Lập luận của ông Jammeh nặng lời đến mức chẳng khác gì buộc tội, khi coi đó là một tổ chức "thực dân mới". Có thể thấy lý do mang tính chính trị và không gì khác ngoài quan hệ đầy trục trặc giữa cá nhân ông Jammeh với chính phủ Anh nói riêng và EU nói chung.
Hai năm trước, ông Jammeh cáo buộc London hậu thuẫn phe đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống. Còn EU vẫn thường xuyên phê trách chính phủ Gambia về dân chủ và nhân quyền. Năm ngoái, Khối Thịnh vượng chung khuyến nghị Gambia thành lập những ủy ban về nhân quyền, tự do báo chí và chống tham nhũng, song ông Jammeh bác bỏ vì coi đó là sự can thiệp vào công việc nội bộ. Qua đó có thể thấy ông Jammeh rất hận Anh và EU.
Với Anh và Khối Thịnh vượng chung, mất đi thành viên là chuyện chẳng hay ho gì nên họ không thể không tiếc. Việc ấy bộc lộ nội bộ khối không thuần nhất và vai trò chủ chốt của nước Anh ngày càng suy giảm. Từ khi ra đời năm 1931, tổ chức này vẫn rất lỏng lẻo và nặng về danh nghĩa hơn thực chất. Có "hội hè chung" nhưng chưa có "thịnh vượng chung" như tên gọi. Giá trị và hiệu ích với các thành viên chưa nhiều và nhất là chưa thiết thân, nên các thành viên chưa thấy cần thiết phải gắn bó sống còn.
Động thái trên có thể làm ông Jammeh nguôi hận, nhưng thực chất gần như chẳng giúp gì cho Gambia. Dù sao tổ chức này vẫn là một diễn đàn đa phương và sân chơi quốc tế mà nếu biết cách tham gia thì vẫn có nhiều lợi ích.
Thảo Nguyên
Bình luận (0)