Cơ sở pháp lý bị “biến tướng”
Trong Thông báo số 42/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 3.3.2011 đã nêu ý kiến của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân với nội dung: “Giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cho phép các đơn vị sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch được sử dụng cơ sở vật chất, quỹ đất của mình thực hiện liên doanh, liên kết nhằm huy động nguồn vốn từ các tổ chức cá nhân nhằm phát triển văn hóa, thể thao và du lịch và trước mắt cho thí điểm kêu gọi đầu tư vào Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình”.
Đến tháng 9.2011, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí đã ký công văn gửi Bộ VH-TT-DL nói rõ: “Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được sử dụng tài sản nhà nước để liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trong các trường hợp sau: tài sản chưa sử dụng hết công suất, tài sản được đầu tư xây dựng để phục vụ hoạt động liên doanh, liên kết theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, việc sử dụng tài sản nhà nước để liên doanh, liên kết đem lại hiệu quả cao hơn trong việc cung cấp dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
|
Bộ Tài chính yêu cầu khu liên hợp khi khai thác cơ sở vật chất phải phù hợp với quy hoạch được duyệt và chức năng nhiệm vụ của khu liên hợp, không làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Phần diện tích thực hiện liên doanh liên kết phải nộp tiền thuê đất theo quy định.
Cơ sở pháp lý rõ ràng như vậy nhưng lãnh đạo khu liên hợp lại “hô biến” đem mặt bằng cho thuê tràn lan, kinh doanh nhiều hoạt động không phải vì sự nghiệp phát triển TDTT. Trong đó, nhiều đơn vị thuê đất làm cơ sở bán bia, nhà hàng quán nhậu, massage, bãi đậu xe… gây chướng mắt dư luận.
|
Biết là đất dự án mà khu liên hợp vẫn mạo hiểm ký hợp đồng với doanh nghiệp (DN) và hậu quả là khi Bộ VH-TT-DL có lệnh thu hồi mặt bằng, các DN bị rơi vào tình trạng khóc dở mếu dở. Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Tổng cục TDTT ngày 27.9 vừa qua, đại diện DN An Phú Thành cho hay: “Trong vài tháng qua, chúng tôi rất đau đầu vì thiệt hại quá lớn nếu phải di dời và phải giải tỏa. DN xin được giãn thời gian, để tìm kiếm mặt bằng”.
DN H.Paco nói: “Chúng tôi thiệt hại hàng tỉ đồng mỗi lần thu hồi. Trong khi các DN đều vay vốn ngân hàng để đầu tư. Giờ nếu trả lại ngay mặt bằng, thậm chí không đủ trả tiền ngân hàng. Sóng gió tại khu liên hợp quá nhiều, dẫn đến hậu quả vô cùng lớn. Nên chăng thành lập ban quản lý dự án tại khu liên hợp, dựa trên luật cho phép để di dời theo giai đoạn”.
Đơn vị quản lý trực tiếp khu liên hợp là Tổng cục TDTT cũng chưa thể đưa ra cách giải quyết tốt nhất. Việc thu hồi mặt bằng khó có thể tiến hành đúng hạn là ngày 30.9 mà đang có dấu hiệu của sự bế tắc.
|
|
|
Bình luận (0)