Bên sông Hoàng Phố

Trần Thanh Bình
Trần Thanh Bình
02/09/2018 10:58 GMT+7

Mưa. Mưa từ khi máy bay hạ cánh tại sân bay Pudong - TP.Thượng Hải (Trung Quốc) kéo dài nhiều tiếng sau đó. Trời cả ngày xám xịt những cơn mưa mù dai dẳng. Bên kia sông Hoàng Phố đã khác xưa rất nhiều, sau 13 năm trở lại.

Tòa nhà 632 M và con lắc 1.000 tấn
Năm 2005, khi đoàn nhà báo của Báo Thanh Niên đến, phố Đông Thượng Hải đã có 6.000 tòa nhà từ 20 tầng trở lên, sau một cuộc đại quy hoạch từ năm 1990. Đến nay, năm 2018, đứng ở đâu của Thượng Hải cũng thấy sự nhộn nhịp ồn ã. Thượng Hải lúc ấy có khoảng gần 20 triệu dân, nay đã tăng đến 27 triệu, chưa kể khách vãng lai cũng xấp xỉ 5 - 6 triệu người.
Ông Jimmy Chan, một CEO của Công ty Alpha King, người Hồng Kông, kể: “Tôi đặt chân đến Thượng Hải vào năm 1997 sau vài năm tu nghiệp ở Mỹ. Với kiến thức chuyên ngành kiến trúc sư, tôi đã nhìn thấy một viễn cảnh rất hoành tráng của mảnh đất này. Lúc ấy, nhiều nơi những con phố vẫn còn nhếch nhác. Hình ảnh mà các bạn thấy, như những thước phim tái hiện một bến Thượng Hải với nhà máy, công xưởng còn hoang sơ. Nhưng bây giờ…”. Ông bỏ lửng câu ấy và khoát tay chỉ ra xa như minh chứng.
Tòa tháp Shanghai Tower

Lạ một điều, trưa hết mưa, buổi chiều sông Hoàng Phố trong xanh, đi dọc phố Đông này của 13 năm về trước và hôm nay, tôi hình dung cuộc đại quy hoạch phố Đông quyết liệt đến nhường nào. Nếu liên tưởng thì hoàn toàn không khập khiễng vì bởi cùng với thời điểm ấy, các nhà hoạch định chính sách của VN cũng đã chỉ tay từ Q.1 (TP.HCM) qua Thủ Thiêm, với mong muốn biến bán đảo này thành một trung tâm tài chính thương mại của TP.HCM. Chỉ xem sơ qua, địa thế cảnh quan Thượng Hải rất giống với TP.HCM. Và phố Đông thì y hệt bán đảo Thủ Thiêm.
Khi đặt vấn đề về quy hoạch Thượng Hải vào thập niên 90 của thế kỷ trước, chúng tôi nhận được câu trả lời từ Jimmy Chan: “Quy hoạch tổng thể Thượng Hải chủ yếu là tôn tạo và bảo tồn khu phố cổ, phát triển khu vực bán đảo bên kia sông, tức là phố Đông để trở thành một trung tâm tài chính thương mại vào hàng đầu thế giới. Với người dân, Trung Quốc quy định cấp sổ chủ quyền nhà đất trong vòng 70 năm. Các công trình thương mại, dịch vụ thì thời hạn 40 năm. Sau hạn định đó, tùy theo sự thay đổi của chính sách cũng như nhu cầu sử dụng đất theo từng khu vực mà có thể, hoặc không thể gia hạn”.
Vào thời điểm năm 2005, dấu mốc và là niềm tự hào của người dân Thượng Hải nói riêng và Trung Quốc nói chung, là tháp truyền hình Thượng Hải cao 468 m. Nhưng nay đã có tòa tháp Shanghai Tower vượt lên sừng sững với chiều cao 632 m, 225 tầng, đứng thứ nhì thế giới sau tòa tháp Burj Khalifa ở Dubai (828 m). Shanghai Tower là một khối kiến trúc tổng thể hài hòa sử dụng thang máy với tốc độ đi lên là 18 m/giây, đi xuống là 10 m/giây. Điều đặc biệt thú vị là đoàn chúng tôi được chủ nhân của Shanghai Tower “đặc cách” cho lên đến tầng thượng tòa nhà, sau khi phải “quá cảnh” ở tầng 187, độ cao 527 m. “Đây là điều không thể với người dân bình thường. Và chúng ta sẽ chiêm ngưỡng một tuyệt phẩm thiết kế kiến trúc từ tầng cao nhất. Ở đó, điều bất ngờ sẽ đến với các bạn”, Jimmy Chan nói.
Điều bất ngờ ấy, là con lắc nặng đến 1.000 tấn được treo vào một khối khung thép rất đặc biệt, được làm riêng cho Shanghai Tower. Con lắc này có nhiệm vụ giữ thăng bằng cho tòa nhà, giảm độ rung lắc cho một công trình quá cao. Ở đó, người thuyết minh đã chỉ cho chúng tôi 2 mô hình. Một là khối kiến trúc có con lắc, và một cái khác không có con lắc. Gió mạnh thổi qua, mô hình không có con lắc ngả nghiêng nhìn rất e sợ. Còn mô hình khối kiến trúc cao tầng có treo con lắc thì chỉ được gió... vuốt ve, chuyển động nhè nhẹ rồi trở về vị trí cũ.
Nhưng làm sao cẩu được con lắc nặng như vậy lên đến độ cao chừng ấy? Ông Wu, một chuyên gia thiết kế của Tập đoàn xây dựng Thượng Hải, người từng nắm giữ trọng trách trong việc thiết kế và quản lý dự án Sân vận động Mỹ Đình tại Hà Nội, trả lời rằng lúc ở dưới đất là những mảnh rời, lên đến đỉnh tháp mới ghép lại. Nhưng việc thay thế hàng trăm cần cẩu các loại để đưa được con lắc lên vị trí của nó là hoàn toàn không dễ dàng. Ông Wu cung cấp thêm, để công trình hoàn thiện trong vòng 7 năm với mỗi ngày 15.000 công nhân thi công, trước đó Tập đoàn xây dựng Thượng Hải đã có hơn 10 năm tính toán, thiết kế các hạng mục, lúc đầu 19 bản vẽ chọn lại 3, rồi sau đó chọn 1, là tòa tháp ngày nay.
Một điều rất quan trọng, để giữ an ninh cho tòa nhà đến mức tuyệt đối, khi bước vào sảnh Shanghai Tower, tất cả mọi người đều được máy móc soi chiếu rất kỹ càng túi xách và các dụng cụ mang theo. Sau đó mới xếp hàng trật tự và bước vào thang máy.
Đất vàng Thượng Hải giá bao nhiêu?
Tại trụ sở của Tập đoàn E-House, chuyên tập hợp dữ liệu về số lượng dự án, giá cả bất động sản (BĐS) của 100 thành phố trên toàn Trung Quốc, màn hình lớn thể hiện giá căn hộ ở vị trí tốt nhất của Thượng Hải tuần 34 (từ 20 - 27.8) tại Q.Hoàng Phố là 89.500 USD/m2 (hơn 2 tỉ đồng). Trong khi đó, giá bình quân chia đều từ tất cả các dự án xa hoặc gần trung tâm là 6.000 USD/m2. Cũng với ngày đó, giá căn hộ ở Bắc Kinh với mức bình quân là 30.000 USD/m2. Cùng vào thời điểm, tại thủ đô của Trung Quốc có đến 930 dự án đang rao bán với nhiều mức giá khác nhau.
Một chuyên gia chuyên kết nối tập hợp dữ liệu BĐS, cho rằng các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội BĐS Trung Quốc gắn bó rất mật thiết với E-House, luôn sẵn sàng cung ứng các số liệu liên quan đến dự án của mình, tiến độ mua bán, giá cả và tất tần tật đủ thứ số liệu khác nhau có liên quan đến đất đai nhà cửa.
Đại diện E-House cũng cho biết các cơ quan chính quyền của Thượng Hải cũng như Trung Quốc rất chú trọng về những số liệu nghiên cứu tập hợp theo kiểu độc lập này. Vốn dữ liệu ấy là một “gia tài” rất quý báu có thể sử dụng cho các vấn đề hoạch định chính sách BĐS của quốc gia. Họ hoàn toàn ủng hộ cũng như luôn tích cực kêu gọi các doanh nghiệp “bồi đắp” hằng ngày cho kho dữ liệu này.
Chợt nghĩ, nếu Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoRea) có thêm một sự kết hợp với một doanh nghiệp nào đó trong nước để có thể tạo ra một kho dữ liệu kiểu E-House thì có lẽ các doanh nghiệp trong nước, cũng như doanh nghiệp nước ngoài sẽ có một cái nhìn tổng quan và kịp thời về những diễn biến hằng tuần trên thị trường BĐS. Điều quan trọng hơn, người dân có thể quan sát và định ra cho mình một hướng chọn lựa mua nhà để ở hoặc đầu tư, sau khi đã cân nhắc trên nền dữ liệu được cung cấp.
Có được điều này, có lẽ những suy ngẫm từ những buổi chiều bên sông Hoàng Phố của tôi sẽ thêm phần hưng phấn. Điều mà cho đến lúc này, khi những ghi chép trên quyển nhật ký hành trình hiển hiện trước mặt, tôi vẫn cứ tự hỏi vì sao và cho đến bao giờ?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.