>> Ben Gurion và lịch sử hình thành nhà nước Israel - Kỳ 2: Đấu tranh lập quốc
|
Vào những tháng sau Hội nghị Xiôn ở Basel, ông gần như toàn tâm toàn ý nghiên cứu các vấn đề quân sự.
Haganah (tổ chức bán vũ trang của người Do Thái trong vùng đất ủy trị của Anh ở Palestine - Thanh Niên) có tiếng là một tổ chức bí mật hùng hậu - được trang bị rất đầy đủ và thoải mái. Lùi về năm 1943, báo cáo của tình báo Anh đã đưa ra số thành viên của Haganah vào khoảng 80.000 đến 100.000 người. Khoảng cách từ huyền thoại này đến thực tế là khá xa […] Chỉ có 2.200 thành viên của Palmach (lực lượng xung kích ưu tú của Haganah - Thanh Niên) được huy động hoàn toàn. Hầu hết các thành viên khác của Haganah chỉ tham gia huấn luyện không thường xuyên và hoàn toàn không được chuẩn bị cho hoạt động của một quân nhân. Ngay cả đội quân của Palmach cũng không bao giờ thao diễn ở cấp tiểu đoàn.
Khí tài còn đáng thất vọng hơn nữa. Vào ngày 12.4.1947, Haganah chỉ có 10.073 súng trường đủ loại; 1.900 súng bán tự động, hầu hết ở tình trạng xấu; 444 súng máy hạng nhẹ; 186 súng máy có băng đạn cỡ trung; 672 súng cối nòng 5 cm; 96 súng cối nòng 7,5 cm; 93.738 lựu đạn; và 4.896.303 viên đạn. Họ không có bất cứ súng máy hạng nặng nào, chứ chưa nói đến các vũ khí hạng nặng như xe tăng, đại bác, máy bay hay tàu chiến.
Suốt những ngày tháng mười năm đó, đồng thời với việc ra nhiều quyết định quan trọng này đến quyết định quan trọng khác, Ben-Gurion cũng theo đuổi quyết định chiến lược quan trọng nhất của Cuộc chiến Độc lập: Không bỏ bất cứ kibbutz (khu định cư người Do Thái - Thanh Niên) nào, ngay cả nếu nó nằm phía trong biên giới của quốc gia Ả Rập. Vì thế, Haganah được yêu cầu phải rải quân trên toàn quốc và duy trì đường giao thông và liên lạc với từng kibbutz. Ông cũng chỉ ra rằng nếu thỏa thuận chia tách không phải là cái mà lãnh đạo của Phong trào Xiôn thích thú thì thỏa thuận sau đó sẽ là cố gắng mở rộng bờ cõi của quốc gia Do Thái. Câu “chúng ta không nhân nhượng biên giới lãnh thổ” đã tự nói lên tất cả.
Vào ngày 7.11.1947, Haganah ban hành sắc lệnh về “kiến trúc quốc gia”, qua đó đặt nền móng cho việc hình thành Lực lượng Vũ trang Israel. Ba tuần sau, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua việc chia tách Palestine và Cuộc chiến Độc lập bắt đầu với lượng khí tài hầu như không có gì.
Khi biết Liên Hiệp Quốc thông qua, Ủy ban Cấp cao Ả Rập tuyên bố cuộc tấn công ba ngày. Chiến sự từng bước nghiêm trọng hơn, đụng độ giữa người Do Thái và người Ả Rập nổ ra không đoán trước.
Tháng 11.1947, sau nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, Ben-Gurion triệu tập Ehud Avriel đến văn phòng. Avriel, 30 tuổi, sinh ra ở Vienna và là thành viên của kibbutz Mordechai […] Từ túi áo, Ben-Gurion lấy ra một tờ giấy nhỏ được gấp lại nhiều lần. Nó ghi chủng loại và số lượng vũ khí mà ông muốn mua ngay lập tức: “10.000 súng trường, 2,5 triệu băng đạn, 50 súng bán tự động, 100 súng máy”. Avriel bay đi Geneva rồi đi Paris.
Đến cuối tháng 5.1948, Avriel đã mua 24.500 súng trường, trên 5.000 súng máy hạng nhẹ, 200 súng máy hạng trung, 54 triệu băng đạn và 25 máy bay Messerschmitt của Đức để lại sau Thế chiến. Tuy nhiên, do sự kiểm soát chặt chẽ của các nhà chức trách Anh, hầu hết các vũ khí này đã không về nước mãi đến sau khi lập quốc. Trong lúc đó, Haganah bắt buộc phải chiến đấu với số vũ khí nghèo nàn mà họ có.
Ben-Gurion biết nỗ lực mua từng loại vũ khí là không được ngừng nghỉ và ông cũng không cho ai nghỉ ngơi. Ông thúc giục các nhà khoa học làm việc để chế tạo súng phun lửa; ra lệnh nghiên cứu tìm hiểu bí mật của kính chống đạn; yêu cầu báo cáo chi tiết về các thí nghiệm chất nổ và vũ khí bí mật […] Ông chỉ định cho Pinhas Sapir thực hiện ngay lập tức việc đặt hàng thép cho xe bọc thép. “Tôi đặt 200 tấn nhé?”, Sapir hỏi. “Đặt 500 tấn!”, ông trả lời.
Tuy nhiên tất cả việc mua vũ khí ở quy mô lớn đó, rồi đầu tư vào sản xuất trong nước và nhu cầu về chi phí cho quân đội đang phát triển đòi hỏi một khoản tiền khổng lồ - mà lại không có tiền. Ben-Gurion quyết định sẽ bay đi Mỹ để thăm dò và huy động từ 25 đến 30 triệu đô la từ cộng đồng Do Thái ở đó […] Golda Meir (người về sau trở thành Ngoại trưởng rồi Thủ tướng Israel - Thanh Niên) sốt sắng và đề nghị được thực hiện sứ mệnh đó.
Đề nghị của Golda được chấp nhận, ngày hôm sau bà đi Mỹ. Bà thậm chí không kịp về Jerusalem để lấy áo lạnh, không mang theo hành lý và trong ví chỉ có đúng 10 đô la […] Trong vòng hai tháng, bà đi khắp nước Mỹ, huy động tiền cho việc mà Ben-Gurion gọi là “Lời kêu gọi thép”. Khi trở về, bà đem theo khoảng 50 triệu đô la, gần gấp hai những gì bà đã hy vọng huy động được. Ben-Gurion đã nói với bà: “Một ngày nào đấy, lịch sử được ghi lại, nó sẽ nói rằng có một phụ nữ Do Thái đã kiếm được khoản tiền đủ để kiến tạo một quốc gia”.
Ngô Minh Trí
(lược trích)
>> Ben Gurion và lịch sử hình thành nhà nước Israel: Tìm về vùng đất cha ông
>> Biệt đội tình báo tự kỷ của Israel
>> Vì sao Israel tuyển dụng các binh sĩ mắc bệnh tự kỷ?
Bình luận (0)