Bên trong căn nhà kỷ niệm của cố Tổng bí thư Đỗ Mười

04/10/2018 16:00 GMT+7

Ngôi nhà nơi nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười sinh ra và lớn lên, hiện giờ là nơi đặt bàn thờ tổ tiên do cháu ruột Nguyễn Duy Yên (62 tuổi) trông giữ, những ngày qua nghi ngút khói hương, liên tục có người đến chia buồn.

Ngôi nhà xây cấp bốn nằm giữa thôn 3, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) ngay bên dòng sông Hồng gắn liền với tuổi thơ của cố Tổng bí thư Đỗ Mười.
[VIDEO] Cận cảnh nơi an nghỉ cuối cùng của cố tổng Bí thư Đỗ Mười
Ông Nguyễn Duy Yên, cháu gọi cố Tổng bí thư bằng bác ruột, cho biết ông được giao trách nhiệm trông giữ căn nhà này từ nhiều năm nay. Khi sức khỏe tốt vẫn có thể đi lại, “bác Mười” vẫn giữ thói quen về ngôi nhà này vào những dịp lễ, trước hết là thắp hương cha mẹ, tổ tiên và sau đó là thăm lại họ hàng, gặp gỡ chúc sức khỏe những người cao tuổi.
Theo thông cáo đặc biệt của Ban Chấp hành TƯ Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, quốc tang nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười diễn ra trong 2 ngày, từ 6 - 7.10.
Chiều 7.10, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười sẽ được an táng ở quê nhà, là khu đất thuộc thôn 3, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Ngôi nhà được xây dựng chỉ bằng vật liệu đơn giản là vôi và cát. Sau nhiều năm sử dụng, tường nhiều chỗ đã mủn và xuống cấp. “Có lần con cháu bày tỏ được sửa nhà nhưng bác không đồng ý. Bác bảo nhà vẫn còn tốt, các con cháu cứ ở, nhiều nơi đồng bào vùng núi, vùng sâu vùng xa còn khổ hơn mình!”, ông Yên kể.
Sau khi thông tin nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từ trần được công bố, căn nhà này thường xuyên có khách đến thắp hương chia buồn. Nhiều vị khách rất bất ngờ khi ngôi nhà ông sinh ra và lớn lên giờ vẫn giản dị, khiêm nhường. Ngoài ban thờ đặt ở gian giữa, gian bên trái nhà chỉ có tấm ảnh đen trắng chụp khi ông Đỗ Mười nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và tấm ảnh tập thể chụp cùng con cháu, có thêm 1 tấm ảnh màu ông chụp cùng cháu trai.
Ngoài ban thờ tổ tiên cùng bố mẹ của cố Tổng bí thư Đỗ Mười đặt ở gian chính giữa ngôi nhà, đôi câu đối GS Vũ Khiêu tặng ông cũng luôn được gia đình trân trọng. Theo ông Yên, đôi câu đối có nội dung: Quốc thái dân an lôi công đức/ Phượng vũ long phi bái tiền đường, mang ý nghĩa con cháu luôn phải hướng về ông bà, tổ tiên, mà khi còn sống, “bác Mười” vẫn luôn nhắc nhở, răn dạy con cháu.
Trong số những kỷ niệm về bác mình, ông Nguyễn Duy Yên nhớ nhất là trong ăn mặc sinh hoạt hàng ngày, ngay cả lúc giữ cương vị lãnh đạo cao nhất cho đến khi về hưu, nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười luôn giữ thói quen giản dị, mộc mạc, chan hòa với mọi người. Trang phục ông thích nhất là áo sơ mi, còn khi trời rét là áo đại cán, đi dép xăng đan, hoặc giày ba ta.
"Tôi luôn quan sát nhiều lần ông về quê, chưa bao giờ tôi thấy ông mặc comple, quần áo đóng thùng. Ông luôn giữ cách nói chuyện mộc mạc, chan hòa với mọi người", ông Yên nhớ lại.
que-nha-tong-bi-thu-do-muoi
Mâm ngũ quả được bày biện để cho người dân, họ hàng đến thắp hương sau khi nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười từ trần Ảnh Phan Hậu
Bức ảnh ông Đỗ Mười chụp cùng con cháu treo tại ngôi nhà nơi ông từng sinh ra và lớn lên Ảnh Phan Hậu (chụp lại)
que-nha-tong-bi-thu-do-muoi
Bức ảnh chân dung duy nhất của nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười treo tại quê nhà. Ông Yên cho biết, đây là tấm ảnh khi "bác Mười" nhậm chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ảnh Phan Hậu
que-nha-tong-bi-thu-do-muoi
Ông Nguyễn Duy Yên giới thiệu về câu đối của GS Vũ Khiêu tặng. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười vẫn thường nhắc đến câu đối này để răn dạy cháu con Ảnh Phan Hậu
que-nha-tong-bi-thu-do-muoi
Bên ngoài ngôi nhà nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười, người thân và họ hàng đã dựng bạt, chuẩn bị bàn ghế cho ngày tổ chức tang lễ Ảnh Phan Hậu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.