Bên trong Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14

02/01/2022 05:47 GMT+7

Đầu tháng 12.2021, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM tăng lên, nhưng nhờ triển khai quyết liệt các giải pháp, hiện dịch đã có xu hướng giảm. Tuy nhiên vẫn còn nhiều ca nặng, y bác sĩ vẫn căng mình làm việc...

Giữa tháng 8.2021, Bệnh viện dã chiến (BVDC) số 14 (P.Tây Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM) chính thức đi vào hoạt động, do BV Ung bướu TP.HCM phụ trách. Trong khuôn viên BVDC số 14 có Trung tâm hồi sức cấp cứu (HSCC) người bệnh Covid-19 do BV T.Ư Huế phụ trách trước đây và ngày 15.12.2021, BV T.Ư Huế đã bàn giao lại cho BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Sở Y tế TP.HCM lập BVDC 3 tầng số 14, trong đó tầng 1, 2 điều trị bệnh nhân (BN) nhẹ, trung bình, nặng; tầng 3 điều trị BN nặng, nguy kịch.

Covid-19 sáng 2.1: Cả nước 1.746.092 ca nhiễm | Chuẩn bị vắc xin cho trẻ em 5-11 tuổi

Vào bệnh viện dã chiến không căng thẳng như trước

Ngày 17.12.2021, chúng tôi vào khu vực cách ly, điều trị tầng 2, BVDC 3 tầng số 14. Nơi đây đang thu dung điều trị cho hơn 300 BN Covid-19 từ nhẹ đến nặng. Khu điều trị bệnh chia làm 2 khu bệnh nặng và nhẹ, khu vực bệnh nặng được sắp xếp gần các nhân viên y tế nhất.

Hai vợ chồng ông Lê Văn Được và bà Lê Thị Phương Uyên điều trị tại đây. Ông Được cười nói: “Tôi thích vào đây điều trị hơn ở nhà. Ở nhà, người nhà phải lo lắng cho mình, mình cũng sợ lây cho người nhà. Trong đây ai cũng F0, đi tới đi lui thể dục bình thường. Ăn uống ngày 3 bữa được nhân viên y tế giao đúng giờ, nhưng mất vị giác nên tôi chẳng biết mùi vị sao”. Bà Uyên chen vào: “Trước đây nghe phải vào điều trị tại BVDC ai cũng lo lắng, bảo phải đem theo nhiều thức ăn, đến khi vào mới hay ăn cơm trong viện cũng no rồi. Các bác sĩ (BS) lại dễ thương nữa”.Phát hiện nhiễm Covid-19 ngày 17.12.2021, vừa nhập viện, bà Nguyễn Thị Gấp (68 tuổi, ngụ Q.Tân Phú) tranh thủ gọi điện thoại cho chồng đang điều trị tại BVDC số 13. Bà cho biết: “Vào đây thấy hoành tráng quá nên tui ngợp, toàn người bệnh mà lại đông vui quá nên gọi cho chồng để... khoe”.

Nằm dãy giường đối diện là gia đình 6 người của chị Bùi Thị Thanh Tâm (47 tuổi, ngụ Q.10), được sắp xếp nằm cạnh nhau giúp chị yên tâm phần nào, đặc biệt là 2 con đang tuổi tiểu học. “Hai đứa nhỏ theo gia đình đi cách ly cũng mang theo sách vở, học online…; tuy mạng hơi yếu nhưng cách ly như vậy cũng tạm được”, chị Tâm nói. Còn chị Diệp Công Diễm Kiều (27 tuổi, nhân viên văn phòng), đi cách ly còn kẹp theo laptop làm việc online. Chị Kiều tâm sự: “Từ BS đến BN ai cũng dễ thương, hết hỏi thăm lại chia hộp bánh, hộp sữa, hay dĩa cơm cho mình. Lúc bình thường, ngoài thời gian làm việc mình còn phải đi kiếm cơm ăn, thì nay cứ đúng giờ ngày 3 bữa là có người mang tới rồi, chỉ tập trung làm việc. Ở BVDC, điều kiện thế này là quá tốt rồi”.

Những hình ảnh trên khác hẳn so với tháng 7, 8, 9 vừa qua, thời điểm đỉnh dịch, không khí nặng nề, người bệnh chưa bao giờ được thoải mái đến như vậy. “Có những người bị nhẹ, vẫn có thể chăm sóc bản thân được nhưng họ sẽ cảm thấy rất buồn vì không có người thân hay sự quan tâm của gia đình, lúc đó chúng tôi sẽ là những người thay thế người thân của họ. Chúng tôi coi BN như người nhà”, điều dưỡng Bùi Hồng Ngọc, Trưởng phòng Điều dưỡng, BV Bệnh nhiệt đới chia sẻ.

Y, bác sĩ vẫn còn vất vả bởi dịch bệnh

Chúng tôi sang khu vực BN nặng hơn ở tầng 2 cùng BS Lương Hoàng Tiên, Trưởng khoa Lâm sàng. Một BN tên H. gọi hỏi thăm tình hình người nhà đang thở máy phòng bên cạnh. “Tôi và chồng được chuyển thẳng vào đây 5 ngày, mong bệnh chuyển biến tốt để về khu bệnh nhẹ”, nữ BN nói. Sau khi trấn an nữ BN, BS Tiên cho chúng tôi biết, đối với các ca bệnh nặng sẽ theo dõi 14 ngày, nếu bệnh tiến triển tốt thì chuyển về lại khu bệnh nhẹ, nặng hơn thì chuyển lên tầng 3 bên cạnh. Số ca bệnh chuyển từ khu bệnh nhẹ sang nặng và ngược lại tại đây khá bằng nhau, cứ 3 ca nặng chuyển vào thì lại có 3 ca tiến triển tốt chuyển về khu bệnh nhẹ.

Chăm sóc bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 14 những ngày cuối tháng 12.2021

KHÁNH TRẦN

Phụ trách điều trị cho các ca bệnh nặng ở tầng 2, BS Trần Thảo Quyên (BV Ung bướu) cho biết thêm: “Số ca bệnh nặng đang có xu hướng tăng, nhiều người chích vắc xin rồi vẫn có thể trở nặng, kể cả người trẻ. Hiện nay, trong BV số ca nặng tăng gấp đôi so với trước”. Theo các BS, số ca bệnh nặng tăng cao, khối lượng công việc tăng, các nhân viên y tế chịu thêm nhiều áp lực.

Những ngày qua, BV Bệnh nhiệt đới phải lo nhiều công việc, sắp xếp lại khu hồi sức do BV T.Ư Huế bàn giao để lập lại BVDC 3 tầng số 14. BS Nguyễn Thành Tâm, Khoa Nhiễm E, BV Bệnh nhiệt đới, kiêm Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BVDC 3 tầng số 14, cho biết hiện nay lực lượng tại BVDC 3 tầng số 14 do các y, BS được điều đến từ BV 115, BV Nhi đồng… và một số BS, điều dưỡng của BV T.Ư Huế ở lại hỗ trợ.

Riêng ở khu bệnh nặng thì trầm lắng, âm thanh gần như duy nhất là tiếng máy thở “tít, tít” liên hồi. Nơi đây đang điều trị cho khoảng 30 BN. Trang bị đồ bảo hộ, PV theo chân các BS vào khu điều trị BN nặng (HSCC - ICU). Tại một giường bệnh, BS Nguyễn Trường An đang siêu âm cho một BN thở máy. Qua hỏi thăm, nghe giọng Huế, chúng tôi mới biết BS An là một trong những BS của BV T.Ư Huế ở lại hỗ trợ BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM trong giai đoạn chuyển giao. Theo BS An, ở đây, lúc cao điểm, số ca bệnh nhiều, ca trực của mỗi BS kéo dài 12 giờ, trong đó 9 tiếng trong khu điều trị, 3 tiếng còn lại làm hồ sơ, nhưng có 24 tiếng để nghỉ ngơi, hồi phục. “Trong những thời điểm áp lực nặng nề nhất, anh em luôn động viên nhau giữ vững tinh thần, hoàn thành tốt nhiệm vụ”, BS An chia sẻ.

Đang chăm sóc BN tại khu vực bệnh nặng, điều dưỡng Đức (cũng thuộc BV T.Ư Huế) vừa điều chỉnh máy móc vừa hỏi thăm sức khỏe BN. Anh nói: “Không mong gì hơn cho BN sớm khỏe để xuất viện. Đã chăm sóc cho nhiều BN, khi họ xuất viện, có người tìm mình cho bằng được chỉ để nói lời cảm ơn và một cái ôm, rồi xin số điện thoại để thi thoảng hỏi thăm nhau”.

Theo BS Nguyễn Huỳnh Thanh Trúc (BV Bệnh nhiệt đới, đến công tác tại đây), khoảng tháng 7, 8, 9 khi ở đỉnh dịch là khoảng thời gian kinh khủng nhất, số ca bệnh nặng rất nhiều nhưng TP.HCM cũng đã vượt qua được. Đến nay, khi dịch có dấu hiệu quay trở lại, BV đã sẵn sàng như lời BS Thanh Trúc nói: “Chúng tôi lại chuẩn bị để ứng phó, đến khi nào hết dịch thì BV Bệnh nhiệt đới mới trở về công việc bình thường”.

TP.HCM: Triển khai lấy mẫu test nhanh giám sát biến chủng Omicron tại sân bay Tân Sơn Nhất

TP.HCM đào tạo cấp tốc bác sĩ hồi sức

Ngày 21.12.2021, Sở Y tế TP.HCM tổ chức lễ khai giảng khóa đào tạo liên tục với chuyên đề “Thực hành HSCC bệnh Covid-19” cho 29 học viên đến từ các BV đa khoa và chuyên khoa của TP.

Đây là khóa đào tạo dành riêng cho các BS chuẩn bị luân phiên đến các BVDC 3 tầng. Trước đó, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế chi viện 1.000 BS, trong đó có 300 BS HSCC và 2.000 điều dưỡng, trong đó có 600 điều dưỡng HSCC.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.