Bên trong 'đầu não' tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Áp lực cao và những điều bạn chưa biết

Phạm Hữu
Phạm Hữu
24/11/2024 08:42 GMT+7

Theo dự kiến, ngày 22.12, metro Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) chạy chính thức.

Trong phòng điều khiển trung tâm (OCC) tại depot Long Bình, đội ngũ điều độ viên tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên ngày ngày thực hiện những bước tập dượt cuối cùng. Họ chính là những người thầm lặng, đứng sau hoạt động của các chuyến tàu metro Bến Thành - Suối Tiên đầu tiên đưa TP.HCM bước vào kỷ nguyên giao thông hiện đại.

Khi thời gian khai thác thương mại tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên ngày càng đến gần thì với các lái tàu, điều độ ở trung tâm điều khiển (OCC), nhân viên ở các nhà ga… luôn trong trạng thái sẵn sàng.

Tâm sự một ngày làm việc của nhân viên vận hành metro số 1

"Đầu não" của metro Bến Thành - Suối Tiên

3 giờ 30, (thời điểm chạy thử như thật từ sáng đến đêm hồi đầu tháng 11) các nhân viên của tuyến metro số 1 bắt đầu bước vào buổi làm việc đầu tiên trong ngày.

Bên trong 'đầu não' tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Áp lực cao và những điều bạn chưa biết- Ảnh 1.

Bên trong khu trung tâm điều khiển (OCC) của tuyến metro số 1 nằm tại depot Long Bình

Ảnh: Phạm Hữu

Ở phòng điều độ (khu depot, P.Long Bình, TP.Thủ Đức), 6 nhân viên của kíp trực thứ nhất (tổng 24 nhân sự) bước vào phòng, ngồi trước máy tính để chuẩn bị cho chuyến tàu đầu tiên trong ngày.

Trong phòng có 5 dãy máy tính cùng các màn hình lớn để cập nhật và theo dõi thông tin điều hành. Mỗi dãy máy có từ 1 đến 2 nhân sự phụ trách các bộ phận như: điều độ thương mại – hành khách, giao thông (chịu trách nhiệm toàn tuyến), điều độ depot (chịu trách nhiệm đưa tàu bảo dưỡng, vệ sinh, hỗ trợ giao thông khi xảy ra sự cố), thiết bị (giám sát tất cả thiết bị trên hệ thống).

Nơi đây là điểm kết nối giữa chính giữa các điểm, tuyến và bộ phận khác trong chuỗi vận hành chung của metro số 1.

Anh Lê Văn Vinh, kíp Trưởng vận hành Trung tâm điều khiển tuyến đường sắt đô thị TP.HCM là người quản lý, giám sát chính trong kíp trực này.

Anh cho biết theo quy định sau khi các nhân viên điều độ kiểm tra và được xác nhận từ lái tàu, 14 nhà ga, các nơi phụ trách hệ thống điện… mới lập biểu đồ chạy tàu. Nhân viên điều độ thương mại – hành khách sẽ thiết lập biển số tạm để tàu chuẩn bị rời ga.

Bên trong 'đầu não' tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Áp lực cao và những điều bạn chưa biết- Ảnh 2.

Nguyễn Thị Mộng Tuyền (bên phải) một trong những nhân sự nữ phụ trách điều độ giao thông toàn tuyến đang thực hiện công việc chạy thử nghiệm tàu

Đúng giờ, con tàu đầu tiên trong ngày sẽ xuất phát từ depot Long Bình, đến các ga đón khách rồi tiến đến ga Bến Thành. Do đó, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu là hết sức quan trọng.

"Với tuyến metro này, vị trí trung tâm điều khiển luôn là nơi chịu áp lực cao vì luôn đòi hỏi tính chính xác, kỹ lưỡng trong việc điều hành. Bởi chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm vận hành chung để làm sao đảm bảo 9 đoàn tàu sẽ chạy trơn tru, đúng tuyến, đúng giờ và an toàn nhất", anh Vinh nói.

Cùng trong kíp trực đó, phía bên phải chỗ ngồi của anh Vinh là Nguyễn Thị Mộng Tuyền (nhân sự phụ trách điều độ giao thông toàn tuyến) cũng nhìn vào màn hình không ngớt. Nhiệm vụ của cô phải đảm bảo đủ nhân sự để chạy tàu, đồng thời luôn quan sát, hướng chạy, cự ly, tốc độ của tàu qua camera kết nối với máy tính.

Với tuyến metro này, vị trí trung tâm điều khiển luôn là nơi chịu áp lực cao vì luôn đòi hỏi tính chính xác, kỹ lưỡng trong việc điều hành. Bởi chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm vận hành chung để làm sao đảm bảo 9 đoàn tàu sẽ chạy trơn tru, đúng tuyến, đúng giờ và an toàn nhất.

Anh Lê Văn Vinh, Kíp Trưởng vận hành Trung tâm điều khiển tuyến đường sắt đô thị TP.HCM

Nếu có sự cố nào phát sinh Tuyền đều phải xử lý một cách nhanh nhất có thể nhằm tránh ảnh hưởng đến toàn hệ thống. Kế tiếp, cô phát loa xác nhận với bộ phận lái tàu, kiểm tra an toàn rồi mới phát lệnh cho tàu ra tuyến và rời ga.

Bên trong 'đầu não' tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Áp lực cao và những điều bạn chưa biết- Ảnh 3.
Bên trong 'đầu não' tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Áp lực cao và những điều bạn chưa biết- Ảnh 4.

Các hệ thống máy móc và thiết bị hiện đại tại khu trung tâm điều khiển

Tuyền chia sẻ: "Dù đã được học, thực hành rất nhiều nhưng khi lần đầu thao tác chạy thử nghiệm này luôn có cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh, tuy vậy tôi rất vui vì đã vận hành tốt các đoàn tàu rời và về ga một cách chỉn chu nhất".

Nhận lệnh, kiểm tra tàu và rời ga

Trong khi đó, tại bộ phận lái tàu, cách xa trung tâm điều khiển vài trăm mét, anh Phạm Xuân Tú nhận nhiệm vụ với người quản lý, sau đó báo cáo số hiệu chuyến tàu, kế hoạch chạy, kiểm tra nồng độ cồn. Khi "khớp" các thông tin, lái tàu Xuân Tú được bàn giao các thiết bị, chìa khóa và lập tức rời nhà điều hành ra bãi đậu tàu cách đó không xa.

Bên trong 'đầu não' tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Áp lực cao và những điều bạn chưa biết- Ảnh 5.

Tại phòng điều hành bộ phận lái tàu, anh Xuân Tú (đứng bên phải) kiểm tra và xác nhận với quản lý thông tin trước khi lên tàu

Chưa vội lên đường, anh Tú lại bước từng bước, nhìn từng bánh xe, hệ thống đèn, mối nối của khoảng 10 toa tàu trước khi khởi hành. "Quy trình này tôi phải mất ít nhất 40 phút mới được cho tàu rời ga. Chưa kể, nếu chỉ một bên đèn không sáng, lập tức chúng tôi phải đổi sang tàu khác", anh Tú chia sẻ và cho rằng những hành động đó sẽ lặp đi lặp lại trong nhiều năm về sau khi tàu chính thức vận hành thương mại.

Một ca lái tàu của anh Tú gồm 4 chuyến (vòng). Mỗi chuyến kéo dài khoảng 60 phút từ depot Long Bình đến ga Bến Thành và ngược lại. Tuy vậy, từ đợt đào tạo, chạy thử nghiệm anh Tú cũng không nhớ rõ đã điều khiển bao nhiêu chuyến tàu và trong thời gian bao lâu. Anh chỉ nhớ nhất làm sao để đảm bảo an toàn khách đến, vừa lòng khách đi cũng như hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Trong chuỗi quy trình vận hành tàu chạy, những bộ phận ở các ga nằm dọc tuyến metro số 1 cũng quan trọng không kém. Ở ga Rạch Chiếc, những ngày này các nhân viên cũng đã quen với các quy trình vận hành.

Bên trong 'đầu não' tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Áp lực cao và những điều bạn chưa biết- Ảnh 6.

Anh Xuân Tú chọn nghề lái tàu vì sự mới mẻ và thú vị của nghề

Ông Ngô Anh Quang, Quản lý nhà ga Rạch Chiếc cho biết nhiệm vụ của các nhân viên ở đây là phối hợp các bộ phận, đảm bảo an toàn lên xuống tàu của hành khách.

Ở ga này đều nhận lệnh từ "đầu não" depot Long Bình về hoạt động của các chuyến tàu. Do đó, ga Rạch Chiếc như một trong những "chi nhánh" của tuyến metro số 1 này. Ngoài các bộ phận hành chính văn phòng thì ở ga Rạch Chiếc còn có các bộ phận khác như: an toàn (11 người) và bán vé (9 người). Tại đây, bộ phận an toàn là hết sức quan trọng. Nhiệm vụ của các nhân viên này theo dõi, đảm bảo an toàn trong phạm vi chức trách ở nhà ga.

Bên trong 'đầu não' tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Áp lực cao và những điều bạn chưa biết- Ảnh 7.
Bên trong 'đầu não' tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Áp lực cao và những điều bạn chưa biết- Ảnh 8.

Trước khi điều khiển tàu, anh Tú phải thực hiện quy trình kiểm tra an toàn xung quanh đoàn tàu. Quy trình này phải mất từ 30 40 phút mỗi ngày

Được làm việc ở metro là một hành trình dài

Trước khi bước vào làm kỹ thuật viên điều độ, Nguyễn Thị Mộng Tuyền cũng từng nhiều năm làm điều hành cho một hãng xe khách đường dài. Cô gái nhỏ nhắn này nói rằng công việc đó rất áp lực, một mình cáng đáng nhiều thứ và giờ giấc làm việc không ổn định. Ngay sau đó, cô lại muốn thay đổi bản thân, môi trường nên thử sức trong lĩnh vực mới mẻ này.

Bên trong 'đầu não' tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Áp lực cao và những điều bạn chưa biết- Ảnh 9.

Tại nhà ga Rạch Chiếc là một trong những "chi nhánh" của tuyến metro số 1. Nơi đây các nhân viên cũng trong tư thế sẵn sàng để bước vào vận hành chính thức

Tuyền trải qua hành trình dài hơn 2 năm mới chính thức được ngồi tại phòng điều độ của tuyến metro số 1. Trong thời gian học, kỷ niệm nhớ nhất với Tuyền là ở tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, sau đó sang Nhật trao đổi kinh nghiệm rồi mới về nước tiếp tục thực hành. Tuyền cảm thấy bản thân may mắn khi tiếp cận và trực tiếp sử dụng công nghệ hiện đại trên thế giới.

Đến bây giờ, Tuyền cảm thấy đã đủ thuần thục, tự tin và một trong những người trẻ đầu tiên làm công việc điều độ ở trung tâm.

Cảm giác lần đầu bước lên con tàu sau thời gian học mô phỏng vừa thân thuộc lại vừa mới mẻ. Đến khi tận tay bật nút, điều khiển đoàn tàu lăn bánh thì lúc đó cảm xúc rất lâng lâng mãnh liệt trong người. Từ khoang lái tàu metro Bến Thành - Suối Tiên ra bên ngoài tôi lại thấy thành phố này thật đẹp.

Anh Xuân Tú

Còn anh Xuân Tú trước đó là kỹ thuật viên bảo trì điện. Khi biết được thông tin tuyển dụng lái tàu, không chần chừ, anh lập tức nộp hồ sơ ứng tuyển. Đôi lúc, anh lại có chút phân vân vì chưa có kiến thức, kinh nghiệm hay trải nghiệm gì về ngành đường sắt. Tuy vậy, đây cũng là điểm thú vị bởi nó hoàn toàn mới với anh cũng như người dân TP.HCM.

Bên trong 'đầu não' tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Áp lực cao và những điều bạn chưa biết- Ảnh 10.
Bên trong 'đầu não' tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên: Áp lực cao và những điều bạn chưa biết- Ảnh 11.

Bộ phận bán vé ở ga Rạch Chiếc

Anh Tú phải trải qua quá trình đào tạo dài. Bắt đầu từ năm 2020 tại Trường Cao đẳng Đường sắt, rồi đến tháng 10.2023, anh được tập huấn từ các chuyên gia người Nhật. Tháng 6.2024 anh chính thức thực hành trực tiếp trên những con tàu metro ở TP.HCM.

Anh Tú bày tỏ: "Cảm giác lần đầu bước lên con tàu sau thời gian học mô phỏng vừa thân thuộc lại vừa mới mẻ. Đến khi tận tay bật nút, điều khiển đoàn tàu lăn bánh thì lúc đó cảm xúc rất lâng lâng mãnh liệt trong người. Nhất là đôi lúc nhìn từ khoang lái tàu metro Bến Thành - Suối Tiên ra bên ngoài tôi lại thấy thành phố này thật đẹp".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.