Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo giải pháp phòng chống tín dụng đen trong công nhân lao động do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức sáng nay (23.2).
Theo Tổ chức Tài chính vi mô CEP (thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM), tín dụng đen tồn tại khắp nơi và người dân, nhất là lao động có thu nhập thấp dễ bị "dính" vào vì hạn chế hoặc không đủ điều kiện tiếp cận dịch vụ tài chính chính thức, cần tiền nhanh nhưng không có tiết kiệm dự phòng.
Trong khi đó, bối cảnh dịch Covid-19, người lao động bị mất việc, giảm thu nhập, khiến nhu cầu vay tiền tăng. Đồng thời, công nghệ phát triển đã tạo điều kiện để tín dụng đen tiếp cận người vay nhanh hơn thông qua các app cho vay trực tuyến với lãi suất rất cao, thậm chí tới 800%/năm.
Bán nhà vì vay nặng lãi
Bẫy tín dụng đen gây biết bao hệ lụy cho đời sống người lao động. Như gia đình chị N.O, công nhân ở Khu công nghiệp Hiệp Phước (H.Nhà Bè) đã phải bán nhà vì rơi vào vòng xoáy lãi nặng.
Kể tại hội thảo, chị N.O nói mấy năm trước ba chị bị tai nạn bất ngờ. Cần tiền điều trị, gia đình đi vay nóng gần 200 triệu đồng, chị bấm bụng trả lãi tới 45%/tháng.
Sau đó, "lãi mẹ đẻ lãi con", số tiền nợ từ 200 triệu đồng thành ra tiền tỉ nên gia đình phải bán căn nhà ở H.Nhà Bè để trả nợ. Còn 2 vợ chồng chị N.O gửi con về quê và xin vào khu lưu trú Khu công nghiệp Hiệp Phước ở.
Tín dụng đen "bức tử" các cột điện, bờ tường tại TP.HCM
Hay trường hợp của anh H. ở Khu chế xuất Tân Thuận (Q.7) vay 25 triệu đồng để có tiền cho ba chữa bệnh. Nhưng khoản lãi phải trả tới 5 triệu đồng/tháng (lãi suất 20%/tháng).
Nghĩ sẽ trả hết nợ sớm nhưng dịch Covid-19 kéo dài, thu nhập giảm, trong khi đó số nợ đội lên tới 100 triệu đồng.
Không chỉ vậy, dù không liên can nhưng nhiều lãnh đạo, đồng nghiệp của người lao động vay nợ cũng bị khủng bố bởi các cá nhân, băng nhóm tín dụng đen. Họ và gia đình bị bêu riếu trên mạng xã hội, xúc phạm danh dự, thậm chí bị đe dọa đến tính mạng.
Giải pháp tiên quyết: giúp lao động tiếp cận khoản vay tín dụng an toàn
Ông Nguyễn Tấn Đạt, Phó tổng giám đốc Tổ chức Tài chính vi mô CEP, cho biết "tín dụng đen" không chỉ bén rễ trong khu dân cư, bức tử các cột điện, bờ tường khắp thành phố, mà còn hoạt động rầm rộ trên internet.
Thống kê cho thấy hiện nay có trên 72 ứng dụng (app) cho vay trực tuyến, trong đó nhiều app cho vay với lãi suất rất cao đã bị công an triệt phá như Cashwagon, Vaytocdo, Moreloan, Vdonline, Oneclickmoney, tubevay, ccvay, kkvay, skyvay...
Theo khảo sát của Tổ chức Tài chính vi mô CEP hồi tháng 6.2022, có 91% nhận biết được thế nào là "tín dụng đen", 90% nhận biết được những tác động tiêu cực do "tín dụng đen" gây ra và 56% công nhân lao động vay "tín dụng đen" từng bị đe dọa, hành hung.
Trên thực tế, giải pháp phòng chống tín dụng đen bằng cách giúp công nhân lao động tiếp cận khoản vay tín dụng an toàn là mong muốn của người lao động và cũng là hiến kế của giới chuyên gia.
Thế nào là "tín dụng đen"?
Theo Chỉ thị 12/2019 của Thủ tướng chính phủ, "tín dụng đen" là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với các hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.
Chủ nợ thường thuê các băng nhóm tội phạm, đối tượng có tiền án, tiền sự sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm có thể thực hiện các tội phạm xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tổn hại về tinh thần và chiếm đoạt, hủy hoại tài sản của người đi vay, gây lo lắng, bức xúc trong nhân dân.
Theo quy định của bộ luật Dân sự, mức lãi suất cho vay trong giao dịch dân sự không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Theo quy định của bộ luật Hình sự, cá nhân hoặc tổ chức phạm tội cho vay nặng lãi nếu lãi suất cho vay gấp từ 5 lần mức lãi suất 20%/năm trở lên.
Bình luận (0)