Bé chảy máu cam

24/04/2011 12:20 GMT+7

(TNTS) Phụ huynh thường hoảng hốt khi thấy con bị chảy máu cam, tuy nhiên nếu hiểu rõ nguyên nhân, cách xử trí sẽ rất dễ dàng.

Viêm nhiễm là chủ yếu

Bé Nam 5 tuổi, tính tình rất hiếu động, nhưng thỉnh thoảng lại chảy máu cam ở trường khiến mẹ lo lắng. Mỗi lần như thế mẹ thường cho Nam uống nhiều nước cam vì nghĩ bé bị nóng trong người. Tuy nhiên, bé vẫn chảy máu cam trong khi ngủ, sáng ra chiếc gối dính đầy "sản phẩm". Đưa Nam đi khám thì bác sĩ bảo bình thường vì chảy máu cam không phải là bệnh, nên mẹ bé phải tìm hiểu kỹ để tránh lo lắng.

 

Theo y văn, hiện tượng chảy máu cam xảy ra rất phổ biến trên thế giới, chủ yếu ở bé trai, có một số trường hợp khi trưởng thành sẽ hết.

Cách xử trí: Cho bé chúi đầu về phía trước, dùng hai ngón tay giữ chặt mũi trong vòng 10 phút và cho bé thở nhẹ nhàng bằng miệng. Chườm khăn lạnh hoặc đá cục cũng giúp cầm máu nhanh chóng. Tránh cho bé nằm ngửa như một số phụ huynh vẫn làm, điều này chỉ khiến máu chảy ngược xuống họng và khó cầm.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê (nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Hạnh Phúc) cho biết: chảy máu cam được coi là hiện tượng bởi chỉ có số ít trường hợp chảy máu cam do bệnh lý. Có nhiều nguyên nhân khiến bé chảy máu cam, trong đó chủ yếu là do thời tiết thay đổi, các bé sức đề kháng yếu nên bị cảm sốt siêu vi dẫn tới viêm hô hấp trên, mũi bị viêm nhiễm gây chảy máu. Còn những trường hợp bị chảy máu khi ngủ chỉ là do các bé bị ngứa mũi nên dùng tay ngoáy, nếu phụ huynh quan sát ngón tay bé sẽ phát hiện ra "thủ phạm".

Môi trường máy lạnh cũng là một tác nhân, do không khí khô dẫn tới tổn thương mạch máu gây chảy máu cam. Một số trường hợp ngồi trong máy bay trên mười giờ cũng bị hiện tượng này do tác động của áp suất không khí. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như bé chạy nhảy nhiều bị té, chấn thương do va chạm hoặc do dị vật (nhận biết dị vật trong mũi bé bằng cách quan sát thấy một bên mũi có chảy mủ vàng hoặc sưng tấy).

Ở góc độ bệnh lý, chảy máu cam có thể là dấu hiệu của bệnh rối loạn đông máu (dấu hiệu nhận biết là sau khi bị xây xát hoặc va chạm mạnh, trên da bé xuất hiện nhiều vết bầm hoặc đỏ và lâu lành); hoặc do cao huyết áp làm cho mạch máu bị bể khiến máu chảy ra liên tục không cầm. Một nguyên nhân nữa là cấu tạo mũi bất thường bẩm sinh như vẹo vách ngăn, u (u lành hoặc ác tính - nhưng rất hiếm gặp và chỉ xảy ra ở bé trai tuổi dậy thì).

Không nên xem thường

Nếu lâu lâu bé bị chảy máu cam do viêm hô hấp trên thì phụ huynh không nên quá lo lắng, chỉ xử trí cho máu cầm rồi cho bé nghỉ ngơi, ăn nhiều trái cây có vitamin C để tăng sức đề kháng. Phòng bệnh bằng cách, khoảng vài tuần (hoặc khi môi trường có quá nhiều bụi) dùng nước biển khô hoặc nước muối sinh lý nhỏ mũi cho bé nhưng không nên lạm dụng bởi các dung dịch này có thể làm tổn thương niêm mạc - bác sĩ Hạnh Lê nhấn mạnh.

Trong trường hợp bé chảy máu cam thường xuyên hoặc chảy nhiều không cầm, phụ huynh cần nghĩ tới yếu tố bệnh lý. Trong đó, bệnh u xơ vòm họng tuy hiếm gặp nhưng cũng là bệnh lý rất nguy hiểm do y học chưa tìm ra nguyên nhân, buộc phải phẫu thuật can thiệp. Những trường hợp khác, phụ huynh nên cho bé kiểm tra tổng quát để xem mũi bé có cấu tạo bất thường không, xét nghiệm máu xem bé có nguy cơ rối loạn đông máu không...

Du Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.