Mới đây, báo chí đưa tin UBND tỉnh Quảng Ngãi sáng 10.1 đã phải hủy hội nghị triển khai công tác an toàn giao thông năm 2012 vì vắng 7/14 lãnh đạo UBND huyện. Theo đó, cuộc họp được dời lại vào sau tết Nguyên đán.
Trong khi đó, ai cũng biết, an toàn giao thông hiện là vấn đề cấp bách mà cả nước đang phải đối mặt.
Hơn thế nữa, số lượng các vụ tai nạn luôn tăng đột biến trong dịp tết Nguyên đán. Sự việc trên chỉ là một trong số các biểu hiện bê trễ công việc của một số cán bộ nhà nước vào mỗi dịp tết đến.
Cận tết thường là giai đoạn các cơ quan ban ngành tổng kết hoạt động cả năm cũng như thảo luận triển khai kế hoạch cho năm mới. Sau những cuộc họp lại là các buổi liên hoan, tiệc tùng. Tất nhiên, người ta chẳng thể loại bỏ hoàn toàn những hoạt động như thế nhưng cũng cần phải đảm bảo chúng không gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc. Thế nhưng, đáng tiếc là tình trạng bê trễ công việc vào dịp cuối năm đã trở thành một căn bệnh trầm kha của nhiều năm qua.
Không chỉ cuối năm, tình trạng này nhiều khi kéo dài qua tận năm mới. Nếu cuối năm là liên hoan tiệc tùng thì đầu năm lại là thăm hỏi lẫn nhau dù đã hết ngày nghỉ tết. Những năm trước, người dân đã nhiều lần chứng kiến cảnh các cơ quan nhà nước “vắng tanh” trong dịp đầu năm, không khí “ăn tết” đôi lúc dần dà đến giữa tháng giêng. Như thế, mỗi năm các cơ quan nhà nước có thể mất đứt một tháng làm việc hiệu quả.
Đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức vận hành xã hội, nên các cơ quan nhà nước bê trễ sẽ tạo ảnh hưởng đối với nhiều lĩnh vực và thành phần khác. Khi đó, hệ quả tiêu cực của sự chểnh mảng dịp tết sẽ là đáng kể đối với toàn xã hội, gây thiệt hại có thể vô hình nhưng không nhỏ. Chính vì thế, tình trạng bê trễ công việc vào mỗi dịp tết cần phải được giải quyết triệt để.
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)