Những món ăn ngon mắt nếu không chú ý về “liều lượng” có thể tổn hại đến sức khỏe; những đồ chơi đẹp nếu không lưu ý khi sử dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ con.
Người suy thận không thích hợp dùng nhiều hoa quả sấy, ô mai, chuối... - Ảnh: Hạ Huy |
Tăng lượng kali trong máu
Sau cả năm kiêng khem, những người mang bệnh mãn tính cũng thường tự thưởng cho mình bữa ăn “phá cách” hơn, tuy nhiên việc này có thể gây nguy hiểm.
“Sự cố mà chúng tôi thường thấy trong ngày tết là người chạy thận nhân tạo phải cấp cứu do bị tăng kali máu, nguyên nhân đến từ những món ăn rất quen thuộc”, TS-BS Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết. Theo chuyên gia, trong cơ thể, kali có vai trò tạo phản ứng co cơ - bao gồm cả hoạt động, co bóp của cơ tim nhưng chất này chỉ tồn tại ở một ngưỡng phù hợp trong máu, nếu cao quá mức sẽ gây ngưng tim.
Ở bệnh nhân suy thận mãn, thận mất khả năng lọc và bệnh nhân vô niệu (không có nước tiểu), nên không thể đào thải kali qua nước tiểu khi chất này cao quá nhu cầu của cơ thể. Thời tiết dịp Tết Nguyên đán, miền Bắc thường rét, lạnh nên hầu như cơ thể không ra mồ hôi, do đó không thể đào thải kali qua mồ hôi. Các yếu tố trên khiến kali trong máu dễ dàng tăng cao.
“Mặc dù đã được dặn kỹ về chế độ ăn, nhưng do kali có trong các thực phẩm vốn rất “lành” như chuối tiêu và đặc biệt là các quả sấy khô (nho, ô mai...) nên nhiều người vẫn sử dụng nhiều hơn khuyến cáo, khiến lượng kali nạp vào quá cao so với khả năng thải lọc của cơ thể”, TS-BS Nguyễn Hữu Dũng lo ngại. “Chỉ với 7 - 10 quả nho khô hay các loại quả sấy thì bệnh nhân chạy thận nhân tạo đã có nguy cơ ngưng tim do kali máu tăng vọt, phải cấp cứu và cần được xử trí rất nhanh chóng”, TS-BS Dũng lưu ý.
Chuyên gia cũng chia sẻ thêm, nhiều bệnh nhân thường đun nước từ một số cây, lá khô để giải nhiệt, “mát thận” trong những ngày tết; và “tăng liều” thực phẩm đạm, mỡ. Nhưng việc này hoàn toàn không nên, bởi hàm lượng kali rất cao trong cây lá khô, nước uống đó thực sự nguy hiểm cho người suy thận.
Chấn thương mắt
Theo kinh nghiệm của bác sĩ Nguyễn Hoàng Cương, Khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt T.Ư, nhiều ca chấn thương mắt phải cấp cứu ngày tết do tai nạn sinh hoạt, đặc biệt do đồ chơi không an toàn và lén đốt pháo nổ. Trong đó, 47% tai nạn mắt xảy ra ở lứa tuổi 18 - 45; 25% ca chấn thương mắt là trẻ em từ 5 - 15 tuổi. Tai nạn hay gặp nhất là ở nhà (47%), khi vui chơi (15%), còn lại do tai nạn giao thông, do công việc và trong các hoàn cảnh khác.
“Ở trẻ nhỏ thường gặp tai nạn mắt do dùng đồ chơi súng bắn đạn nhựa. Các tai nạn này gây rách mí mắt, thậm chí gây mù do tổn thương nhãn cầu. Do đó, các gia đình cần quan tâm, chỉ cho trẻ chơi các đồ chơi an toàn, phù hợp lứa tuổi - đặc biệt không chơi súng và các đồ chơi có vật nhọn”, bác sĩ Cương lưu ý. Ngoài ra, Bệnh viện Mắt T.Ư cũng ghi nhận các tai nạn do chơi pháo hoa, pháo thăng thiên ở trẻ em trong những ngày tết. Chấn thương mắt xảy ra ngay cả khi du xuân hái lộc, nguyên nhân do nhiều người sơ ý, khiến cành hoa, nhành cây, viền lá chọc, khía vào mắt gây tổn thương giác mạc, thậm chí viêm loét giác mạc do bị bội nhiễm.
Theo bác sĩ Cương, khi bị tai nạn không cố gắng tự lấy dị vật trong mắt. Nếu bị chất lỏng bắn vào mắt gây bỏng, nên rửa mắt dưới vòi nước khoảng 15 phút, không tự nhỏ thuốc vào mắt. Với vết thương có chảy máu, chỉ nên băng che nhẹ. Các trường hợp này nên được khám chuyên khoa sớm. Nếu bị bụi, cát, côn trùng nhỏ rơi vào mắt, có thể nhúng mắt vào bát hoặc cốc nước sạch, mở mắt to và chớp mắt 4 - 5 lần, hoặc nhỏ nước muối 0,9% để dị vật trôi ra.
“Không dụi bằng tay, không dùng bông lấy dị vật nhỏ bởi có thể làm rách giác mạc và kết mạc. Các gia đình nên chuẩn bị một bộ sơ cứu y tế (chai nước muối rửa mắt 0,9%, ít bông băng để khi cần có thể rửa mắt, băng mắt) và nên mang theo khi đi chơi xa”, bác sĩ Cương cho lời khuyên.
Bình luận (0)