Phải lòng miền Tây

10/10/2022 11:00 GMT+7

Chắc hẳn trong cuộc đời mỗi người, ai cũng ít nhất một lần trải qua và hiểu được cảm giác yêu da diết một thứ gì đó đã khắc sâu trong tâm khảm. Thơ ca, âm nhạc thường hay nói về nỗi nhớ quê hương của những người con xa xứ và không biết tự bao giờ, tôi đã thấy mình trong đó.

Chiếc xe lao vun vút trên Quốc lộ 1A, vượt qua ranh giới TP.HCM và đang tiến vào địa phận Long An. Hành trình về quê của tôi đến lúc này bắt đầu dâng lên một cảm xúc khó tả và đây không biết là lần thứ bao nhiêu rồi nhưng cảm giác ấy vẫn cứ nguyên vẹn…

Vườn dừa trong nắng sớm (Tam Bình, Vĩnh Long)

TGCC

Ngày đầu tiên rời quê nhà Tam Bình, Vĩnh Long ra Đồng Nai làm việc, nước mắt tôi đã rơi vì cảm nhận được rằng tôi đã thật sự xa miền Tây dấu yêu, nơi chất chứa cả quãng đời thơ ấu dù nghèo khó nhưng tươi đẹp và tràn đầy hạnh phúc bên gia đình. Vậy mà thấm thoát, miền Đông đã cưu mang tôi suốt 26 năm qua và không biết còn bao nhiêu ngày tháng nữa trong cuộc đời. Lời nói tri ân sẽ là thừa nếu tôi không sống thật tốt và có ý nghĩa đối với quê hương thứ hai của mình.

Tôi nghĩ mình không ngoại lệ khi luôn đau đáu về nơi chôn nhau cắt rốn, có chăng sự khác biệt, chỉ là vì cái cách tôi nhớ quê nhà tha thiết, cồn cào trong từng hơi thở. Không ai chọn được nơi mình sinh ra nhưng có thể chọn được nơi mình trưởng thành. Riêng tôi, tha hương là sự sắp đặt của số phận và nó lúc nào cũng để lại cảm giác luyến tiếc như người ta không cam lòng đánh mất thứ đáng ra thuộc về mình.

Cả đại gia đình nội ngoại tôi đều sinh trưởng tại Vĩnh Long. Hình bóng quê nhà được lưu giữ vào ký ức của tôi từ những ngày ấu thơ đến lúc rời xa xứ như những thước phim tài liệu chân thật và sống động. Nó đã theo tôi đi khắp nẻo đường mưu sinh và chỉ chực chờ quay chậm lại theo dòng cảm xúc bất chợt mọi lúc mọi nơi.

Giai đoạn vất vả nhất trong cuộc đời ba má tôi chắc có lẽ là những ngày tháng tôi lên một tuổi, đó là năm 1975. Cùng với sự khó khăn tột cùng của gia đình cũng như đất nước những năm sau giải phóng, chị em chúng tôi lớn lên trong cảnh thiếu thốn về vật chất nhưng tràn đầy tình yêu thương của ba má và sự chở che đầy ân tình của quê hương xứ sở.

Tôi yêu đến nghẹt thở ngôi nhà lợp bằng lá dừa nước trên nền đất lô nhô. Trước sân nhà, hàng dừa nghiêng mình xuống cái mương đầy lục bình nở hoa tím ngắt, nơi mà lâu lâu ba má tôi dùng cái tay lưới cũ lội xuống kéo cá tép làm thức ăn cho cả gia đình. Sản phẩm có khi chỉ là mớ tép rong tươi roi rói nhảy tí tách, vài con cá lòng tong trắng muốt hay mấy chú cá sặc non thơm mùi cỏ. Nhưng buổi chiều hôm ấy, cả nhà đã có bữa cơm nóng hổi với nồi kho quẹt tổng hợp chấm các loại rau đặc sản miền quê ngon đến nao lòng. Vào những đêm trăng sáng mùa nước nổi miền Tây, chị em chúng tôi hay ngồi trên chiếc giường tre đặt nơi mé hiên nhà chơi trò mặc áo cô dâu chú rể huyền thoại. Lâu lâu, mấy cái ánh mắt tròn xoe liếc vội qua nồi khoai luộc đang bốc khói nghi ngút trên bếp để chờ má vớt ra và dúi vào tay mỗi đứa một củ khoai lang dương ngọc màu tím thơm ngất ngây. Chỉ cần nghĩ đến đây thôi, trái tim tôi thực sự thổn thức và muốn xin ngay một vé quay về tuổi thơ cùng nhân vật chính của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Những buổi chiều mưa rả rích nơi quê nghèo thường gây nên cảm giác buồn đến rơi lệ cho những ai lần đầu đến với miền Tây. Nhưng đối với tôi, đó là ký ức ngọt ngào không thể tìm lại trong cuộc đời. Vì giờ đây ngôi nhà xưa không còn nữa, cảnh cũ đã đổi thay, ba má đã già rồi, chị em mỗi người mỗi nẻo. Những bữa cơm chiều quây quần nơi chái bếp nhìn ra làn nước mưa rơi lộp độp trên mái lá sao ấm cúng và ngon đến lạ. Chờ cho trời tạnh mưa, má ôm chồng chén bát ra rửa phía sàn nước ghép bằng mấy tấm ván cũ. Xa xa phía dưới ao, mấy chú cá bẩy trầu quẩy đuôi nổi lên đớp thức ăn thừa rơi ra từ tay má. Khi đó, chị em chúng tôi í ới múc nước từ mấy cái lu đang căng phồng bụng vì đã uống no say dòng nước mát của cơn mưa chiều, rồi tranh té vào nhau trong tiếng cười giòn giã tuổi thơ. Trận chiến chỉ thật sự kết thúc khi má ngước nhìn lên trìu mến phán: "Thôi các con tắm vậy đủ rồi nhe, coi chừng bị cảm đó!".

Ký ức tuổi thơ sâu đậm đến nỗi sau này khi lớn lên và phải rời xa gia đình dấu yêu trên bước đường mưu sinh, tôi đã bị ám ảnh bởi tất cả những gì thuộc về quê hương. Bất kể khi bắt gặp một hình ảnh nào thuộc về miền Tây trên báo chí, sách vở, phim ảnh là lòng tôi cứ lâng lâng cảm xúc khó tả. Đặc biệt, những cảnh dỡ chà bắt cá, cất vó trên sông, rà cá, tát ao, đặt trúm lươn, kéo cá linh mùa nước nổi, chèo ghe hái bông điên điển, nhổ bông súng trên ruộng mùa mưa dông nước tràn bờ đê tháng bảy... nếu lọt vào tầm mắt của tôi thì xem như thế giới này tạm dừng lại chờ tôi.

Dòng sông Măng (đoạn chảy qua thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long)

TGCC

Rồi hình ảnh những ngôi chợ quê bày bán đủ các loại sản vật miền Tây như bánh trái, rau củ, cá tép, ốc sò, mắm muối… như thôi miên tôi về lại quá khứ tuổi thơ những lần lẽo đẽo theo má đi chợ Tam Bình năm nào. Cái chợ nằm cạnh dòng sông Măng thơ mộng hiền hòa như người dân chân chất đôn hậu nơi đây. Dòng sông ấy đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần nước mắt tôi rơi khi má tiễn chân xuống đò qua Cần Thơ học. Cũng chính dòng sông này đã chở bao khát vọng của một đứa con nhà quê lên tỉnh tìm tương lai, rồi cũng từ đó bắt đầu một hành trình xa xứ đến tận bây giờ.

Đầu óc tôi miên man theo dòng hoài niệm, đến nỗi chiếc xe bắt đầu rẽ vào tỉnh lộ nhà tôi lúc nào không hay. Và cái bảng hiệu “Tam Bình kính chào quý khách” hiện ra đã kéo tôi về thực tại. Khung cảnh hai bên đường thu vào tầm mắt tôi lúc này là những ruộng lúa xanh ngát bạt ngàn được điểm xuyến bởi những cánh cò trắng muốt nhấp nhô như sóng lượn; đan xen đâu đó những vườn thanh long rực rỡ với sắc xanh của thân cuộn vào sắc đỏ của trái trên cây; những vườn cam sành sai trĩu quả đổ dạt xuống mé ao khiến nhà vườn phải dùng cây chống đỡ chờ ngày thu hoạch… Bức tranh quê nhà hôm nay càng thêm hiện đại, sống động bởi sự tô điểm của những cây cầu bê tông kiên cố nối liền hệ thống kênh rạch chằng chịt, nét đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đâu đó, vẳng ra từ cái máy hát trên xe là giai điệu Về miền Tây quen thuộc của nhạc sĩ Tô Thanh Tùng :

Ai đi miền xa nhớ về quê nhà

Thăm con đường xưa bến cũ miền Tây…

Bất giác, sóng mũi tôi cay cay…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.