hàng thường không đủ kiên nhẫn để đọc nên sau khi trao đổi với NVTV những điều khoản chính như thời gian tham gia, giá trị HĐ, những quyền lợi… rồi lật trang cuối ký và "bút sa gà chết".
Đối với người tư vấn BH, sau những HĐ được ký kết thành công, họ sẽ nhận được hoa hồng mà tỷ lệ này rất cao nên đôi khi thông tin đưa ra có sự sai lệch với HĐ. Hơn nữa, trách nhiệm giữa người tư vấn và công ty cũng lỏng lẻo, có nhiều người chỉ là cộng tác viên nên công ty không chịu trách nhiệm quản lý. "Rất tiếc một số điều khoản trong HĐ không bảo vệ khách hàng. HĐ BHNT còn phức tạp hơn cả HĐ kinh tế. Nhiều công ty BH lấy mẫu HĐ quốc tế nên dùng những từ ngữ khó hiểu, chung chung khiến người dân đọc cảm thấy rối. Cần phải tiến đến HĐ BH làm sao bảo vệ được khách hàng, nội dung rõ ràng, ngắn gọn, thông tin đầy đủ. Đặc biệt là không cài cắm những điều khoản này kia để vô hiệu ngay trong một HĐ", TS Tú nhấn mạnh.
Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, cũng nhận định HĐ BHNT có độ phức tạp cao, chỉ có thể hiểu được 70% HĐ là nhiều. HĐ gần 100 trang nhưng nhiều khi dân tài chính, giáo sư, tiến sĩ đọc chưa chắc hiểu được hết. Chỉ cần một từ "lắt léo" trong HĐ đến khi xảy ra tranh chấp ở tòa thì khách hàng cũng thua. Trong khi họ thường không đọc, không hiểu hết các điều khoản trong HĐ mà chỉ nghe tư vấn là ký.
"Người mua yếu thế, do không nắm thông tin, chuyên môn nên dù sao lỗi cũng ít hơn. Còn các công ty, NH là những đơn vị chuyên môn, khi khách hàng ký vào HĐ mà họ soạn sẵn, đặc biệt ký những HĐ có giá trị lớn thì cũng cần kiểm tra lại lần nữa xem khách hàng đã được tư vấn đúng chưa. Thông thường khách hàng chỉ nhận được tư vấn một phần sự thật, những điều tốt đẹp thì chỉ ra, còn xấu thì nói ít hoặc không đề cập. Nếu như khách hàng nắm được tất cả thông tin mà vẫn quyết định mua thì mới ổn, còn không họ sẽ cảm thấy như bị lừa", ông Đức nói.
Từ đó, luật sư Trương Thanh Đức kiến nghị: HĐ BHNT dù có chuyên ngành thế nào đi nữa thì cũng phải có những phần tóm tắt chính để người mua có thể đọc hiểu, đừng đẩy khó cho người mua. Một bên là công ty BH chuyên nghiệp, một bên khách hàng là người không chuyên nghiệp thì HĐ càng phải thể hiện rõ ràng càng tốt. Còn đối với khách hàng, vì lý do gì đó không đọc được ngay thì còn thời gian khoảng 20 ngày sau đó xem lại, hoặc nhờ luật sư xem lại những điều khoản trong HĐ. Thực tế những năm qua, có nhiều vụ tranh chấp HĐ BH xảy ra nên khi tham gia, khách hàng cần có những kiến thức nhất định để tránh đưa mình vào cảm giác "bị lừa". Những vụ việc này khiến niềm tin của khách hàng vào BH thêm giảm sút. Đó là chưa kể gần đây, tình trạng mua BH không tình nguyện xảy ra gây bức xúc trong xã hội...
Gần 400 phản ánh về tình trạng nhân viên ngân hàng "ép" mua bảo hiểm
Hoạt động phân phối sản phẩm BHNT qua NH phát triển nhanh chóng, chiếm khoảng 20% tổng doanh thu phí BH của thị trường này. Thực tế, đã có nhiều phản ánh khách hàng bị nhân viên NH "ép" mua BH khi đến vay tiền. Sau hơn 1 tháng Bộ Tài chính công bố đường dây nóng (tính đến cuối tháng 3), Bộ đã tiếp nhận 178 cuộc điện thoại và 218 email của công dân phản ánh về tình trạng này. Mới đây, Bộ Tài chính công bố đã thanh tra 4 doanh nghiệp phân phối BH qua NH và phát hiện các sai phạm. Sau khi hoàn thành kết luận thanh tra, kiểm tra, sẽ công bố rộng rãi theo quy định. Bộ Tài chính và NH Nhà nước đang phối hợp xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các NH thương mại và doanh nghiệp BH trong việc hợp tác bán sản phẩm BH qua NH. Đồng thời, thực hiện thanh tra đối với cả NH thương mại và doanh nghiệp BH để đảm bảo đồng bộ, xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có), đảm bảo lợi ích của người tham gia BH.
BHNT không cho ai cái gì không cả
Một yếu tố khác đánh vào tâm lý khách hàng chọn mua gói BH giá trị cao, đó là mức sinh lời khi tham gia. Vì vậy người mua cần tỉnh táo chỗ này. Nếu trong trường hợp xảy ra bồi thường, số tiền có thể nhận được gấp đôi nhưng có bao nhiêu trường hợp được như vậy? Còn nếu tính theo lãi sinh lời hằng năm thì chỉ bằng một nửa lãi suất trong NH. BHNT không cho ai cái gì không cả, đây là hình thức nhận tiền của người tham gia BH rồi mang kinh doanh, chi trả bồi thường cho khách hàng, dùng tiền của người may mắn hỗ trợ cho người bất hạnh. Hơn nữa, việc công ty BH này sáp nhập, bán cho công ty khác, vậy HĐ mà công ty BH ký với khách hàng có điều khoản nào quy định điều này là đương nhiên hay không. Trong trường hợp khách hàng không đồng ý thì giải quyết như thế nào?
TS Nguyễn Ngọc Tú, Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội
Hợp đồng bảo hiểm cũng cần nhân văn
BH mang tính nhân văn cao, giúp hỗ trợ những lúc khó khăn, đau ốm hay người tham gia qua đời thì gia đình nhận được một khoản bồi thường. Thế nên trong HĐ cũng cần nhân văn khi khách hàng gặp phải hoàn cảnh khó khăn, không tiếp tục theo quá trình dài với phí tham gia cao được thì cũng nên giải quyết trả lại tiền gốc cho khách. Như vậy thì khách hàng mới có thể đặt niềm tin tham gia BH được.
LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI
Bình luận (0)