1. Nơi chúng tôi về cứu trợ, cùng đi với đoàn của Công ty sữa quốc tế IDP, là địa bàn ngập trũng của xã Trung Hải, H.Gio Linh. Vùng đất đồng lúa ngút ngàn những mùa tươi xanh ngày nào, bây giờ trắng nước. Cả 6 thôn ở xã này gồm Cao Xá, Hải Chữ, Bách Lộc, Xuân Long, Xuân Mỵ và Xuân Hòa đều bị ngập sâu từ 1 đến 2 mét. Đường vào xã nước đã rút, nhưng trụ sở xã nay muốn vào phải lội bì bõm trên cả đầu gối. Vùng hạ nguồn này của dòng Bến Hải có một nhánh sông gọi là Cánh Hòm nối 2 dòng sông nổi tiếng của Quảng Trị, từ sông Bến Hải nối dài đến sông Thạch Hãn. Bắc qua sông Cánh Hòm là cầu Hải Chữ, nơi xưa kia có nhiều tiếng súng vọng về hàng đêm.
Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Trung Hải, xắn cao ống quần lội nước, bước nhanh lên đường cho biết: “Thường mỗi năm nếu có mưa nhiều, nước từ thượng nguồn sông Bến Hải đổ về, có vài nơi ngập nhưng chưa bao giờ bị nặng như năm nay”. Những bà con ở xa tất tả mặc áo mưa lội nước đến nhận quà cứu trợ. Một bà cụ khắc khổ, gầy yếu nói rằng, ở vùng này tự xưa đến nay, lúc còn chiến tranh thì bom đạn ngập đầu, qua thời bình lại phải gánh gồng lụt lội. Vì vậy, sự giúp đỡ của cả nước là sự an ủi rất lớn. “Tui già ngần này tuổi, trải qua bao biến cố đau thương, nhưng trận lụt ni chắc khó quên, vì con nước quá dữ…”
|
Điều khiến vị đại diện Công ty sữa quốc tế IDP trăn trở khi nghe câu chuyện, là ở một xã vùng trũng, bao bọc bởi hai dòng sông, mà lại thiếu xuồng cứu hộ. Sau khi nghe đại diện của xã trình bày rằng, lúc nước dâng trong đêm, lực lượng cứu hộ tập trung rất nhanh nhưng lại… thiếu xuồng. Phải đẩy ghe đi từng nhà có người già yếu, trẻ con để bồng bế bỏ lên ghe đẩy đến vùng cao hơn một chút. Người phụ nữ nhỏ nhắn, nhiệt tâm với việc thiện nguyện, đã quyết định tặng cho xã 7 chiếc xuồng, với tổng trị giá 175 triệu đồng. Chị nói, ngắn gọn: “Cứ để sẵn xuồng ở mỗi thôn, khi có việc cần cứu hộ mùa lũ sẽ cơ động hơn”. Nghe anh Nguyễn Hồng Quân, Bí thư huyện đoàn Gio Linh cùng đi với đoàn cứu trợ, cho biết “sau lũ, trường lớp bị ngập và các cháu học sinh cũng sẽ rất cần sách vở và nhiều loại đồ dùng học tập”, chị cũng quyết ngay tại chỗ “là sẽ nhanh chóng cho chuyển sữa và các loại văn phòng phẩm như tập vở, bút mực, để các cháu có thể trở lại trường sớm nhất khi có thể”.
|
|
2. Vượt qua chiếc cầu Hiền Lương lịch sử, chúng tôi đến Vĩnh Linh. Đường đi nước đã rút, nhưng nhìn quang cảnh xác xơ tiêu điều. Rều rác vẫn còn vương vãi trên đường, là dấu vết của cơn lũ vừa đi qua. Vẫn là cảnh đồng quê nước bạc mênh mông. Thấp thoáng vài người dân chèo ghe đi giăng lưới, kiếm ít cá tươi giữa con nước tràn bờ. Do đặc thù làng quê vùng trũng, bà con lại cư ngụ giữa đồng, mỗi làng có vài con đường nhỏ chạy thẳng vào từ quốc lộ, nên đường vào làng vẫn còn ngập. Những mép bờ cỏ lơ thơ ngoi dậy ở hai bên, còn giữa đường vẫn ngập gần hết bánh xe máy. Đồng bào vùng trũng Vĩnh Linh vẫn phải kiên cường bám trụ sống chung với lụt lội như thế, đã bao đời nay.
|
|
Ở trung tâm cộng đồng thôn Sa Nam của xã Vĩnh Long, bùn non vẫn còn trên sàn nhà, đã khô bong. Người dân 15 thôn thuộc xã này như Sa Nam, Sa Bắc, Thống Nhất… đã hơn một tuần chống chọi. Bác Bùi Đức Tùng, 74 tuổi, người dân Sa Nam cho biết, từ xưa cha ông ở đây phải ráng nhìn trời nhìn đất mà đoán con nước khi nào lên, khi nào rút. Nhưng bây giờ, dự báo thời tiết đã cung cấp thông tin hàng giờ nên cũng giúp cho người dân chủ động. “Chỉ có điều, vùng trũng thì lúc mô cũng phải ở tư thế chuẩn bị. Nghe tin về cơn bão số 8 sắp vô, tui và bà con rất lo, nhưng vẫn chưa nghe thông tin chính xác là sẽ đổ bộ vùng nào. Nếu bây giờ phải gánh chịu một trận bão nữa, chắc nhà cửa sập hết, vì đã ngấm nước nhiều ngày”, bác Tùng than thở.
Ở Vĩnh Linh, một huyện giới tuyến đã một thời chia cắt, nhìn bà con vẫn lam lũ trong lụt lội những ngày này, mới thấy mảnh đất được gọi tên là Minh Linh gần cả mấy trăm năm trước luôn là một địa bàn gánh chịu bao nỗi trầm luân khổ ải. Nhưng mỗi mặt người đều ánh lên một khí chất kiên cường. Có lẽ với người lớn tuổi, những cuộc chiến từng đi qua đã trui rèn ý chí bản lĩnh cho họ. Cảm nhận ấy của riêng tôi, khi mùa lũ với con nước dâng lịch sử đi qua nơi này, cũng chung với nhiều người cùng đi.
|
|
3. Gần 5 giở chiều, tôi trở lại Gio Linh. Nước dòng Bến Hải cuộn chảy xiết dưới những thanh trụ đỡ chiếc cầu sắt Hiền Lương ngày xưa. Cột cờ giới tuyến vẫn sừng sững chứng tích. Bỗng nghe điện thoại của đứa cháu từ Gio Linh đang cùng bạn bè đi phát quà và cùng mọi người nấu cơm tiếp tế cho vùng trũng xã Vĩnh Lâm của H.Vĩnh Linh vẫn chưa về. Một câu nhắn qua điện thoại và những cảnh quay clip được phát trực tiếp trên Facebook về cảnh vượt qua những đoạn đường ngập và những hộp cơm nóng nghĩa tình, nghe rưng rưng xúc động.
Bà con đôi bờ Bến Hải vẫn luôn trung tín với nhau trong nghĩa đồng bào. Tiếng mưa và dòng nước chảy, bầu trời u ám xám xịt như đã lặn chìm sâu đâu đó trong tâm thức. Tưởng như, những năm tháng chia cắt ngày nào ở vĩ tuyến 17 không còn tồn tại. Một ranh giới chiến tranh đã đi vào lịch sử, nay trong những xót đau tai ương bởi lũ lụt, lại chắp cánh cho những điều tốt đẹp nhất. Thốt nhiên nghĩ rằng, lòng người khi đã không còn biên giới, thì mọi bền chặt yêu thương vẫn cứ còn hiển hiện…
Quảng Trị mùa lũ, cuối tháng 10.2020
Bình luận (0)