Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin cho biết cuộc tập trận là biện pháp chủ động nhằm "tăng cường khả năng sẵn sàng sử dụng thứ gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật". Ông Khrenin không tiết lộ địa điểm hay các loại vũ khí nào được sử dụng trong cuộc tập trận với Nga, theo Reuters.
Ông nhấn mạnh: "Hơn bao giờ hết, chúng tôi quyết tâm ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào đặt ra cho cả đất nước mình và quan hệ Nga - Belarus. Chúng tôi không có mục tiêu tạo ra bất kỳ căng thẳng nào trong các vấn đề an ninh khu vực. Belarus không nhắm vào các mối đe dọa quân sự liên quan tới các nước thứ 3 hay bất kỳ quốc gia nào khác".
Belarus có chung biên giới với 3 quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gồm Ba Lan, Lithuania và Latvia. Hồi tháng trước, Belarus tham gia giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận hạt nhân chiến thuật diễn ra ở khu vực Akhtubinsk (miền nam Nga), có sự góp mặt của tên lửa Iskander và tên lửa bội siêu thanh Kinzhal. Theo Reuters dẫn lời các chuyên gia hạt nhân, các cuộc tập trận này nhằm gửi thông điệp cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin đến các nước phương Tây rằng đừng can thiệp sâu vào cuộc chiến ở Ukraine.
Tổng thống Biden vạch giới hạn với Ukraine về sử dụng vũ khí Mỹ tấn công Nga
Tổng thống Belarus Lukashenko hồi tháng 4 cho biết vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga đã được triển khai ở Belarus theo một thỏa thuận được ông và Tổng thống Nga Putin công bố vào năm 2023 như một biện pháp ngăn chặn phương Tây. vũ khí hạt nhân chiến thuật được thiết kế để sử dụng trên chiến trường, khác với vũ khí hạt nhân chiến lược vốn được dùng để tấn công các mục tiêu chiến lược ở khoảng cách xa.
Theo các chuyên gia, việc Moscow sử dụng loại vũ khí như vậy có thể gây hoang mang cho phương Tây mà không nhất thiết gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn diện, mặc dù vẫn có khả năng leo thang căng thẳng. Kể từ những ngày đầu tiên của xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Putin nhiều lần cảnh báo phương Tây về quy mô và sức mạnh của kho vũ khí hạt nhân của Nga.
Bình luận (0)