Thời gian gần đây, phong trào khởi nghiệp đã được vạch ra như một chương trình phát triển đất nước. Nhờ đó, tinh thần và vấn đề khởi nghiệp cũng trở thành đề tài thu hút sự quan tâm mạnh mẽ lẫn nỗ lực của giới trẻ. Tuy nhiên, mọi kế hoạch khởi sự kinh doanh dù lớn hay nhỏ thì đều chắc chắn cần phải có nguồn vốn. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ khởi nghiệp không chỉ thiếu vốn mà còn thiếu cả những tài sản thế chấp và khó hội tụ “thành tích kinh doanh” đủ sức “tín chấp” để có thể vay ngân hàng. Chính vì thế, để các dự án khởi nghiệp của giới trẻ thành công, giải quyết nguồn vốn là một trong các vấn đề then chốt.
Theo Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Mạnh Dũng, Ban Bí thư T.Ư Đoàn đang nghiên cứu tháo gỡ khó khăn trên theo hướng chủ trì, đề xuất Chính phủ cho lập Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Đây có thể xem là một giải pháp nền tảng, để từ đây có thể vận động nhiều thành phần trong xã hội cùng tham gia tạo vốn cho giới trẻ khởi nghiệp. Chúng ta có thể vận động các ngân hàng, quỹ đầu tư cũng như những nhà đầu tư cá nhân tham gia mở rộng nguồn vốn cho giới trẻ khởi nghiệp. Qua đó, các dự án khởi nghiệp có thể dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư nhằm biến ý tưởng thành hiện thực và vươn đến thành công. Hơn thế nữa, sự tham gia của các ngân hàng, quỹ đầu tư còn giúp các bạn trẻ hoàn thiện hơn về định hướng kinh doanh, phương thức điều hành - cũng là những phần rất quan trọng để dự án khởi nghiệp vươn đến thành công.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần học hỏi một số mô hình tiên tiến ở nhiều nước phát triển trong việc thu hút vốn cho các dự án khởi nghiệp. Điển hình như mô hình diễn đàn huy động vốn Kickstarter (Mỹ) cho các dự án kinh doanh bao gồm nhiều lĩnh vực, từ phát triển công nghệ đến văn hóa nghệ thuật. Đến với diễn đàn trên, ý tưởng sản phẩm hay dịch vụ sẽ được mô tả bài bản, kèm theo là đề xuất mức vốn kỳ vọng thu hút. Qua đó, không chỉ các quỹ đầu tư hay ngân hàng, mà mọi người đều có thể tham gia góp vốn, dù có thể chỉ là nhận lại những sản phẩm đầu tiên được hoàn thiện. Mô hình này đã chứng minh sự thành công lớn, bởi kể từ khi ra đời hồi tháng 4.2009 đến nay, Kickstarter đã huy động được 3,1 tỉ USD từ 13 triệu người, giúp đem lại đủ nguồn vốn kỳ vọng cho hơn 126.000 dự án từ thiết kế đồng hồ thông minh, chế tạo thiết bị điện tử… đến làm phim. Thông qua mô hình này, có những thương hiệu đã vươn cao bay xa. Thậm chí, như thương hiệu Pebble, chỉ sau 3 năm khởi nghiệp, đã bán hàng triệu chiếc đồng hồ thông minh, có doanh thu hàng trăm triệu USD. Nhờ đó, thương hiệu này gần đây đã được một công ty lớn mua lại với mức giá “khủng”.
Đó có thể là kinh nghiệm mà chúng ta học hỏi và vận dụng, nhằm đa dạng phương thức hình thành nguồn vốn, tạo dựng được bệ phóng cần thiết cho chương trình khởi nghiệp.
Bình luận (0)