Bẻ khớp ngón tay cho đỡ hồi hộp căng thẳng, nhưng...

20/06/2023 11:31 GMT+7

Mỗi khi rơi vào trạng thái hồi hộp, nhiều người trẻ có thói quen bẻ khớp ngón tay. Ngoài việc tạo ra những tiếng "rắc, rắc" vui tai thì chưa có cơ sở khoa học chứng minh hành động ấy sẽ giúp thoát ra khỏi tình trạng căng thẳng. Nhưng hệ lụy đến sức khỏe thì có.

Người trẻ bẻ khớp ngón tay cho đỡ hồi hộp căng thẳng, nhưng mà...  - Ảnh 1.

Bẻ khớp ngón tay là thói quen của nhiều người trẻ. Họ cho rằng hành động này có thể giúp vơi đi stress, mệt mỏi...

PHONG LINH

Hấp lực vô hình

Có những người trẻ hễ mỗi khi cảm thấy các ngón tay tê cứng hay đang rơi vào trạng thái căng thẳng, hoặc chỉ đơn giản đang rảnh rỗi là thường bẻ khớp ngón tay.

"Mình bẻ khớp ngón tay rất nhiều", Đặng Thị Bảo Yến, sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết.

Không riêng gì nữ sinh này, bẻ khớp ngón tay chính là thói quen của nhiều người trẻ. Họ có thể bẻ khớp ngón tay mọi lúc, mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Đang trong giờ học, đang trong giờ họp, đang ngồi cà phê với bạn bè... cũng đều có thể bấm từng đốt tay tạo nên tiếng kêu "rắc, rắc".

"Mình thấy việc bẻ khớp ngón tay như là cách để tạo sự thoải mái cho bản thân, giúp thoát ra khỏi cảnh ngột ngạt, bí bách. Cứ mỗi lần cảm thấy căng thẳng là mình lại có hành động ấy", Vũ Quỳnh Như (25 tuổi), ngụ tại 1405/24 Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết.

Nhiều người trẻ khi được hỏi cũng dành nhiều nhận xét tích cực cho việc bẻ khớp ngón tay. Nguyễn Trương Quỳnh Trang (27 tuổi, nhà ở 125 Phan Xích Long, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) cho rằng: "Đó là cách giúp thả lỏng khi phải làm việc mệt mỏi". Còn Vũ Hoàng Tiến (27 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH Xây dựng nhà đẹp, TP.Thủ Đức (TP.HCM) nhận định: "Bẻ khớp tay tạo nên cảm giác khoan khoái".

Tương tự, Nguyễn Trần Tuấn Anh, sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, thì nói: "Mỗi lần bẻ khớp ngón tay tạo nên âm thanh khá vui vui. Bên cạnh đó, với mình thì còn giúp "giãn gân giãn cốt", vơi bớt đi sự hồi hộp, tạo nên sự thoải mái hơn".

Và chính vì những lý do đó đã tạo nên một hấp lực vô hình, khiến nhiều người trẻ mải miết bẻ khớp ngón tay.

Người trẻ bẻ khớp ngón tay cho đỡ hồi hộp căng thẳng, nhưng mà...  - Ảnh 2.

Nếu bẻ khớp ngón tay thường xuyên, trong thời gian dài, có thể để lại những hệ lụy ảnh hưởng đến sức khỏe

PHONG LINH

Ảnh hưởng sức khỏe

Theo bác sĩ Hồ Thanh Dũng, Bệnh viện chuyên khoa ngoại thần kinh Quốc tế TP.HCM, bản thân ông cũng đã từng có thời gian có thói quen bẻ khớp ngón tay, từ cả bàn, cho đến từng ngón, từng đốt...

"Tôi cũng từng nghĩ rằng hành động ấy tác động tích cực, giúp xua đi tâm trạng bồn chồn... Thế nhưng hiện nay chưa có tài liệu hay cơ sở khoa học nào chứng minh điều đó", bác sĩ Dũng nói.

Ngược lại, bác sĩ Dũng cho rằng nếu hành động bẻ khớp ngón tay diễn ra xuyên suốt một thời gian dài có thể để lại những hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người có thói quen này.

"Tác động lực để bẻ khớp ngón tay khác với các co giãn linh hoạt thông thường của ngón tay. Khi đó, các khớp bị co giãn đột ngột sẽ tạo ra tiếng kêu "rắc, rắc". Nếu quá ngưỡng giãn, thì hệ thống bao khớp và hệ thống dây chằng có chức năng bó và giữ vững các khớp sẽ phải chịu một tác động lớn. Điều này có thể dẫn đến việc tổn thương dây chằng, dây chằng dễ bị giãn và rách", bác sĩ Dũng nói. 

Cũng theo vị bác sĩ này, thói quen bẻ khớp ngón tay thường xuyên có thể khiến làm hao mòn mặt khớp. Và nguy cơ bị thoái hóa và viêm mặt sụn khớp là có thể xảy ra. Đến khi càng lớn tuổi thì việc bẻ khớp đẩy nhanh tốc độ thoái hóa khớp, ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm...

"Có một hệ lụy dễ thấy nhất, đó là ở một số người có thói quen bẻ khớp ngón tay thì khớp tay to lên, gây khó khăn trong việc đeo nhẫn hay khiến bàn tay thô hơn", bác sĩ Dũng cho biết thêm.

Trước những chia sẻ của người trẻ cho rằng việc bẻ khớp ngón tay là cách mà họ mặc định rằng giúp xóa tan những stress nên trở thành thói quen khó bỏ, bác sĩ Dũng nói: "Có thể huơ tay huơ chân để vận động cơ thể sau chuỗi thời gian ngồi lâu học bài, làm việ giúp máu lưu thông tốt hơn. Nhưng chỉ cần cử động khớp qua lại nhẹ nhàng, đừng để tạo ra tiếng "rắc, rắc" kẻo vô tình tự chuốc những chấn thương không đáng có".


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.