Ông Đoàn Ngọc Hải lùng sục siêu thị, mua đồ cứu trợ người miền Trung: 'Tôi không nhận tiền'

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
21/10/2020 14:34 GMT+7

Ông Đoàn Ngọc Hải sau những chuyến xe 0 đồng bôn ba Bắc Nam để đưa người nghèo bị bệnh về nhà vừa cùng PV Báo Thanh Niên có chuyến “cứu trợ đột xuất” với bà con vùng lũ Quảng Trị. Chiếc xe cứu thương của ông đến đâu, niềm vui và nụ cười theo đến đó.

Đến nhận hàng và... chụp ảnh với bác Hải
5 giờ sáng 21.10, chuông điện thoại của PV Thanh Niên reo lên, thoáng “sốc” vì đầu dây bên kia báo: “Tôi Đoàn Ngọc Hải đây, tôi có 4.000 hộp sữa đặc, trị giá 90 triệu đồng, muốn tặng bà con Quảng Trị, anh kết nối giúp”. Số sữa này theo ông Hải là do một người dân tên là Võ Đình Khôi (Phú Xuyên, Hà Nội) nhờ ông dùng xe cứu thương chở vào miền Trung.
Nói đồng ý, nhưng người viết cũng hơi cuống vì ông nói chỉ 3 tiếng nữa tới nơi…

Ông Đoàn Ngọc Hải lái xe cứu thương vượt lũ, cứu trợ bà con miền Trung

Mua thịt hộp nhưng rất kỹ tính...

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

15 phút sau, điện thoại lại reo, ông Hải lại nói: “Nhờ anh mua thêm 800 hộp cá hộp, thịt hộp để tôi tặng thêm bà con nhé”.

Ông Hải lái xe đi xuyên qua vùng lũ miền Trung

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Đúng 9 giờ, ông Hải đến nơi, “chào nhau” bằng cùi chỏ theo… kiểu Covid-19, người đàn ông nổi tiếng với đôi dép tổ ong, giục mọi người di chuyển nhanh để mua thực phẩm ở siêu thị. Khi ông xuất hiện, dù bị vây bởi “người hâm mộ”, nhưng ông Hải vẫn tỉ mẫn xem từng thùng hộp cá, thịt, xem hạn sử dụng. Đoạn ông Hải nói: “Bà con ăn mỳ tôm, gạo nhiều rồi…tôi muốn tặng bà con ít thịt hộp để tặng bà con để bổ sung chất dinh dưỡng, chống teo cơ”, ông Hải cho hay. Với ý tưởng này, ông Hải thậm chí đi quanh một vài siêu thị lân cận để gom… thịt hộp cho bằng được.

Chiếc xe cứu thương nhưng lại mang niềm vui cho bà con vùng lũ.

Ông Đoàn Ngọc Hải mua phở gà đãi trẻ em Hà Giang ăn sáng

“Cái khổ” của ông Hải chính là việc vì quá nổi tiếng nên đi đến đâu ông cũng bị “túm” lại xin chụp hình. “Tôi biết họ quý tôi, họ thương tôi, nhưng tôi đang gấp việc đi làm từ thiện tôi không thể bà con ở nơi ngập lụt chờ đợi mình, dù chỉ là một phút”, ông Hải nói.

Chiếc xe của ông Hải chở đầy sữa đặc

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Rất chớp nhoáng, chiếc xe cứu thương của ông Hải hướng thẳng về đường Xuyên Á để về xã Gio Quang và xã Gio Mai (H.Gio Linh, Quảng Trị). Tại 2 địa điểm này, ông Hải tặng mỗi nơi 2.000 hộp sữa đặc và 800 hộp thịt hộp.

Ông Hải giữa vòng vây của bà con...

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Mưa lớn nhưng bà con đã đến rất sớm mà lý do theo họ là để: gặp ông Đoàn Ngọc Hải. “Mưa lụt nhà tôi thiệt hại nhiều chứ, tôi rất cần hàng cứu trợ về vật chất, nhưng tôi cũng muốn gặp…thần tượng của chúng tôi chứ. Để chụp ảnh đăng mạng xã hội khoe bác Hải về cứu trợ quê mình”, bà Lê Thị Lương, thôn Mai Xá Thị (xã Gio Mai) nói.

Ông Hải đặc biệt chú ý đến người già,

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Chưa bao giờ việc phát quà cứu trợ bão lụt lại…vui như khi có mặt ông Hải, bà con luôn nở nụ cười rạng rỡ, tay ai cũng lăm lăm chiếc điện thoại để quay phim chụp ảnh.

Người Hà Giang ngạc nhiên thấy ông Đoàn Ngọc Hải chạy marathon ngang nhà mình

Muốn làm từ thiện bằng chính tiền của mình
Ông Hải cho biết, ý tưởng về cứu trợ bà con miền Trung lóe lên trong ông khi ông lái xe từ Hà Giang trở về và biết tin miền Trung đang ngập trong tang thương. Cũng theo ông Hải, nhiều người nhờ ông “trao gửi” hàng quà về vùng lũ nhưng ông chọn chở 4.000 hộp sữa đặc vì theo ông đây là thứ thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, dễ sử dụng và cần cho bà con lúc này.

ông Hải khui từng thùng sữa.

ảnh: NGUYỄN PHÚC

“Biết chuyện tôi cứu trợ, rất nhiều người liên hệ để xin số tài khoản chuyển tiền cho tôi, có người còn đòi gửi cả mấy chục ngàn USD nhưng tôi không nhận. Thứ nhất là trước đến nay ai cũng biết là tôi không thích nhận tiền. Nếu nhận hàng thì tôi sẽ xem xét xem cái hàng đó có hữu ích không để nhận. Như cái anh Khôi kia đưa 4.000 hộp sữa (trị giá 90 triệu) nhưng trước đó ảnh đưa tôi 100 triệu tiền mặt thì tôi không lấy. Phần nữa tôi phàm tôi đi làm từ thiện là tôi muốn dùng từ chính tiền của tôi. Anh thấy đấy, tôi bán đồng hồ, bán xe rồi mới đi làm việc thiện chứ có ngửa tay xin ai đồng nào đâu”, ông Hải nói.
Giải thích thêm về việc từ chối nhận tiền, ông Hải cho biết, đó là quy tắc của ông, để tự răn mình. “Nếu mình nhận tiền người ta thì sẽ quen, rồi mình không dùng tiền của mình, rồi có tâm lý ý lại, thậm chí lợi dụng. Tôi hoàn toàn có thể ở nhà nhắn tin chuyển khoản vài ba chục triệu cho người này người kia đi trao. Nhưng tôi không muốn thế, tôi muốn mình tự kiếm tiền và dùng số tiền đó đi làm việc thiện”, ông Hải bày tỏ quan điểm.

Ông Hải nói ông thích lái xe 1 mình.

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

“Tôi nói ra có nhiều người bảo tôi lắm chuyện nhưng tôi thấy nhiều người nhìn nhận chưa đúng về việc làm từ thiện. Không phải đi vài chuyến về nơi này nơi kia, giúp người này người kia là …ghê gớm đâu. Đó là cả một quá trình lâu dài và bền bỉ. Làm phải đúng thời điểm, đúng người, đúng việc. Và nói cho cùng, những việc làm từ thiện cũng không là gì so với sự hy sinh, vất vả của các chiến sĩ bộ đội, công an. Giữa lũ lụt này, việc đó càng đúng”, ông Hải chốt hạ.
Ông Hải cũng bảo rằng trước nay ông toàn chở người đau ốm, người chết nên thú thật là không khí hơi buồn thương, nhưng lần này đi phát quà cho bà con thấy bà con vui nên mình cũng vui lây.
3 giờ đồng hồ lưu lại Quảng Trị, ông Hải đã hoàn thành những công việc của mình với “hoa tiêu” là PV báo Thanh Niên. Chứng kiến sự vất vả của bà con Quảng Trị, ông Hải hẹn với tôi rằng lần trở ra Bắc trong tuần tới để đón hài cốt liệt sĩ, ông sẽ mang theo nhiều áo quần, tập vở…cho trẻ em vùng lũ Quảng Trị. “Tôi sẽ trở lại”, ông nhắc lại nhiều lần như một lời hứa.

Ông Đoàn Ngọc Hải chia tay xe cổ Daihatsu, nhận 4 tỉ làm từ thiện

Ông Hải nói chuyện với lãnh đạo UB MTTQ tỉnh Quảng Trị.

ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Trong chuyến đi lần này, ngoài món hàng vật chất tặng cho bà con vùng lũ, ông Hải còn đến tận Ủy ban mặt trận tổ quốc tỉnh Quảng Trị để trao số tiền 66 triệu đồng, nhờ đơn vị này chuyển đến các gia đình có người mất trong mưa lũ. “Đáng nhẽ tôi phải đến tận nơi, trao tận tay cho người ta, nhưng thú thật là tôi không đủ sức, phần nữa là nhiều nơi còn lũ, còn sạt lở, còn chia cắt, nên xin nhờ các anh chị chuyển giúp, càng sớm càng tốt”, ông Hải nói. Ngoài ra, theo ông Hải, trước đó, ông có ghé vào Quân khu 4 để gửi 65 triệu đồng nhờ Quân khu giao về cho thân nhân 13 liệt sĩ hy sinh trong quá trình cứu trợ ở thủy điện Rào Trăng 3.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.