Bé trai bị ù tai, nghe kém do chơi pháo nổ

Lê Cầm
Lê Cầm
20/02/2024 10:22 GMT+7

Bé trai (14 tuổi, ngụ TP.HCM) chơi pháo cùng bạn bè, sau 2 tuần thì bị đau tai nặng, chảy dịch, nghe kém, ù tai được mẹ đưa đi thăm khám, kiểm tra thính lực.

Ngày 20.2, thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết qua nội soi kiểm tra ghi nhận bé bị thủng màng nhĩ phải, biến chứng viêm tai giữa mủ. Đo thính lực đồ xác nhận nghe kém dẫn truyền mức độ nhẹ, bé được chỉ định điều trị nội khoa ổn định tình trạng nhiễm trùng, sau đó phẫu thuật nội soi vá nhĩ khi màng nhĩ không tự lành kín.

Khai thác bệnh sử được biết, trước đó khi chơi pháo nổ bé không thấy đau đớn, tai chỉ bị ù nhẹ nên không kể với gia đình. Sau 2 tuần, đến khi tai phải bé bắt đầu đau đớn, chảy dịch, ù tai, nghe kém... thì gia đình mới biết và đưa bé đi thăm khám.

Ê kíp bác sĩ phẫu thuật xử lý lỗ thủng bằng cách cắt bỏ phần rìa lỗ thủng. Sau đó lấy một mảnh cân cơ sau tai (lớp vỏ bao của cơ) làm mảnh vá và đặt sát bên dưới lỗ thủng, cố định bằng thuốc tự tan trong hòm nhĩ và ống tai.

Hậu phẫu, bệnh nhân xuất viện sau mổ 2 ngày, màng nhĩ lành kín, thính lực tai phải cải thiện sau mổ.

Bé trai bị ù tai, nghe kém do chơi pháo nổ- Ảnh 1.

Bác sĩ Hằng trong một ca phẫu thuật vá nhĩ

T.A

Bác sĩ Thúy Hằng cho biết, tiếng pháo nổ là một dạng chấn thương âm thanh có thể làm thủng màng nhĩ. Trẻ em thường không có chủ ý tránh xa các nguồn âm thanh lớn hoặc đơn giản là thích chơi pháo nên đến gần và xảy ra các tai nạn đáng tiếc. Do đó, ba mẹ nên chủ động giữ trẻ tránh xa các nguồn âm thanh lớn...

Một số nguyên nhân phổ biến khác có thể gây thủng màng nhĩ bao gồm nhiễm trùng, dị vật, chấn thương do áp suất, chấn thương tai nạn vùng đầu... Thủng nhĩ do chấn thương có thể lành lại nếu không bị nhiễm trùng lan rộng, trung bình từ vài tuần đến vài tháng. Quan trọng là đánh giá đúng mức độ, xác định có kèm tổn thương, nhiễm trùng tai trong hay không, từ đó đưa ra hướng điều trị thích hợp là nội khoa như uống thuốc hoặc ngoại khoa như phẫu thuật.

Thủng màng nhĩ tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân có hại như bụi bẩn, vi trùng, nước,… xâm nhập vào tai giữa, gây nhiễm trùng, suy giảm thính lực, thậm chí mất thính lực (điếc tai). Nếu không được điều trị kịp thời, các biến chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện như viêm tai giữa, viêm tai xương chũm, cholesteatoma (một bệnh lý gây hủy xương), viêm mê nhĩ (tai trong), hoặc nhiễm trùng lan rộng vào các tổ chức ở não, gây viêm màng não, áp xe não, viêm xoang tĩnh mạch, liệt mặt, thậm chí tử vong.

Phẫu thuật vá màng nhĩ không nguy hiểm nhưng là phẫu thuật tinh vi. Người bệnh nên lựa chọn các cơ sở y tế uy tín để tiến hành phẫu thuật, tránh những biến chứng ảnh hưởng đến thính lực, tổn thương dây thần kinh...

Với trường hợp vừa mới phẫu thuật, hoặc tình trạng viêm tai giữa thủng nhĩ chưa ổn định, bác sĩ Thúy Hằng khuyến cáo người bệnh không nên đi máy bay, vì tình trạng chênh lệch áp suất khi máy bay cất cánh, hạ cánh có thể làm hư màng nhĩ mới hoặc trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Ngoài ra, cần tránh nước vào tai, vệ sinh cá nhân cẩn thận, không nằm nghiêng về phía tai mổ và tránh vận động mạnh trong vòng 4 tuần đầu sau mổ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.