Bé trai Nguyễn Hữu T. 12 tháng tuổi (ở Ninh Bình) được đưa đến Bệnh viện Nhi trung ương với chiếc kim khâu dài đâm sâu vào khớp gối và tiếp tục di chuyển trong ổ khớp gây khó khăn cho lấy dị vật.
Chiếc kim dài đâm sâu trong khớp bé trai-Ảnh: Bệnh viện Nhi trung ương cung cấp |
Mẹ của bé T. kể lại, sáng 18.4, trong lúc ngồi chơi ở nhà hàng xóm, cháu T. bỗng khóc toáng lên. “Khi tôi chạy ra thì phát hiện chiếc kim dài đâm khá sâu vào đầu gối của cháu . Dù cố gắng rút ra nhưng chiếc kim vẫn cắm ngập bên trong khớp gối nên vội đưa con đến Bệnh viện Nhi Trung ương, Hà Nội” người mẹ cho biết.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Anh, Khoa Chỉnh hình Nhi, người trực tiếp phẫu thuật cho bé T. cho biết: “Đây là trường hợp khó do đoạn kim nằm trong khớp dễ bị di chuyển đến vị trí khác”.
Đúng như nhận định, khi mở bao khớp gối của trẻ thì không thấy đoạn kim nào. Với sự hỗ trợ của máy X-quang tăng sáng, định vị dị vật, các bác sĩ phát hiện đoạn kim đã găm vào xương bánh chè của cháu. Sau hơn 1 giờ đồng hồ, dị vật được lấy ra khỏi cơ thể trẻ, là chiếc kim khâu chiều dài chừng 3cm. Đến chiều nay, cháu T. đang được các bác sĩ chăm sóc và theo dõi.
Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo: "Kim khâu là vật dụng rất nhọn nên có thể đi vào cơ thể qua da rất nhẹ nhàng, không gây đau đớn nhiều. Tuy nhiên, khi vào cơ thể thì kim có thể di chuyển đến rất nhiều cơ quan khác nhau như cơ, khớp, phổi thậm chí chạy vào tim. Vì vậy, người lớn cần cẩn thận, tránh để rơi rớt kim ra sàn, chăn, chiếu; cần hướng dẫn các trẻ lớn cất kim gọn gàng sau khi sử dụng tránh gây nguy hiểm cho em nhỏ.
Các bác sĩ cho biết thêm, trong khoảng 1 tháng trở lại đây, Bệnh viện Nhi Trung ương liên tục tiếp nhận các trường hợp tai nạn sinh hoạt như: uống nhầm thuốc nhỏ mũi, dị vật đâm vào mũi; trẻ 6 tháng tuổi gãy xương hàm mặt do sự cố xe tập đi. Các tai nạn gặp ở trẻ 6 tháng đến 3 tuổi. Nguyên nhân gây tai nạn cho trẻ hầu hết do bất cẩn của người lớn khi trông nom, chăm sóc các em.
Bình luận (0)