Bên trong hòn đảo chật nhất trái đất, bằng nửa sân bóng nhưng chứa 1.000 người

26/05/2024 08:12 GMT+7

Mỏm đá nằm trên hồ Victoria, giữa biên giới của Uganda và Kenya, có hơn 1.000 người sống chỉ trên một khu đất rộng 2.000 mét vuông.

Được ví như con rùa có mai khổng lồ bởi những mái nhà bằng tôn chen chúc chặt như nêm, Migingo được coi là một trong những hòn đảo đông đúc nhất thế giới.

Đảo đá này có kích thước chỉ bằng một nửa sân bóng và rộng khoảng 2.000 mét vuông, nằm ở phía đông bắc của hồ Victoria, trên biên giới giữa Uganda và Kenya.

Hòn đảo phủ tôn

Hòn đảo phủ tôn

AFP

Trong nỗ lực tìm hiểu hòn đảo đông đúc này trông như thế nào, nhà làm phim Joe Hattab đến từ Dubai đã thực hiện hành trình đầy nguy hiểm tới đó và ở đêm với người dân địa phương.

Để đến Migingo, Hattab phải bắt chuyến bay tới Nairobi ở Kenya. Từ đó, anh đi ô tô khoảng 6 giờ đến một thị trấn nhỏ tên là Kisumu, nằm bên bờ hồ Victoria.

Tại đây, Hattab lên một chiếc thuyền máy địa phương đến Migingo, với chuyến đi "sóng gió" kéo dài khoảng hai giờ.

Hòn đảo trông giống như một ảo ảnh khi nhà làm phim đến gần và anh không chắc liệu con thuyền có trụ vững hay không do những con sóng lớn.

Bên trong hòn đảo chật nhất trái đất, bằng nửa sân bóng nhưng chứa 1.000 người- Ảnh 2.
Bên trong hòn đảo chật nhất trái đất, bằng nửa sân bóng nhưng chứa 1.000 người- Ảnh 3.
Bên trong hòn đảo chật nhất trái đất, bằng nửa sân bóng nhưng chứa 1.000 người- Ảnh 4.
Bên trong hòn đảo chật nhất trái đất, bằng nửa sân bóng nhưng chứa 1.000 người- Ảnh 5.

Hòn đảo chen chúc nhà cửa, với những quán bar tạm bợ và phòng ngủ nhỏ hẹp

Khi đặt chân lên Migingo, trời đã tối, Hattab phải đến gặp nhân viên bảo vệ trả phí lên đảo 250 USD. Biện pháp giám sát này được đưa ra nhằm ngăn chặn nạn cướp trong khu vực.

Sau khi nhận được sự cho phép cần thiết, nhà làm phim mạo hiểm đi vòng quanh hòn đảo đông đúc vào ban đêm và anh mô tả bầu không khí tiệc tùng với tiếng nhạc vang lên, mọi người chơi bida và mùi đồ chiên thoang thoảng trong không khí.

Trong khi Migingo là nguồn cơn gây tranh cãi giữa Kenya và Uganda trong nhiều thập kỷ vì vùng nước xung quanh có rất nhiều đặc sản cá rô sông Nile, Hattab chứng kiến không có xích mích nào trên hòn đảo khi cả hai quốc tịch đều chung sống hòa hợp.

Trong một cửa hàng tạp hóa nhỏ, nơi bán rượu và nước ngọt, anh thấy người bán hàng đang chơi nhạc và sử dụng một chiếc sàn DJ tạm bợ.

Trong một cảnh khác, Hattab giải thích rằng mọi người đang nấu ăn cùng nhau ngoài trời trên những con đường chật hẹp. Một phụ nữ cho hay, cô đang nấu cá và khoai tây chiên, và đây là nguyên liệu thực phẩm chủ yếu ở Migingo.

Bên trong hòn đảo chật nhất trái đất, bằng nửa sân bóng nhưng chứa 1.000 người- Ảnh 6.

"Vẻ đẹp" của hòn đảo nhìn từ trên cao

Khi trời đã khuya, Hattab đi theo người hướng dẫn đến nhà một ngư dân, nơi anh được bố trí giường ngủ qua đêm. Đó là "căn nhà" treo lơ lửng trên bờ đá và tiếng nước vỗ rất lớn, khiến những vị khách phương xa cực kỳ khó ngủ.

Buổi sáng, anh theo người dân đi tắm hồ và phát hiện một bên đảo thuộc về nam giới tắm, một bên là của phụ nữ.

Sau khi tắm xong, Hattab phải đến đồn cảnh sát địa phương và nộp đơn trình báo vì thuyền của họ mất cắp đêm qua.

Điểm đến cuối cùng của nhà làm phim trên Migingo là bến cá. Nhiều nhà buôn đến hòn đảo này để tìm nguồn cung đặc sản cá rô sông Nile, loài cá được xuất khẩu với giá rất cao.

Cảng cá của hòn đảo

Cảng cá của hòn đảo

AFP

Victoria là hồ lớn nhất ở châu Phi, và việc mất đi nguồn cá dồi dào một thời ở đây đã gây khó khăn cho hàng triệu người sống dọc theo bờ biển ở Uganda, Kenya và Tanzania. Theo các dữ liệu, trong bốn thập kỷ qua, có tới 80% loài cá bản địa đã biến mất.

Vì điều này, Migingo đã trở thành địa điểm đánh bắt cá ngày càng phổ biến vì xa xôi và nguồn cá còn dồi dào, dân số vì thế đã tăng từ khoảng 130 cư dân năm 2009 lên hơn 1.000 người ngày nay.

Hattab lưu ý rằng, giá cá rô sông Nile cũng tăng giá 50% trong những năm gần đây và ước tính ở mức 300 USD/kg trên thị trường quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.