Sau khi cất tiếng gáy ngân dài, hình như trống tía thu mình nằm xuống bên con mái vàng trong cái chuồng có rào có cửa. Gã trống nhùi nhụi cái mỏ đen bóng vào lớp lông ấm mượt của con mái - ông Tơ đoán vậy, khi nghe tiếng grù grù âu yếm của cặp đôi trống mái. Rồi tiếng chân chộn rộn, tiếng khụt khịt háo hức của con Mực. Ông nhìn sang vợ. Bà Mến kéo mền đến cổ, thở đều. Dụ dự một lát, ông với tay bật công tắc bóng đèn led treo ở lối đi, giữa gian nhà dưới, nơi đặt chiếc giường ngủ của vợ chồng ông và gian nhà trên.
Gian nhà trên, còn là nơi họp mặt, gặp gỡ của những người đại diện chính quyền đoàn thể địa phương với những người từng có mặt trên những chuyến tàu không số. Đó là những chuyến tàu chở vũ khí từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường đặc biệt đó được binh chủng Hải quân nhân dân Việt Nam dựng bia tưởng niệm tại nơi những chuyến tàu không số rời bến và cập bến.
Bia đá vươn cao giữa khu tưởng niệm. Nhìn từ chiếc cầu bắc qua sông Ray, bia tưởng niệm giống một cánh buồm. Cánh buồm màu đất đỏ nghiêng nghiêng bên dòng nước lấp lóa giữa màu xanh bạt ngàn của rừng cây trải dài theo triền sông.
Ngôi nhà nhỏ hai gian do chính quyền địa phương xây mà ông Tơ cùng vợ đang sinh sống nằm bên phải bia tưởng niệm, nếu nhìn từ cầu sông Ray và nằm bên trái nếu tính theo dòng chảy đổ ra Biển Đông. Ông Tơ được hưởng lương hai triệu hai trăm ngàn mỗi tháng với nhiệm vụ trông coi, chăm sóc cây cảnh khu tưởng niệm.
Rời khỏi giường, lần theo ánh đèn điện, ông Tơ xuống chỗ bếp, với tay bật nút bếp gas, cái bếp một bếp mà bà Mến sắm riêng cho ông. Cái bếp chỉ để ông nấu nước đủ pha một tách cà phê và một bình trà vào lúc hửng sáng. Cơm nước hằng ngày vợ ông vẫn dùng bếp củi. Bếp củi lại còn đốt cả lá phơi khô mà ông và vợ nhặt nhạnh được. Thường, trước khi lên giường ngủ, sau khi ngồi xem hết mấy tập phim dài lê thê, bà Mến múc một ca rưỡi nước đổ vào ấm, đặt sẵn lên bếp. Ông Tơ rửa mặt, đi vệ sinh trong lúc chờ nước sôi.
Nước sôi. Ông Tơ rót vào bình thủy, tắt đèn trong nhà rồi mở bóng đèn ngoài sân. Sân có mái tôn. Sàn lót gạch bông. Trên nền gạch đặt hai mặt bàn bằng đá hoa cương, ghế cũng đá hoa cương. Khoảng sân có mái che được xây cất mấy tháng trước. Đây là không gian dành cho những cuộc gặp gỡ trò chuyện giữa những người trực tiếp đi trên những chuyến tàu không số với cán bộ, chiến sĩ, học sinh, sinh viên và với người chép sử, làm phim, viết báo, viết văn. Từ khi có hai chiếc bàn đá vững chãi đặt ở khoảng sân có mái che, ông Tơ chuyển chỗ pha cà phê, pha trà từ sau bếp ra đây.
Cà phê bà Mến mua cho chồng là cà phê bốn - sáu, loại cà phê chiếm sáu phần chất độn, chủ yếu là bắp với đậu nành. Vợ mua gì uống nấy. Hơn nữa, đồng tiền phụ cấp thương binh của ông, tiền phụ cấp mất sức lao động của vợ, một cựu y tá quân y và số tiền có được từ việc chăm sóc khu bia tưởng niệm, phải tằn tiện mới đủ chi tiêu. Tháng nào ông hoặc vợ có mặt ở tiệc hỏi, tiệc cưới hay đám ma, đám giỗ thì tháng đó, hai vợ chồng phải nhót cái bao tử lại. Bia rượu gần như ông Tơ không đụng tới. Lâu lâu mới ngồi lai rai với Hai Ngón. Khoản rượu thường Hai Ngón mang tới, thỉnh thoảng mang cả mồi. Thuốc lá, nhiều lần ông định bỏ. Nhìn chồng ngáp vắn ngáp dài, rũ riệt như con gà mắc dịch cúm, bà Mến chịu không nổi. Thôi thì, cũng hút. Cũng như cà phê, chọn loại rẻ.
Nước sôi ngấm vào hỗn hợp cà phê, đậu, bắp và bơ dậy lên ngầy ngậy. Hương thơm quen thuộc làm ông Tơ tươi tỉnh.
***
Mặt sông mờ mờ hiện ra. Thong thả uống từng ngụm cà phê, ông đưa mắt nhìn theo những chiếc xuồng khập khựng đi ngược dòng nước, về phía thượng nguồn.
Ký ức nhiều thứ mịt mờ. Riêng những tháng ngày cùng vợ lau lách con xuồng be chín trên sông từ lúc trời còn tối mịt, ông Tơ vẫn nhớ. Cũng ngược dòng sông Ray. Ông chèo, bà bơi. Khi đến được cái hồ nhìn mút tầm mắt, trời mới hửng sáng. Mùa khô, nước rút, lòng hồ phơi ra những đảo đất với nhiều hình dáng khác nhau nhưng cùng màu nâu đỏ, màu đất nung. Những đảo đất nửa chìm nửa nổi bày ra cả một giang sơn trú ngụ sinh sôi của loài hến. Mỗi người một cái rổ trong tay, chỉ trong buổi sáng, hai vợ chồng ông đãi đầy mấy cái thau cái thùng mang theo. Hến đãi được vợ ông mang ra chợ bán. Tiền bán hến giúp ông bà đủ xài vài ba ngày. Ông còn có chút tiền mua rượu.
Mùi vị miếng ăn lan xa. Dân tứ xứ lũ lượt kéo về lòng hồ. Hến, sò, tôm, cá lòng hồ không kịp lớn. Lòng hồ không còn là nơi kiếm sống dễ dàng. Vết thương cạnh đầu gối của ông lại trở chứng. Những cơn đau như xiết vào xương cốt khi trời trở lạnh. Cái lưng gai cột sống khiến bà Mến khom cúi ngày một khó khăn. Những chuyến xuồng mà ông cùng vợ ngược dòng sông Ray kiếm sống thưa dần. Cũng may, do là cựu quân nhân thương binh, ông Tơ được chính quyền địa phương giao việc trông coi, chăm sóc khu bia tưởng niệm. Công việc xem ra nhàn nhã so với việc chèo chống, dầm sương, phơi nắng, chân tay sần sùi bợt bạt vì đãi hến bắt sò. Ông bà có được chỗ ở tươm tất, hít thở không khí trong lành, lại được gặp, được biết nhiều người.
Sau khi hút xong điếu thuốc, uống cạn tách cà phê, ông Tơ chậm rãi rót trà, chậm rãi uống hết tách trà ngon, loại trà móc câu Thái Nguyên mà tuần trước ông được một cựu binh nguyên là thuyền trưởng con tàu không số cập bến ở vùng biển Lộc An này, tặng. Ông bước về phía khu bia tưởng niệm. Con Mực lăng xăng theo chân, rồi vượt trước ông.
Sương sớm ướt đẫm. Ngôi sao vàng, chiếc vô lăng, biểu tượng cho con tàu vượt trùng dương, những dòng chữ ghi công những con tàu không số, được khắc trên mặt bia màu đất đỏ, cả chiếc lư hương đồng ngả màu đất đỏ đặt dưới chân bia cũng ửng màu trời và lấp loáng sương đêm.
Ông Tơ đi một vòng quanh khu bia tưởng niệm. Chốc chốc lại cúi nhặt những chiếc lá dấp dính sương nằm trên nền đá hoa cương ẩm ướt. Tay cầm mớ lá rụng, ông bước ngược xuống những bậc đá giữa lối đi. Trên đường đi, ông cúi nhặt thêm mấy chiếc lá úa. Ông để chỗ lá nhặt được xuống cạnh một gốc cây đại đầu tiên trong hàng cây đại với những chùm hoa trắng trên cao, được trồng dài theo lối đi. Cách gốc đại chừng một sải tay, có một cái vòi nước đang khóa. Cạnh vòi nước có cái bình thiếc có vòi tưới nước. Ông mang bình nước đến chỗ vòi nước, kề miệng bình vào vòi, mở nước. Bình đầy nước, ông mang đến chỗ khóm hoa xương rồng trồng bên cạnh hàng đại. Vòi nước phun những tia nước mảnh như sợi tơ.
Ông Tơ dành nhiều thời gian cho việc trồng cây, trồng hoa, chăm cây, tỉa cành, vô phân, tưới nước. Nhìn cây lớn, nhìn hoa nở, nhìn không gian trầm mặc đã trở nên gần gũi, ông thấy công việc mỗi ngày không còn buồn tẻ. Ông phấn chấn khi nhìn những chồi non tơ nõn hay những bông hoa hàm tiếu chúm chím chẳng khác nụ cười duyên. Rồi ông nhận ra mình không phải là thằng già bỏ đi. Cây xanh, hoa nở, ong bướm rập rờn, tiếng chim líu ríu… khu tưởng niệm không còn là một nơi cằn khô, cách biệt.
Từ khi có con đường chạy dài một bên biển một bên rừng ngoài kia, con đường nối liền nhiều tỉnh thành, người đến thắp nhang trước bia tưởng niệm nhiều hơn. Ngoài khách ban ngành đoàn thể viếng vào các ngày lễ, khách sinh viên học sinh đến vào dịp cuối tuần, còn có khách du lịch đi theo tour trên những chiếc xe đò hay đi lẻ bằng ô tô, xe máy. Sau khi thắp nhang, họ lui ra, vừa di chuyển, vừa nhìn ngắm. Ngắm dòng sông, ngắm rừng cây, ngắm cây cảnh, ngắm hoa, chụp hình. Những bông hoa rộn ràng hương sắc khiến họ thích thú, xuýt xoa: “Hoa đẹp quá!”.
***
Đang lúi húi vô phân tưới nước cho mấy chậu hoa xương rồng, ông Tơ chợt nghe đúng câu nói ông từng nghe: “Hoa đẹp quá!”. Ông ngước nhìn. Người vừa thốt ra câu nói đang ngắm nhìn bụi xương rồng đang ra hoa. Một bông hoa màu hồng phấn vươn lên từ thân cây tua tủa gai có hình dáng một bình hoa thắt lại gần cổ bình. Trong ánh nắng xiên xiên, bông hoa như phát sáng. Thứ ánh sáng tinh khiết mong manh khiến người đàn bà dừng bước, lật đật mở túi, lấy ra chiếc máy ảnh.
Người đàn bà quỳ xuống, nâng máy ảnh lên tầm mắt. Ông Tơ thoáng giật mình. Người đàn bà xa lạ giương cái ống kính đen dài như nòng súng và chĩa thẳng cái khối đen ngòm đó về phía những cánh hoa trắng muốt he hé nhụy vàng.
Ông thở phào khi nghe một cái “tách” như cái búng hai đầu ngón tay, rồi những cái tách, tách, tách tiếp theo. Người đàn bà thu ống kính lại, mắt vẫn chưa rời bông hoa có vẻ đẹp khó tả nổi. Ông Tơ nhận ra người đàn bà còn trẻ. Đầu đội nón, vành nón không che hết mái tóc nhuộm nâu óng mượt. Gương mặt bầu bĩnh ửng lên vì nắng. Cô gái chắc nhỉnh hơn tuổi đứa con gái đầu lòng của ông, đứa con từ lúc còn bé xíu đã biết đỡ đần cha mẹ.
- Bác ơi, bụi xương rồng này trồng bao lâu mới nở hoa?
Cô gái hướng về phía người chăm hoa, tay chỉ bụi xương rồng trổ hoa hồng nhụy vàng mà cô vừa chụp hình. Ông Tơ nheo nheo mắt vì nắng chói:
- Không lâu lắm, chừng vài tháng.
- Bác tìm ở đâu có loại hoa xương rồng này?
- Ờ… ờ bụi hoa đó của người ta tặng.
- Ai tặng vậy, bác?
- Cô hỏi để làm gì? - ông Tơ sẵng giọng.
- Cháu hỏi chỉ muốn biết là làm sao bác có được loại xương rồng nở những bông hoa đẹp như vậy… - cô gái nói một hơi dài.
Ông Tơ lượng sượng trước câu trả lời nhũn nhặn của cô gái. Đám hoa nắng nhảy múa trước mặt ông chờn vờn bóng người. Một người đàn ông dong dỏng cao, tóc ánh bạc tiến về phía ông.
- Trong ngôi nhà kia hình như có bán cà phê phải không ông anh? - người đàn ông cất tiếng hỏi.
- Đúng rồi, trong nhà có cà phê!
- Có cà phê nhưng có bán không, ông anh? - người đàn ông lại hỏi.
- Cháu cũng đang thèm cà phê đây! Hồi nãy chạy ngang quán cà phê mà chú không ghé! - tiếng cô gái.
Thì ra, đó là người đàn ông đến đây cùng với cô gái. Họ đến bằng xe gắn máy. Chiếc xe còn dựng phía trước khu tưởng niệm, ngang mặt ngôi nhà ông ở, dưới kia. Chắc họ thắp nhang rồi đi quanh, nhìn ngắm.
Hương hoa rù quyến lũ bướm ong. Hoa đại, hoa mẫu đơn, hoa lan rừng, hoa xương rồng… không một loại hoa nào thoát khỏi lũ bướm háu sắc, lũ ong khát mật. Đóa hoa xương rồng màu hồng mà cô gái vừa chụp hình, cùng một lúc cả hai con ong cánh nâu lốm đốm háo hức rúc đầu vào nhụy vàng. Cô gái lật đật giương cái ống kính trông như một nòng súng về phía đóa hoa đang bị lũ ong giày vò.
- Cà phê trong nhà có ai bán không ông anh? - người đàn ông nhắc lại câu hỏi.
- Có, có… anh chờ cho một chút!
Ông Tơ cầm bình nước, bước tới, tưới khắp lượt cho luống hoa, rồi bỏ bình tưới xuống cạnh cái vòi nước. Ông bước tới, cúi gom hết mớ lá rụng vào tay, đứng lên:
- Xin mời hai vị theo tôi!
Ông Tơ đi trước, dáng hơi lệch bên trái. Con Mực sục sạo tìm thức ăn ở mép sông, đánh hơi người lạ, vội chạy tới. Nó cong đuôi, rối rít, rồi vượt trước cả ba người.
***
Sau khi gọi hai ly cà phê đá, một gói “con mèo”, khách ngồi xuống bên chiếc bàn đá. Hai người ngồi đối diện nhau. Cô gái nhìn khắp lượt ngôi nhà hai gian lọt thỏm trong không gian tràn nắng. Con trống tía cùng mấy con mái, vàng có, bông có, đen có, đang thong thả tìm thức ăn trên khoảnh đất trống sau hè. Cách đàn gà một khoảng xa xa, một đàn bò nhẩn nha nhai cỏ. Một sợi dây giăng ngang từ nhà ra hướng bãi cỏ, phơi một cái áo bà ba, một cái quần đen, một bộ quần áo đàn ông và hai cái nùi giẻ lau nhà. Gần dây phơi quần áo là vuông đất bằng chiếc chiếu phơi lá rụng. Lá vàng lá nâu bay là là khi cơn gió thổi qua.
- Bác gái đi vắng hả, bác? - cô gái quay mặt về phía ông Tơ, hỏi.
- Bà nhà tui đi chợ, chắc cũng sắp về.
Vừa trả lời, ông Tơ vừa lom khom chế nước sôi từ phích nước vào hai cái phin cà phê đặt trên cái bàn nhỏ. Mặt bàn với lủ khủ nào ly tách, đường, sữa, cà phê, trà, chanh muối, nước ngọt.
Cô gái hình như hỏi chỉ để hỏi, không mấy chú tâm đến câu trả lời, ông Tơ nghĩ vậy, khi nghe lỏm câu chuyện giữa họ. Hai người rõ ràng quen biết nhau chưa nhiều. Người đàn ông có giọng ấm, nói năng chậm rãi. Cô gái có ánh mắt tò mò săm soi, lại kè kè máy ảnh, chắc là nhà báo. Nhà báo thì hay hỏi. Hỏi cả những điều lẽ ra không nên hỏi.
- Cháu không sao hiểu nổi là, vì sao một người đang có tiền đồ tươi sáng ở một thành phố lớn nhất nước, vậy mà, đùng một cái, chú quyết định xin nhập ngũ cho bằng được? - cô gái cật vấn người đồng hành.
- Cũng đơn giản thôi, cô. Lúc đó Pôn Pốt tràn qua biên giới Tây Nam, đập đầu chôn sống dân mình, chịu không nổi nên tôi xin đi lính.
- Rồi chú ra mặt trận Tây Nam luôn?
- Chưa đâu cô! Phải sau một thời gian huấn luyện và thử thách, tôi mới được đầu quân vào đơn vị pháo cao xạ.
Ông Tơ làm rơi cái muỗng xuống nền gạch. Tiếng động khiến hai người khách ngừng lời, quay lại nhìn.
- Tôi cũng là lính cao xạ! - ông Tơ lên tiếng khi đặt lên bàn khay đựng hai ly cà phê, bình trà, mấy cái tách uống trà.
Người đàn ông đứng bật dậy, đưa bàn tay cho người cựu binh:
- Anh ở đơn vị nào?
- Tôi ở đơn vị hỏa lực Sư 5, Quân khu 7.
- Tôi cũng Quân khu 7, mà ở Trung đoàn phòng không của quân khu, ngoài pháo cao xạ còn có tên lửa vác vai.
Sau khi siết chặt tay nhau, người đàn ông ngồi xuống, mở gói “con mèo” mời và bật lửa cho ông Tơ mồi thuốc. Rít một hơi thuốc, phả vòng khói vướng vít, ông Tơ nhìn người đàn ông:
- Thời anh vũ khí hiện đại rồi. Thời tui, súng cao xạ còn vác trên vai.
- Bác nhỏ người như vầy làm sao vác nổi súng cao xạ? - cô gái tròn xoe mắt.
- Ậy, hồi trẻ tui khỏe như con bò đực ngoài kia! - ông Tơ chỉ về phía đàn bò, cười giòn, lộ hàm răng ám khói thuốc.
- Rủi có yếu, mình cũng phải biết dùng thế, đúng không ông anh? - người đàn ông nói, cười xòa.
- Giáp trận thì thằng có lá gan con thỏ đế cũng hăng máu, cũng phừng phừng máu lửa. Lúc đó trên vai là khẩu 12 li 7 mà tui chạy băng băng.
- Anh ở hỏa lực Sư 5 bao lâu?
- Chưa kịp lên sĩ quan tui bị miếng pháo phạt mẹ vào cái chân này.
Ông Tơ vén ống quần lên, chỉ vào vết thương dưới đầu gối.
- Anh bị thương năm nào?
- Mùa khô năm bảy mươi ba. Suýt nữa tui thành thằng cụt rồi. May là được gặp một bác sĩ giỏi, rồi thêm cái may mắn nữa, là gặp được bà nhà tui, lúc đó bả là y tá của trạm quân y…
- Trong cái mất lại có cái được. Anh chị có mấy cháu?
- Bốn. Lập gia đình hết rồi. Còn anh, xuất ngũ lâu chưa?
- Cho tới tuổi hưu. Cũng 5 năm rồi.
- Chắc chú hưởng lương cấp tá? - ông Tơ đổi cách xưng hô.
Người đàn ông cười cười:
- Hàm đại úy mà hưởng lương tá.
- Vậy chú ấm quá rồi!
- Coi vậy mà chưa ấm đâu, ông anh!
- Chú nói vậy, là sao?
Người đàn ông nhìn ra khu tưởng niệm, trầm giọng:
- Làm lính như anh, như tôi làm sao ấm được khi nhiều đồng đội mình vẫn chưa tìm được hài cốt. Thân xác họ vẫn nằm đâu đó dưới lòng đất lạnh hay giữa lòng đại dương.
***
Vợ ông Tơ đạp xe về tới. Chỗ ghi đông xe treo một giỏ hoa. Xuống xe, sau khi gật đầu chào khách, bà dẫn xe vào nhà, dựng ở gần chỗ cái bàn đá còn bỏ trống. Bà lấy cái giỏ đi chợ ra khỏi xe, đặt lên bàn. Rồi gỡ cái giỏ hoa ra khỏi ghi đông xe. Bà cầm giỏ hoa đi đến chỗ gốc cây bằng lăng trồng cạnh lối ra vào sân nhà, treo vào một cành cây:
- Anh Hai Ngón gửi cho ông giỏ hoa này nè!
- Bà khỏi nói tui cũng biết!
Ông Tơ gạt ngang rồi quay lại rót thêm trà vào tách.
Bà Mến xịu mặt đi một mạch đến chỗ giỏ thức ăn, xách ra nhà bếp. Cô gái chạy lại chỗ giỏ hoa, ngắm nghía. Những bông hoa xòe nở. Mỗi bông hoa có năm cánh trắng xếp quanh một cái nhụy hình ngũ giác màu tím đỏ.
- Bác ơi, hoa này tên gì vậy?
Ông Tơ nhìn giỏ hoa:
- Hoa đó có họ với hoa dừa nước nhưng sống trên cạn nên gọi là hoa dừa cạn.
- Hoa dừa cạn, lần đầu cháu nghe cái tên này!
- Nó còn có tên gọi khác là trường xuân. Nghe Hai Ngón nói rất dễ trồng.
- Hai Ngón là ai vậy bác?
- Là một người ở xóm trên, gần chợ.
- Sao ông ấy có tên Hai Ngón vậy bác?
Như không nghe câu hỏi của cô gái, ông Tơ đứng lên, đi về phía bếp, nói lớn:
- Bà đi chợ có mua thứ gì ăn liền được không?
- Chỉ có nải chuối chín với mấy trái bắp luộc - bà Mến nói vọng ra.
- Bà mang hết ra đây!
Lúc bà Mến đặt đĩa bắp luộc và nải chuối xuống bàn mời khách, cô gái nhìn bà Mến:
- Ông Hai Ngón ở xóm trên sao lại có cái tên là Hai Ngón, vậy bác?
- Ờ… ờ… thì ổng còn hai ngón nên gọi là Hai Ngón.
- Chắc ông Hai Ngón cũng là thương binh, phải không ông anh?
Câu hỏi của người đồng ngũ khiến ông Tơ lúng túng:
- Ờ… ờ… thì cũng… là thương binh, cũng là lính pháo nhưng… nhưng… Hai Ngón không cùng màu áo lính của tôi với chú.
Không gian như sững lại. Cô gái mồm miệng liến láu cũng lặng thinh. Con trống tía cùng mấy con mái lững thững bên hông nhà, chợt cất tiếng gáy. Tiếng gáy trầm bổng ngân dài dưới ánh nắng chói chang khiến đàn bò giật mình, một con cất tiếng kêu. Bà Mến lật đật đẩy đĩa bắp luộc về phía khách:
- Mời cô, mời chú. Bắp nếp, dẻo lắm!
Cô gái lấy một trái bắp. Vừa lột vỏ, vừa hỏi:
- Ông Hai Ngón có tới đây không bác?
- Có.
- Ông ấy tới chơi hả bác?
- Nửa chơi nửa không.
- Nửa chơi nửa không, là sao vậy bác? - cô gái nhấp nhổm.
- Thì có lúc ổng đem cho ông nhà tôi một cây non hay bụi hoa giống hoa này nọ - bà Mến chỉ tay về phía khu tưởng niệm - mấy bụi xương rồng đang ra hoa ngoài đó, cũng ổng đem tới.
Cô gái mở máy ảnh, bật khuôn hình chụp bông hoa xương rồng màu hồng phấn đưa ra trước tầm mắt cho bà Mến.
- Cả cái bụi xương rồng nở một bông hoa duy nhất này nữa, hả bác?
- Phải rồi!
- Vậy sao bác nói ông ấy… nửa chơi?
- Thì nhiều khi ổng không đem cây đem hoa mà chỉ xách chai rượu với mấy con khô…
Ông Tơ cắt lời vợ:
- Bà làm ơn vô bếp đi, trưa trờ trưa trật rồi!
Nhìn theo lưng vợ, ông Tơ càm ràm:
- Đúng là đàn bà, chưa khảo đã khai.
Người đàn ông nhìn ông Tơ:
- Ông anh đã làm được một việc không hề nhỏ.
Ông Tơ chưng hửng:
- Ý chú…
- Thì ông anh đã làm cho một cựu chiến binh khác chiến tuyến trở thành người góp công góp sức chăm cây chăm hoa cho khu tưởng niệm…
Mặt ông Tơ giãn ra:
- Tui có làm được trò trống gì đâu. Đầu đuôi cũng nhờ bà nhà tui. Cũng từ hai lần bả đỡ đẻ cho con dâu ông Hai Ngón.
- Ông nhớ lộn rồi. Tui đỡ đẻ cho một đứa con dâu, một đứa con gái - bà Mến nói rõ lời rõ tiếng từ sau bếp.
- Bà rắc rối quá, con dâu con gái cũng là con!
Tay cầm đôi đũa bếp, bà Mến săng sái bước ra, góp chuyện:
- Lúc đầu anh Hai Ngón e dè xa cách lắm. Giờ thì gần gũi rồi. Gia cảnh nhà tui với nhà anh Hai Ngón cũng na ná nhau. Đường học hành con cái đứa nào cũng lỡ dở.
- Sao lại lỡ dở, bác?
- Thì tại túng thiếu. Đứa con gái lớn tui chắc xem xem tuổi cô. Nó sáng dạ lắm. Vậy mà mới học nửa lớp mười nó phải bỏ học để đi làm ở xưởng…
Ông Tơ cắt ngang lời vợ:
- Chuyện nhà chuyện cửa bà cứ huyên thuyên. Ờ, mà bà nói sao chớ, Hai Ngón đâu còn thuộc thành phần vô sản như mình.
- Mình không còn cục đất chọi chim cũng tại ông bán đứt miếng đất để chia cho đám nhỏ.
- Làm cha mẹ giúp được gì cho con cái thì giúp chớ, bà!
- Miếng đất đó mà mình giữ lại, cái chợ nhỏ mở ngay trước mặt nhà, như nhà anh Hai Ngón bây giờ, thì ông với tui cũng có đám đất trồng cây trồng hoa như ảnh.
- Thì giờ tui với bà cũng có đất trồng cây trồng hoa…
- Cái ông này…
Bà Mến bỏ lửng câu nói, quày quả bước vô bếp.
Cô gái tỏ vẻ sốt ruột:
- Đây tới nhà ông Hai Ngón xa không bác?
Người đàn ông nhìn đồng hồ đeo tay:
- Cô quên là mình có hẹn với ông Hà lúc 10 giờ?
- Ông Hà nào? Có phải là Lê Hà, từng là thuyền trưởng con tàu không số? - ông Tơ vội hỏi.
- Đúng rồi, ông anh!
- Ông ấy mới ra Bắc vô lại - ông Tơ bưng tách trà lên - trà này của ổng cho tui mấy hôm trước.
Cô gái bỏ máy ảnh vào túi xách, đứng lên nói với người đàn ông:
- Vậy mình đến nhà ông Hai Ngón sau nghen chú. Giờ thì như đã hẹn, mình đến nhà ông Hà trước. Cháu cũng muốn trò chuyện thêm với bà Mười - mẹ ông Hà. Bà ấy là người đầu tiên góp vàng mua con tàu cho đoàn tàu không số.
Ông Tơ nhìn cô gái:
- Bà Mười mất rồi, mất mấy tháng trước.
Cô gái ngồi phịch xuống ghế.
Trên mặt bàn đá hoa cương nhấp nhới nắng, đĩa bắp còn một trái chưa lột vỏ, nải chuối xiêm vừa chín tới chưa mất trái nào, mấy tách trà đã cạn, hai ly cà phê lõng bõng nước. Trên cành bằng lăng, giỏ hoa dừa cạn rung rinh trước gió.
***
Sau khi tiễn khách đi một đoạn, ông Tơ không trở vào nhà mà bước về phía khu tưởng niệm, làm tiếp phần việc bỏ dở. Con Mực ngồi thu lu dưới gốc cây đại, ghếch mõm về phía mấy bụi hoa xương rồng.
Ông Tơ cầm bình nghiêng vòi tưới nước cho mấy gốc cây mà đầu óc lập dập, chờn vờn ý nghĩ: rồi đây, mình, anh lính trẻ từng vác súng cao xạ chạy băng băng trong khói lửa, rồi người đồng ngũ vào sinh ra tử mang quân hàm đại úy lúc nãy, rồi Lê Hà, thuyền trưởng con tàu thô sơ mà chở hàng tấn vũ khí vượt trùng trùng sóng gió, rồi vợ ông, và cả Hai Ngón nữa… tất cả, rồi cũng như bà Mười, cũng ra đi, lặng lẽ. Lặng lẽ như bông hoa úa tàn. Khu tưởng niệm này rồi sẽ được bàn tay khác chăm sóc.
Bia tưởng niệm các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, nhìn từ chiếc cầu bắc qua sông Ray, nơi hai người khách khi nãy đang đứng chụp hình, vẫn mang hình dáng một cánh buồm. Một cánh buồm màu đất đỏ lấp loáng trên dòng sông chảy về Biển Đông.
Phú Lợi, ngày 23.9.2016
Bình luận (0)