(TNO) Sau hai tháng xuất viện, bé trai bị đâm xuyên não (Dương Minh Phát, ngụ Vĩnh Long) đang xuất hiện một số triệu chứng bất thường. Hôm nay (5.11), bé đã được tái khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).
Bé Phát được bác sĩ kiểm tra sức khỏe - Ảnh: Nguyên Mi |
Chảy nước mắt trái và gồng tay chân trái
“Mắt trái của cháu bị chảy nước mắt. Đầu không thấy quay về bên trái. Gần đây đêm ngủ cháu hay giật mình chới với, khóc thét lên. Những lúc thấy con thế em sợ lắm, ôm con dỗ dành rồi khóc theo luôn”, chị Võ Thị Hồng Duyên, mẹ bé Phát, lo lắng kể.
Sáng nay, các bác sĩ của nhiều khoa thuộc Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tái khám, hội chẩn về tình trạng sức khỏe của bé Phát.
Theo bác sĩ Trần Châu Thái (Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi đồng 1), mắt trái của bé Phát bị chảy nước mắt sống. Nguyên nhân là bé bị tắc bán phần tuyến lệ mắt trái do vết sẹo gây co rút. Tuy nhiên, “điều này không gây nguy hiểm cho bé. Các bác sĩ dự định sẽ thông tuyến lệ cho bệnh nhi sau bốn tháng nữa”, bác sĩ Thái kết luận.
Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Quang Vinh (Trưởng Khoa Nội thần kinh) đã có phần thăm khám quan trọng về chức năng não của bệnh nhi. Theo bác sĩ Vinh, tay trái và chân trái của cháu gồng lên (gọi là biểu hiện tăng trương lực), có thể là triệu chứng sớm của động kinh.
Bác sĩ Vinh cho biết thêm, trong lần tái khám trước, bác sĩ đã theo dõi vết thương dao đâm của bé, chưa xuất hiện di chứng thần kinh. Nhưng từ lần tái khám này, bệnh nhi sẽ được theo dõi di chứng thần kinh.
“Bé cần được theo dõi di chứng thần kinh trong suốt ba năm sau ngày xuất viện”, bác sĩ Vinh nói.
Vết mổ lành tốt
Kiểm tra vết thương do dao đâm, thạc sĩ - bác sĩ Đào Trung Hiếu (Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết qua siêu âm, vết thương bên trong, bên ngoài trên đầu bé Phát đều ổn định, vết mổ lành tốt.
Bên cạnh đó, “cháu bé hiện nặng 5,5 kg; tăng thêm 0,5 kg so với tháng trước. Bé hơi thiếu máu do thiếu sắt nên sẽ được cho bổ sung sắt”, bác sĩ Phạm Thị Thanh Tâm (Trưởng Khoa Hồi sức sơ sinh) đánh giá.
Ngoài ra, bé cũng được kiểm tra phản xạ, vận động. Khi nhân viên y tế cầm đồ chơi đưa qua lại, bé lanh lợi quay đầu cả hai bên, mắt nhìn theo sự di chuyển, tìm đồ chơi. Theo chuyên gia vật lý trị liệu, điều này chứng tỏ chức năng vận động xoay đầu và khả năng nhìn của bé chưa có gì bất ổn.
Về hiện tượng buổi đêm hay giật mình khóc thét, theo chuyên gia tâm lý, do bé bị rối loạn giấc ngủ khi phải trải qua chấn động quá lớn.
“Trong cả buổi tái khám tại bệnh viện, cháu bé cười với mọi người xung quanh, thú vị khám phá thế giới bên ngoài. Với mẹ, cháu ê a nói chuyện đầy âu yếm. Mặc dù sức khỏe của bé có đôi chút bất thường nhưng chưa ở mức nghiêm trọng. Nếu cha mẹ vững vàng và kiên trì nỗ lực, tôi tin rằng cháu đang và sẽ vượt qua được”, chuyên gia tâm lý theo dõi bé Phát đánh giá.
Bé Phát sẽ tiếp tục được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng theo dõi sức khỏe, tái khám mỗi tháng. Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng (Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1) cũng dặn dò các y bác sĩ: Những vắc-xin nào cần thiết quá thì sẽ cho bé tiêm trước. Còn lại chờ khi sức khỏe em bé tốt hơn rồi thư thả tiêm sau.
“Ai nhìn thấy cháu bé từ giây phút đầu tiên đều không thể nghĩ cháu sẽ được như ngày hôm nay. Bé được như thế này đã là cả một phép màu. Chúng ta hãy cùng cố gắng giúp bé vượt qua nốt những khó khăn còn lại”, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Phó khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1, nhận định.
Bình luận (0)