|
Giám đốc Sở Xây dựng Bình Thuận Trần Anh Tuấn cho biết: “Theo quy định, tất cả các resort khu vực P.Hàm Tiến chỉ được xây dựng không quá 25% diện tích đất được giao. Các khách sạn cũng không được xây cao quá 15 m. UBND tỉnh Bình Thuận đã có Quyết định số 54 quy định rất chi tiết điều này”.
|
Quy định là vậy nhưng thực tế thì lại khác. Không ít khách sạn bất chấp các quy định, xây vượt chiều cao, diện tích. Có khu nghỉ dưỡng xây dựng tới 50 - 70% diện tích. Thậm chí có những khu nghỉ dưỡng chỉ còn có một lối đi nhỏ, còn lại đều là phòng nghỉ.
Các rặng dừa mất dần
Tình trạng này khiến những cây dừa hàng trăm năm tuổi dần biến mất khỏi Mũi Né, khu vực P.Hàm Tiến (TP.Phan Thiết, Bình Thuận). Thậm chí, ở những khu nghỉ dưỡng đã hoàn thiện, các khoảnh dừa hiếm hoi còn lại trong khuôn viên resort cũng bị tỉa dần để xây thêm phòng. Quá trình bê tông thay các rặng dừa đang diễn ra dường như “không gì có thể ngăn cản” được. Anh Nguyễn Lê Bằng, người dân ở KP.1, P.Hàm Tiến, xót xa: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vườn dừa chợ Rạng (gần chợ Hàm Tiến - TP.Phan Thiết), hằng ngày chứng kiến vườn dừa cứ bị chặt phá dần mà xót xa”.
Trả lời câu hỏi vì sao không giữ lại diện tích dừa, ông Trần Ngọc Thêm, chủ khu nghỉ dưỡng Hoàng Ngọc, biện minh: “Nếu tôi để lại không gian trống, thoáng đãng cho khách hưởng thụ thì ai trả tiền đó cho tôi, khi mà giá bán phòng không thể tăng. Trong khi tiền thuê đất tăng gấp nhiều lần thì không thể không tận dụng đất để xây dựng thêm phòng”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Quý, Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên Bình Thuận, bức xúc: “Ngay cả con đường xuống biển cho dân cũng không còn. Đất đã giao hết cho các nhà đầu tư. Xây dựng tràn lan không theo một quy hoạch nào cả khiến cho Mũi Né có hình ảnh rất xô bồ, xập xệ”.
|
Chính quyền chịu trách nhiệm chính
Ngoài ra, theo Chủ tịch UBND P.Hàm Tiến Nguyễn Ngọc Hải, hiện nay hai bên đường Nguyễn Đình Chiểu được Sở Xây dựng Bình Thuận cấp phép xây dựng rất nhiều ki ốt. “Đây là khu vực có rất nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp. Nếu cứ cấp phép xây dựng nhiều ki ốt thì sẽ che chắn hết mặt tiền các khu nghỉ dưỡng. Đề nghị tỉnh nên hạn chế cấp phép xây dựng như vậy nhằm giữ lại cảnh quan thơ mộng của hai bên đường”. Cũng theo ông Hải, các ki ốt đó là tác nhân khiến hình ảnh Mũi Né đang bị xơ cứng do bê tông hóa.
PGS-TS VũThanh Ca, Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ TN-MT), nhận định: “Không gian Mũi Né đang bị thu hẹp dần. Bờ biển khu vực này đang bị che khuất. Người dân cũng khó được xuống biển khi các khu nghỉ dưỡng đang bị bao kín bởi các nhà hàng khách sạn cao tầng xây tiến sát ra biển. “Nhiều nước trên thế giới cấm xây dựng sát biển để duy trì trạng thái tự nhiên. Mục đích là để tạo các công viên sinh thái ven biển. Mặt khác là để bảo vệ tính liên tục của hệ sinh thái từ dưới biển lên đến bờ. Việc này giúp ích trong bảo tồn và phát triển hệ sinh thái biển. Ngoài ra còn tạo ra vùng đệm để giảm thiểu tác hại của thiên tai biển. Ở Hạ Môn (Trung Quốc) hay Hawaii (Mỹ) trong vòng 200 m ven bờ biển người ta không có công trình xây dựng ngoài những con đường hay công viên. Còn ở ta thì xây dựng tràn lan không theo quy hoạch nào cả”, ông Ca nói.
“Việc quy hoạch lại Mũi Né là rất khó. Khi mà đất đã giao hết cho các nhà đầu tư sử dụng lâu dài. Nhằm hạn chế bê tông hóa quá nhanh, tỉnh Bình Thuận cần quản lý thật chặt việc thực hiện quy định chủ đầu tư được xây dựng bao nhiêu diện tích, phần bắt buộc dành cho không gian xanh bao nhiêu, đặc biệt là không được xây bít mặt biển”, GS Vũ Thanh Ca nhận định.
Tối kỵ bê tông Nhiều điểm đến du lịch của Thái Lan và thậm chí ngay cả Campuchia rất có ý thức giữ gìn cảnh quan thiên nhiên. Họ không chỉ tối kỵ bê tông mà còn không cho tác động vào thiên nhiên. Làm du lịch phải chú ý đến giá trị bền vững. Không chỉ riêng Mũi Né, nhiều điểm du lịch của VN ta đang bị tàn phá bởi bê tông hóa quá nhanh. Đây là một cảnh báo cấp thiết cho các điểm du lịch. Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty du lịch Lửa Việt |
Quế Hà
>> Nuôi cá bè trái phép trên vịnh Mũi Né
>> Xử lý biển hiệu tiếng nước ngoài ở Mũi Né
>> Một cửa hàng ở Mũi Né từ chối khách Việt
>> Nhớ Mũi Né xưa
>> Xây dựng bát nháo ở Mũi Né
Bình luận (0)