Bé trai bị hóc hạt mãng cầu suýt chết

Duy Tính
Duy Tính
18/12/2018 11:49 GMT+7

Bị hóc hạt mãng cầu bé trai sau đó tím tái, ngừng tim trước nhập viện, tắc nghẽn đường thở gây tràn khí màng phổi, sốc nặng nề... nhưng gia đình khai trước đó bé ăn đậu phộng

Ngày 18.12, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.HCM cho biết BV tiếp nhận bệnh nhi L.T.C (3 tuổi, ngụ Long An) trong tình trạng tim ngừng đập trước nhập viện, tắc nghẽn đường thở gây tràn khí màng phổi...
Theo lời kể của gia đình, trước nhập viện, bé đang ăn đậu phộng thì bị ho sặc sụa, tím tái. Bệnh nhi được gia đình đưa đi điều trị tại BV địa phương 1 ngày, triệu chứng cải thiện.
Tuy nhiên, khi về nhà bé ho nhiều hơn, khó thở, tím tái nên nhập viện trở lại. BV địa phương đặt ống giúp thở, mở khí quản và chuyển bệnh nhi đến BV Nhi đồng TP.
Khi đến BV Nhi đồng TP, bệnh nhi đã có ngưng tim ngưng thở trước đó, tổng trạng xấu, da bông tím, tràn khí màng phổi.
Bệnh nhi nhanh chóng được thở máy thông số cao, chọc hút khí màng phổi, ổn định hô hấp, huyết động, dùng thuốc vận mạch và hội chẩn ê kip nội soi vì nghi ngờ bé bị dị vật đường thở.
Các bác sĩ dùng ống soi mềm đi sâu vào vào đường mũi, lách dọc theo ống mở khí quản thì phát hiện dị vật chèn sát ngay phế quản gốc bên phải. Các bác sĩ khéo léo dùng kềm gắp ra hạt màu đen cứng, hình êlip tựa hạt mãng cầu, đồng thời hút sạch đàm nhớt, bơm rửa lấy dịch phế quản soi cấy tìm vi trùng và kết thúc cuộc nội soi kịch tính.
Sau nội soi gắp dị vật, tình trạng phổi nở bung tốt trên phim chụp kiểm tra, bé đáp ứng kháng sinh điều trị viêm phổi tốt.
Đến nay, sau hơn nửa tháng hồi sức tích cực, các bác sĩ đã rút ống thở và bé đã tự thở, tỉnh táo và đang được theo dõi thêm.
Khi bác sĩ hỏi lại thì ba mẹ bé mới nhớ lại lúc trước bé cũng có ăn mãng cầu ta nhưng không biết là do hít sặc hạt nào.
Theo bác sĩ, các dị vật gây khó chịu nhất là hạt sapôchê, hạt mãng cầu. Những hạt này trơn tuột rất khó gắp trong khi nạn nhân chỉ còn một phổi thông khí nên rất khó kiểm soát. Điều cha mẹ cần biết nên thận trọng với những thức ăn có thể làm cho trẻ mắc dị vật như: hạt đậu lạc, hạt trái cây to, ngô - bắp, vỏ tôm, cua... để hạn chế những tai biến đáng tiếc xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.