Người nhà phát hiện, vớt trẻ lên, xốc nước và đưa trẻ đến bệnh viện địa phương trong tình trạng hôn mê, tím tái, thở yếu... Các bác sĩ tại bệnh viện địa phương đã đặt nội khí quản giúp bé thở, chống co giật, sau đó chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, cho biết: Bé được chuyển lên bệnh viện cấp cứu ngày 20.5 với chẩn đoán ngạt nước do té ao.
Khi tiếp nhận bé trong tình trạng hôn mê, tím tái, co gồng từng cơn, X-quang ngực cho thấy phổi trẻ tổn thương nặng lan tỏa 2 phế trường.
Các bác sĩ cho thở máy thông số thích hợp, chống co giật, chống phù não, điều chỉnh nước điện giải, kiềm toan và cho kháng sinh phổ rộng điều trị viêm phổi hít.
Hiện tình trạng bé còn nặng, được chuyển khoa Hồi sức tích cực để tiếp tục điều trị.
Qua trường hợp này, bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh sơ cứu trẻ ngạt nước ngưng thở, ngưng tim tại hiện trường, bằng cách ấn tim vùng nửa dưới xương ức xen kẽ thổi ngạt theo tỷ lệ 30:2. Nếu có người hỗ trợ thì ấn tim, thổi ngạt theo tỷ lệ 15:2.
“Các biện pháp dân gian như xốc nước, lăn lu, ấn bụng,…đều không có tác dụng gì mà còn trì hoãn quá trình cấp cứu ngưng thở, ngưng tim, dẫn đến tử vong hoặc cứu sống được trẻ nhưng để lại di chứng não nặng nề về sau”, bác sĩ Tiến lưu ý.
Ngoài ra, đuối nước cũng là một trong những tai nạn thương tâm thường gặp trong mùa hè. Do đó, quý phụ huynh cần hết sức lưu ý khi chăm sóc, trông giữ trẻ trong mùa hè, dạy trẻ học bơi để phòng đuối nước và nắm rõ các kỹ thuật sơ cứu đuối nước, ngạt nước.
Bình luận (0)