Ở xứ tôi, ai ai cũng thuộc nằm lòng bài vọng cổ Tình anh bán chiếu mặc dù cả xóm này quanh năm suốt tháng chỉ biết “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” chứ có biết gì đâu đến cái nghề đan lát, dệt chiếu. Vậy mà chẳng ai thuộc bài nào về cái nghề nông, đi đâu cũng nghe người ta ngân nga bài ca bán chiếu. Nghĩ cũng ngồ ngộ.
Bà con quê tôi từ lâu đã xem câu hò, điệu lý, bài ca cổ là những món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày |
Phan Thanh Cường |
Nếu có dịp ghé thăm miền Tây, thì tôi khuyên bạn nên xin ở lại qua đêm tại một ngôi nhà nào đó, lúc đấy bạn sẽ cảm nhận được sự phóng khoáng, hào sảng, hiếu khách của người miền Tây và đặc biệt hơn là bạn sẽ được thưởng thức món đặc sản tinh thần miền Tây: câu vọng cổ, ly rượu tình, tách trà nghĩa.
Đôi chiếu Càn Long được trải trang trọng trước sân nhà. Ở quê tôi, nhà tôi cũng có một khoảng sân phía trước, nơi đấy sẽ là nơi bày biện bàn ghế trong những ngày giỗ quải, là nơi che rạp cưới để dựng vợ, gả chồng cho con cái và đặc biệt hơn là nơi để bà con trong vùng sau mỗi vụ gặt lại tụ họp về dưới mảnh trăng non treo lững lờ trên đọt cây dưới mé kênh. Giọng ca ngân nga vang đều vài ba câu vọng cổ, từng giọng ca hòa vào sương đêm rơi đều trên đầu cây ngọn cỏ, bồng bềnh như con sóng dưới lòng sông. Ở xứ tôi, việc tụ họp xóm giềng sau mùa gặt đã như là một thông lệ. Bên ly rượu đế, chung trà chú Tư rao nhẹ mở đầu bài Lý chim xanh làm nóng bầu không khí. Cô Sáu rủ chú Bảy song ca mở màn bài Chợ Mới, bài ca đi qua bao năm tháng nhưng mỗi lần vang lên lại làm lòng tôi thêm xúc động “cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi. Mà ai cũng bảo rằng Chợ Mới quê hương…” giọng cô Sáu, chú Bảy muồi hơn là chuối hương chín rục. Mỗi bận cô chú xuống xề là bà con vỗ tay không ngớt, tôi nghe quanh mình tiếng vỗ đùi chát chát kèm theo bao lời khen nức nở.
Bà con quê tôi từ lâu đã xem câu hò, điệu lý, bài ca cổ là những món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng câu nệ chuyện ca hay, hát dở chỉ cần bạn có máu văn nghệ trong người thì dù xuống câu vọng cổ có hụt hơi, chinh dây hay phô chữ đều được bà con vỗ tay khen ngợi “cái thằng xuống câu vọng cổ nghe mát ruột”. Còn nếu bạn vẫn chưa đủ tự tin để phô diễn giọng ca của mình thì cứ làm theo lời mấy chú, mấy bác: "nốc ly rượu là ca ngọt sớt liền, hơn Minh Vương, Lệ Thủy". Theo bản thân tôi cảm nhận thì cách này quả thật hiệu quả vô cùng, bằng chứng là chú Năm Hên nói không phải chê nhưng chú chỉ ca hay khi có chút men trong người mà thôi, lúc đó chú cất giọng ca chẳng thua gì nghệ sĩ Thanh Tuấn khi ca bài Xuân này con không về, “chiều nay én liệng trời cao mai đào vàng trên rẫy. Nẻo quê hương mù xa dịu viễn mẹ ơi xuân năm nay chắc con sẽ không về…” các mẹ, các bà ngồi trông nhà cũng nói vọng ra "chú Năm ngà say ca hay như Thanh Tuấn á nha", rồi mọi người cũng cười vang, tiếng cười hào sảng nối đuôi nhau làm át cả tiếng cóc kèn nơi bụi ô rô dưới mé sông quê.
Gió từ lòng sông Vàm thổi lên mát rượi. Tiếng đờn của chú Tư vẫn vang đều nơi xóm nhỏ. Xứ tôi không chỉ có ông già, bà cả mới mê câu vọng cổ mà đám thanh niên đến bọn con nít cũng mê điếu mê đổ. Dưới ánh sáng trắng mờ ảo, lập lòe của đèn Măng Xông đan xen nào là Cổ Bản, Phụng Hoàng, Tứ Đại Oán,… rồi trời trở về khuya, hơi sương hòa quyện hơi sông chú Tư uống cạn ly rượu cho ấm bụng rồi trở đờn dạo bản Văn Thiên Tường nghe xốn xang tâm dạ, Giang Nam, Lưu Thủy, Bình Sa Lạc Nhạn lay lắt âm vang trọn vẹn hai mươi bài bản Tổ. Chai rượu đế thứ ba cũng đã cạn dần, giờ tôi mới thấm cái câu “Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu” người rao đờn, người hòa giọng mọi người trong xóm tôi chẳng khác nào là Bá Nha với Tử Kỳ thuở trước trên bến Tầm Dương gửi nỗi lòng qua cung đờn, tiếng nhạc.
Bạn thấy không, người miền Tây tôi đơn giản đến dễ chịu. Chẳng cần bàn ghế sang trọng, chẳng màng mĩ vị cao sơn chỉ đơn giản đôi chiếu trải chỉnh chu giữa trời, con cá lóc đồng vừa tát đìa hồi chiều đem nướng rơm làm mồi nhậu, vài ba chai rượu đế và không thể thiếu cây đờn kìm chỉ cần vậy là vui trọn một đêm say. Bài vọng cổ từ lâu đã ăn sâu vào tâm khảm người dân quê tôi, vui cũng cất cao giọng hát lan tỏa niềm vui, buồn cũng ngân nga vài ba câu hò, điệu lý xua cái buồn rơi nhẹ tênh.
Ánh trăng non rớt dần sau triền núi, một ngày mới lại bắt đầu, nắng sớm đồng trưa, tiếp tục tảo tần mưa nắng, rưới từng giọt mồ hôi lên những thửa ruộng cánh đồng mong mỏi lại một vụ mùa bội thu, bà con trong xóm lại tề tụ về bên ly rượu, chén trà ngân nga nghe vài ba bài ca vọng cổ dưới mảnh trăng hòa sương lạnh mát dịu lòng người.
Bình luận (0)