Năm 2022, Cù lao xác sống cũng ra mắt trong dịp 2.9, thu về gần 13 tỉ đồng. Nhà sản xuất không tiết lộ kinh phí, song phim vẫn bị đánh giá là "thảm họa điện ảnh Việt". Tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Nguyễn Thành Nam không chỉ yếu về kịch bản còn tỏ ra yếu thế trong khâu hóa trang, cũng như các phân đoạn hành động.
Trong buổi ra mắt phim tại TP.HCM, tối 31.8, nhà sản xuất Nhất Trung và đạo diễn Nguyễn Thành Nam nói phần hai là "hành trình cầu thị", ê kíp lắng nghe phản hồi của khán giả và có sự cải thiện để phù hợp đại chúng hơn. Một năm trước, nhà sản xuất Nhất Trung cũng nhìn nhận thất bại của Cù lao xác sống trên báo chí, cho rằng zombie là thể loại phim khó, nhà làm phim cần biết tiếp thu ý kiến để trưởng thành hơn.
Điểm sáng của Bến phà xác sống
Phần hai tiếp nối câu chuyện còn bỏ dở của Cù lao xác sống, khi Công (Huỳnh Đông đóng) cùng nhóm người sống sót mở đường máu ra bến phà, trong bối cảnh đại dịch xác sống bùng nổ khắp cù lao. Anh còn lao tâm khổ tứ khi con gái mình, bé Na (Mona Bảo Tiên) bị Diễm (Ốc Thanh Vân) bắt cóc.
So với cách kể đa tuyến, đan xen hành trình nhiều nhóm nhân vật khác nhau trong phần một, Bến phà xác sống chọn tập trung vào nhóm người sống sót của Công. Điều này giúp phim mạch lạc, cốt truyện nhất quán hơn. Ngoài ra, nhà làm phim có nhiều đất khai thác tâm lý nhân vật, nên cũng tạo được cảm xúc trong nhiều phân cảnh.
Điển hình là tình cha con của Công và bé Na được đẩy mạnh. Từ người đàn ông thực dụng chỉ quan tâm đến sự tồn vong của bản thân và gia đình, anh dần mở lòng, học cách giúp đỡ và xả thân vì người cô thế. Huỳnh Đông có nhiều cơ hội bộc lộ sở trường diễn bằng ánh mắt, nhất là trong loạt cảnh anh diễn cùng Mona Bảo Tiên.
Diễn viên nhí Mona Bảo Tiên cũng có nhiều cải thiện ở thoại, lối diễn cũng tự nhiên, linh hoạt hơn hồi vào vai Sửu Ẹo trong Trạng Tí. Nhóm nhân vật phụ có sự phân bố phù hợp hơn. Người cha do nghệ sĩ Tấn Thi thủ vai bớt nói đạo lý, hỗ trợ nam chính nhiều hơn. Bộ đôi tấu hài La Thành - Xuân Nghị được giảm thời lượng, các câu thoại liên quan LGBTQ+ tiết chế hơn. Ốc Thanh Vân có vài phân cảnh tỏa sáng khi đóng phản diện, tuy nhiên động cơ và mục đích của nhân vật Diễm còn mơ hồ, thiếu chiều sâu. Ngược lại, một số tuyến thứ chính như Lê Lộc, Trần Phong, Hoàng Mèo... xuất hiện để đảm bảo tính nhất quán của câu chuyện, song không có vai trò quan trọng trong phim.
Dàn dựng, kịch bản còn nhiều điểm 'chê'
Bến phà xác sống giới thiệu một kiểu xác sống "đột biến" - nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Đây có lẽ là lời hồi đáp từ phía nhà sản xuất, khi thây ma trong phần một bị chê là quá chậm chạp, gây khó dễ cho nhóm người sống là điều không hợp lý.
Song sự cải thiện này chỉ được khắc họa chủ yếu qua… thoại. Chủng thây ma mới chạy nhanh hơn, song tạo hình và trí tuệ vẫn y hệt "người tiền nhiệm". Chúng vẫn… không biết bơi, vẫn bị đánh bại bởi chỉ một cú gõ sau đầu. Trong các phim lấy đề tài xác sống trên thế giới như Resident Evil của Mỹ hay The Sadness của Đài Loan, chủng đột biến xuất hiện để tăng kịch tính cho phim, đi cùng những khả năng vượt trội. Điều tương tự không xuất hiện trong Bến phà xác sống, dễ gây hụt hẫng cho người xem.
Khâu hóa trang không có nhiều cải thiện so với phần một. Ở những cú máy close-up (quay cận), vết thương hở hay đôi mắt trắng dã của xác sống được khắc họa đủ chân thực. Song, ở những cảnh quay rộng, khán giả tinh ý sẽ nhận ra một số diễn viên quần chúng còn không được hóa trang, để mặt mộc "trà trộn" hàng ngũ thây ma. Ê kíp tỏ ra đuối sức trong công tác quản lý số lượng quần chúng đông đảo, không nhất quán được cử động của đám đông - dẫn đến việc nhiều xác sống như… người say rượu, quơ quào trong lúng túng.
Ở phần kịch bản, lối kể tiếp tục thiếu tính sáng tạo. Cù lao tuy không lớn nhưng có vẻ quá nhỏ nên cứ 5 phút nhân vật chính lại gặp người quen. Hành trình đi tìm con gái của Công không gặp khó khăn khi mọi thứ đều được "dọn sẵn": hết xăng tìm thấy thùng xăng, cần di chuyển có ngay xe máy, xe lôi... Trong một phân cảnh, Công bị trói trong tư thế rất kỳ quặc. Dây thừng lỏng lẻo, nhân vật không bị trói chân nhưng nhất quyết quỳ chứ không đứng thẳng. Khi có người đến giải cứu, Công tự dùng răng… cắn đứt dây trói một cách dễ dàng.
Ở cảnh kết, nhà làm phim muốn lấy nước mắt khán giả, khi để một nhân vật quan trọng gặp biến cố. Tuy nhiên, do cách kể dông dài, trường đoạn này trở thành… MV ca nhạc, dễ gây mất kiên nhẫn cho người xem. Cuối phim còn đi theo trào lưu after-credit, khi cài cắm nhiều phân cảnh "nhá hàng" cho phần tiếp theo. Tuy nhiên, chuỗi cảnh này thiếu điểm nhấn, khiến người xem cũng mơ hồ trước tương lai của "thương hiệu phim xác sống Việt Nam".
Bình luận (0)