Nghẹn ngào tình người miền Trung: 'Nhà 5 người chú lấy 3 suất chia ra ăn, nhường người khác'

Trần Kim Anh
Trần Kim Anh
21/10/2020 12:09 GMT+7

Cũng nằm trong rốn lũ H.Lệ Thủy ( Quảng Bình ), nhưng những người dân ở khu vực không ngập sâu đã đồng lòng cùng nhau nổi lửa, gom thực phẩm để đưa đến cho bà con vùng ngập sâu những phần cơm nóng no bụng lúc khó khăn, gian khổ này.

Người góp gạo, người cho con gà…

“Có chú hơn 40 tuổi nhận 3 phần cơm, tôi hỏi nhà chú có mấy người, chú trả lời nhà chú có 5 người, chú lấy 3 suất rồi chia ra ăn tạm còn lại để nhường cho người khác… Giao cơm đến tay bà con, nhiều lần chúng tôi - cả người giao và cả người nhận cơm đều rưng rưng rồi òa khóa”, chị Hồng Nhung xúc động kể với Thanh Niên.

Bữa ăn tối tăm sau 1 tuần không cơm ăn trong vùng lũ Quảng Bình

Người dân vùng ngập sâu rưng rưng khi nhận được phần cơm ấm bụng

Ảnh: Hồng Nhung

Xe chở những phần cơm đến bà con vùng ngập sâu

Ảnh: Hồng Nhung

Nhiều nơi ngập sâu, xe chở đồ ăn gặp khó khăn khi di chuyển

Ảnh: Hồng Nhung

Khốn khổ nhịn đói suốt 3 ngày trong cơn lũ lịch sử ở Quảng Bình

Chị Huỳnh Thị Hồng Nhung là một trong những người khởi xướng bếp ăn từ thiện ở Thị trấn Nông trường Lệ Ninh (H.Lệ Thủy, Quảng Bình). Bắt đầu từ ngày 19.10 vừa qua, chị Nhung cùng một số người quen cùng có suy nghĩ (chị Thảo, chị Xuân, chị Chung, chị Hằng, chị Lành) đã đứng ra kêu gọi mở bếp từ thiện để nấu những phần cơm nóng mang đến cho bà con các xã ngập nặng trên địa bàn huyện.
Chị Nhung kể sau khi nung nấu ý định, chị đăng thông tin lên Facebook để mong có được sự chung sức của nhiều người. Chỉ sau một thời gian ngắn, các chị nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con tổ dân phố Liên Cơ (thị trấn Nông trường Lệ Ninh) và một số chị em tâm huyết. Với sự đoàn kết, góp sức của một số người dân trên địa bàn, bếp yêu thương của chị đã có thể giúp đỡ được nhiều bà con.
“Xúc động lắm em ạ! Người dân ở đây, ai may mắn ở nơi đỡ ngập nặng cứ người góp một ít, dồn thực phẩm lại và dựng nên bếp yêu thương. Có người góp gạo, có người mang thêm con gà, rồi mua thêm thịt heo để bà con ấm bụng qua cơn đói rét. Người dân đoàn kết lắm, đến nay bếp có khoảng 30 người cùng nhau chuẩn bị phần cơm, trong đó có cả những em mới lớn, phụ nữ, người lớn tuổi, đàn ông…”, chị Nhung chia sẻ.
Chị Nhung kể một ngày của các thành viên bếp yêu thương bắt đầu từ 6 giờ sáng, bếp trưởng lên thực đơn và chuẩn bị nấu ăn, đến 10 rưỡi - 11 giờ trưa bà con đã nhận được cơm ăn. Đến buổi chiều từ 15 giờ - 15 giờ 30 là lần phát cơm thứ 2 trong ngày ở các khu vực xa hơn.
Ngày đầu tiên thực hiện bếp yêu thương, nhóm của chị Nhung đưa đến được cho bà con một số xã như Sơn Thủy, Hoa Thủy, An Thủy hay Bệnh viện Đa khoa Lệ Thủy... khoảng 400 suất cơm, đến ngày thứ 2 con số tăng lên gần gấp 3 lần và chị nói rằng ngày thứ 3 sẽ lại tăng lên đến 1.500 suất, số lượng cứ tăng lên mỗi ngày. Dự định của bếp có thể làm từ 7-10 ngày và cố gắng duy trì đến khi bà con vẫn còn cần.
Chị Nguyễn Ngọc Xuân và chị Ngô Thị Thanh - chủ 2 quán ăn sáng trên địa bàn thị trấn nay trở thành bếp trưởng của bếp yêu thương, bắt nhịp cho mọi người làm việc một cách nhanh chóng, nhịp nhàng. Thực đơn các món ăn của bếp đa dạng như: sườn rim, thịt lợn kho nước, cá khô rim lạc… và bếp vẫn đỏ lửa mỗi ngày.

Những “hiệp sĩ” làng biển đưa thuyền đánh cá cứu hộ vùng lũ Quảng Bình

Bị đâm cọc tiêu, thủng thuyền khi trao cơm

Do thuyền lớn, khi thuyền di chuyển qua tạo sóng đánh mạnh vào nhà dân nên sau ngày đầu tiên trao cơm, nhóm trao cơm của chị Hồng Nhung đã phải phối hợp với chính quyền địa phương để được hỗ trợ trao cơm tận nhà cho bà con. Riêng những vùng gần hơn, nước không quá sâu, nếu có thể nhóm vẫn sẽ lội nước hoặc sử dụng xe máy để hỗ trợ bà con kịp thời.
Là một xã khác trên địa bàn huyện Lệ Thủy, xã Ngư Thủy cũng có một bếp yêu thương do người dân xã cùng nhau nấu những phần cơm nóng trao đến bà con vùng ngập sâu. Chị Lê Thị Hà là một trong những thành viên khởi xướng bếp cơm từ thiện này.

Xe chở thuyền của ngư dân ra vùng ngập sâu ngay trong đêm

Ảnh: Lê Thị Hà

Bà con xã Ngư Thủy luôn đồng lòng, chung tay cùng nhau nấu những phần cơm

Ảnh: Lê Thị Hà

Những bữa ăn vội trên đường mang cơm nóng đến cho bà con vùng ngập sâu

Ảnh: Lê Thị Hà

“Đêm nước lên, nghe bà con kêu cứu vì trôi hết đồ và không có thức ăn, chúng tôi dường như đã có một đêm không ngủ. Nghĩ rằng mình may mắn hơn và chúng tôi quyết phải làm gì đó giúp bà con. Tôi đã cùng một số anh chị em đứng lên kêu gọi bà con, thanh niên đưa thuyền bè vào vùng lũ ngay trong đêm để giúp dân vào sớm mai. Ngay đêm đó, bà con đã cùng nhau ke xuồng ghe lên xe để chở xuồng đến vùng ngập sâu. Còn tôi và một số người khắc bắt đầu nấu những phần cơm. Người góp con gà, con cá rồi nấu những suất cơm đầu tiên gửi theo xuồng đưa đến bà con”, chị Hà tâm sự.

Nỗi lòng người miền Trung ở Sài Gòn: Mất ngủ, nghe tiếng mẹ cha kêu cứu xé lòng!

Ngày đầu tiền bếp yêu thương của xã Ngư Thủy đã trao được khoảng 1.500 suất cơm cùng nhu yếu phẩm. Tuy nhiên trên đường đưa cơm đến người dân vùng lũ, chị Hà cho biết đoàn đã gặp không ít khó khăn.
“Trên đường đi trao mưa to gió lớn, sóng mạnh, mấy anh ngư dân bảo rằng họ đi biển chỉ khi biển động còn lại bình thường sóng không mấy khi to đến như vậy. Vì sóng quá mạnh, thuyền lại va chạm phải cọc tiêu, hàng rào bên dưới nên đoàn chúng tôi có vài lần gặp trục trặc, có vài xuồng hư hại. Nhưng may mắn đến nay chúng tôi vẫn chưa có chuyện gì nghiêm trọng xảy ra và quan trọng bà con luôn lạc quan và đồng lòng”.
Tấm lòng người miền Trung, nơi khó khăn, nơi an toàn như bao con người đất Việt ấm áp chia sẻ che chở nhau ngày hoạn nạn. 

Mếu máo cầu cứu vì nhà ngập sâu mà bố mẹ kẹt bên trong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.